Cảnh báo hiểm họa từ rượu ngâm
Uống rượu ngâm các vị thuốc, hay một số loại động vật là thói quen của không ít người, với quan niệm có thể bồi bổ sức khỏe, tăng cường sinh lý.
Tuy nhiên, không ít trường hợp phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì quan niệm này.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên cho biết đã tiếp nhận 3 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch. Sau đó, 1 người được xác định đã tử vong trước khi đưa vào viện. 2 bệnh nhân còn lại trong tình trạng hôn mê sâu phải tiến hành cấp cứu, cho thở máy.
Trước đó, các bệnh nhân này được xác định là đã uống rất nhiều rượu, gồm rượu ngâm với rắn cạp nong.
Trước đó, Khoa Chống độc - Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cũng tiếp nhận 5 bệnh nhân ở xã Quỳnh Thạch (Quỳnh Lưu, Nghệ An) bị ngộ độc sau khi uống rượu.
Sau thời gian điều trị, 3 bệnh nhân tiến triển tốt, riêng 2 bệnh nhân N.V.S. (54 tuổi) và V.V.H. (46 tuổi) trong tình trạng nguy kịch, phải thở máy, lọc máu liên tục.
Theo nhận định của các bác sĩ điều trị, những bệnh nhân này không phải ngộ độc Ethanol hay Methanol mà liên quan đến độc chất có trong rượu ngâm.
Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Phạm Minh Ngọc - chuyên khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, cho biết: “Hiện nay, nhiều người thường có thói quen dùng rượu ngâm có nguồn gốc từ động vật với mong muốn điều trị bệnh tật hoặc bồi bổ sinh lực cho cơ thể như: Tắc kè, rắn, cá ngựa, bìm bịp, hải mã, hải sâm…
Tuy nhiên, hiệu quả trong việc tăng cường sinh lý, bản lĩnh đàn ông của các loại rượu ngâm có nguồn gốc động vật vẫn chưa được kiểm chứng và chưa có nghiên cứu khoa học chứng minh”.
Cũng theo chuyên gia này, trong khi lợi ích của các loại rượu ngâm động vật vẫn chưa thấy rõ thì trước mắt, việc sử dụng đã đem lại nhiều nguy cơ.
Rượu thuốc nếu uống vô tội vạ thì sẽ gây ra ngộ độc, dẫn đến viêm gan, vàng da, suy thận, tăng huyết áp hoặc nhiễm khuẩn đường ruột…
Với các loại rượu ngâm động vật, nồng độ cồn sẽ bị giảm dần theo thời gian. Do đó, chất đạm tiết ra từ động vật có thể bị ôi, hư và nhiễm vi sinh vật, vi khuẩn làm tăng nguy cơ ngộ độc.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cũng đưa ra cảnh báo: “Mọi người cứ nghĩ ngâm các dược liệu hay động vật là rượu thuốc, nhưng thực tế nếu là thuốc chữa bệnh phải có đơn của thầy thuốc.
Việc chúng ta dễ dãi sử dụng dược liệu mà không tính toán được liều lượng cụ thể, không biết rõ các thành phần có thể gây ra tác dụng có hại cho loại rượu này. Người uống có thể gặp những tổn thương, nhiễm độc, ngộ độc nặng…”.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/canh-bao-hiem-hoa-tu-ruou-ngam-post640873.html