Cảnh báo khoảng 3 triệu trẻ em Việt Nam mắc tật khúc xạ

Theo ước tính, Việt Nam có khoảng 3 triệu trẻ em mắc tật khúc xạ cần chỉnh kính, trong đó có tới 2/3 trẻ em bị cận thị.

Ngày 10/10, Bệnh viện Mắt Trung ương tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Thị giác thế giới năm 2024 với chủ đề “Ưu tiên chăm sóc mắt trẻ em”. Đây là năm thứ 22 Việt Nam tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Thị giác thế giới nhằm kêu gọi cộng đồng nâng cao nhận thức, chung tay cùng ngành mắt chăm sóc, bảo vệ đôi mắt, đặc biệt là các bệnh mắt thường gặp ở trẻ em.

Theo báo cáo của Bệnh viện Mắt Trung ương, Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu người mù và thị lực kém, nhưng 80% số người mù ở Việt Nam có thể phòng, chữa được. Các nguyên nhân gây mù chính hiện nay qua điều tra cho thấy đục thể thủy tinh vẫn là nguyên nhân chủ yếu (chiếm tới 66,1%), tiếp đó là các bệnh lý đáy mắt, bệnh glôcôm, tật khúc xạ...

Nhiều học sinh Hà Nội mắc tật khúc xạ.

Nhiều học sinh Hà Nội mắc tật khúc xạ.

Các bệnh lý về mắt ngày càng đa dạng, phức tạp, đặc biệt các bệnh lý mắt ở trẻ em như: Chấn thương mắt ở trẻ em, tật khúc xạ, nhược thị, các bệnh lý bẩm sinh như u võng mạc, lác mắt, sụp mi, đục thể thủy tinh bẩm sinh, võng mạc trẻ sinh non…

Đáng chú ý, tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) đang ngày càng phổ biến trong thanh thiếu niên, với tỷ lệ mắc khoảng 15-20% ở học sinh nông thôn, 30-40% ở học sinh thành phố. Nếu tính riêng nhóm trẻ từ 6-15 tuổi (lứa tuổi cần ưu tiên được chỉnh kính), cả nước có khoảng gần 15 triệu em, với tỷ lệ mắc các tật khúc xạ khoảng 20%, thì Việt Nam ước tính có 3 triệu em mắc tật khúc xạ cần chỉnh kính, trong đó có tới 2/3 số em bị cận thị.

Hưởng ứng Ngày Thị giác thế giới, trước đó, Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế) phối hợp với Bệnh viện Mắt Trung ương phát động Chương trình vì sức khỏe cộng đồng “Mắt khỏe ngời sáng tương lai”.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, theo khảo sát về tình trạng mắc tật khúc xạ ở trẻ em tại một số trường tiểu học và trường trung học cơ sở năm 2020 tại Hà Nội và năm 2023 tại TP Hồ Chí Minh của Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết: Tại Hà Nội có 51% trẻ em mắc tật khúc xạ, trong đó cận thị chiếm 37,5%, viễn thị chiếm 8,2% và loạn thị là 5,3%.

Bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương khám mắt cho học sinh Trường tiểu học Hoàng Diệu (Hà Nội).

Bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương khám mắt cho học sinh Trường tiểu học Hoàng Diệu (Hà Nội).

Tại TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ trẻ em mắc tật khúc xạ lên tới 75,6%, trong đó, số trẻ em bị cận thị chiếm 52,7%. Cũng trong thời gian qua, có nhiều trẻ em ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa có bệnh về mắt đã được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

“Vì thế, hoạt động nhằm lan tỏa thông điệp về vai trò quan trọng của việc bảo vệ đôi mắt khỏe, qua đó cùng chung tay với các bậc phụ huynh và nhà trường trong việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe đôi mắt cho trẻ thơ. Chương trình này sẽ tổ chức chăm sóc mắt miễn phí cho hàng chục nghìn học sinh tại 20 trường tiểu học và mầm non trên địa bàn thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh”, Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ.

Để phòng các tật khúc xạ ở trẻ, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Mắt Trung ương Phạm Ngọc Đông khuyến cáo cha mẹ cần lưu ý tăng cường cho trẻ chơi ngoài trời, cho trẻ không gian mở, hạn chế sử dụng các thiết bị có màn hình. Thời nay, trẻ con không thể không có máy tính, điện thoại…, vì vậy, cha mẹ cần điều tiết thời gian sử dụng của trẻ, trẻ tìm kiếm thông tin chứ không phải chơi game.

Đồng thời, cần tuân thủ nguyên tắc 20-20-20, nghĩa là cứ sau 20 phút nhìn màn hình thiết bị điện tử, phụ huynh nên cho trẻ nghỉ ít nhất 20 giây và tập trung mắt vào một vật cách xa hơn 20 bộ (khoảng 6m).

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/canh-bao-khoang-3-trieu-tre-em-viet-nam-mac-tat-khuc-xa-i746802/