Cảnh báo lạm dụng thuốc hít cắt cơn ở bệnh nhân hen suyễn tăng nguy cơ nhập viện

Hiện tại điều trị hen suyễn chủ yếu là dự phòng bằng các thuốc hít corticosteroid. Tuy nhiên, việc lạm dụng các loại thuốc hít cắt cơn trong bệnh hen suyễn có liên quan đến việc tăng nguy cơ nghiêm trọng và khả năng nhập viện…

Hen suyễn là bệnh mãn tính không lây nhiễm phổ biến nhất. Hen suyễn được đặc trưng bởi các triệu chứng hô hấp khác nhau như thở khò khè, khó thở, tức ngực, ho và giới hạn luồng khí thở ra có thể thay đổi.

Những người bị hen suyễn thường có giai đoạn các triệu chứng tồi tệ hơn và tình trạng tắc nghẽn đường thở ngày càng trầm trọng hơn, được gọi là đợt cấp, có thể gây tử vong.

Hầu hết các bệnh tật và tử vong liên quan đến bệnh hen suyễn đều có thể phòng ngừa được, đặc biệt khi sử dụng corticosteroid dạng hít.

Có nhiều bệnh nhân hen suyễn đã lạm dụng khi dùng các thuốc corticosteroid dạng hít.

Có nhiều bệnh nhân hen suyễn đã lạm dụng khi dùng các thuốc corticosteroid dạng hít.

Hiện tại không có cách chữa khỏi bệnh hen suyễn. Bệnh chỉ được kiểm soát tốt nhất bằng cách sử dụng thường xuyên ống hít corticosteroid nhằm ngăn ngừa các triệu chứng xảy ra.

Những người bị hen suyễn cũng có thể sử dụng các dạng bình xịt định liều cắt cơn, trong đó có chất chủ vận beta tác dụng ngắn (SABA) để giảm nhanh các triệu chứng khi cần thiết.

Cảnh báo lạm dụng thuốc trị hen suyễn

Nghiên cứu mới đây tại Đại học London (Anh) cũng chỉ ra rằng những người bị hen suyễn thường lạm dụng thuốc hít SABA. Việc dựa vào SABA thay vì sử dụng corticosteroid để ngăn ngừa các triệu chứng sẽ dẫn đến nguy cơ kiểm soát bệnh hen suyễn kém và gia tăng cơn hen nặng và nhập viện.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích hơn 700.000 hồ sơ bệnh nhân tại 117 phòng khám đa khoa ở nước Anh và phát hiện ra rằng, có tới 26% bệnh nhân bị hen suyễn sử dụng bình xịt SABA kê đơn quá mức. Trong đó, có 1/4 số bệnh nhân cũng đang lạm dụng thuốc hít phòng ngừa (corticosteroid).

Vấn đề cấp bách hiện nay là cần khuyến nghị giám sát kê đơn điện tử trong chăm sóc ban đầu.

Ngoài ra, để giảm số lần nhập viện của bệnh nhân hen suyễn, cần thường xuyên thăm khám, tư vấn cho bệnh nhân để cải thiện việc sử dụng thuốc hít phòng ngừa.

Khuyến cáo của Tổ chức phòng chống hen toàn cầu - GINA

Tổ chức phòng chống Hen toàn cầu (GINA) năm 2021 khuyến cáo:

- Các triệu chứng diễn ra hàng ngày, thức dậy vào ban đêm vì hen suyễn một lần một tuần hoặc nhiều hơn và suy giảm chức năng phổi:

Liều trung bình duy trì corticosteroid dạng hít- formoterol hoặc liều trung bình/liều cao thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài + thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh khi cần thiết.

- Các triệu chứng diễn ra hầu hết các ngày, thức dậy vào ban đêm vì hen suyễn một lần một tuần hoặc nhiều hơn:

Liều thấp duy trì corticosteroid dạng hít -formoterol hoặc liều thấp thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài + thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh khi cần thiết (corticosteroid dạng uống ngắn hạn cũng có thể cần thiết cho những bệnh nhân bị hen suyễn nặng không kiểm soát được).

- Các triệu chứng từ 2 lần/tháng trở lên: Liều thấp corticosteroid dạng hít -formoterol khi cần thiết hoặc corticosteroid dạng hít liều thấp + thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh khi cần thiết.

Dùng corticosteroid dạng hít-formoterol khi cần thiết được ưu tiên nếu bệnh nhân có khả năng kém tuân thủ corticosteroid dạng hít hàng ngày và liệu pháp chứa corticosteroid dạng hít được khuyến nghị ngay cả khi các triệu chứng không thường xuyên, vì nó làm giảm nguy cơ đợt cấp nặng và nhu cầu điều trị corticosteroid đường uống.

- Các triệu chứng nhẹ hơn khác: Corticosteroid dạng hít - formoterol liều thấp khi cần thiết hoặc corticosteroid dạng hít liều thấp bất cứ khi nào dùng SABA.

Xem thêm video đang được quan tâm:

DS. Hoàng Vân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//canh-bao-lam-dung-thuoc-hit-cat-con-o-benh-nhan-hen-suyen-tang-nguy-co-nhap-vien-169220702200423225.htm