Cảnh báo lỗ hổng quản lý sau hàng loạt sự cố hàng không
Từ đầu năm đến nay, hàng loạt sự cố đã xảy ra đe dọa an toàn, an ninh hàng không cho thấy những bất cập mà nếu không cải thiện, ngành hàng không Việt Nam sẽ phải chịu những thiệt hại không nhỏ.
Hàng loạt sự cố liên tiếp xảy ra đe dọa an toàn, an ninh hàng không cho thấy nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý. Ảnh: TL
Theo đó vào ngày 18/3, chuyến bay VN920 của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines di chuyển từ TP.Hồ Chí Minh đi Phnom Penh (Campuchia) khi ra đường băng chạy đà cất cánh đã xảy ra sự cố kỹ thuật nổ lốp máy bay.
Rất may sự cố đã không gây thiệt hại về người nhưng mảng văng từ vụ nổ lốp đã làm vỡ 1 bên vỏ động cơ máy bay, làm hư hỏng nhỏ đường băng và cháy cỏ lề Bắc đường băng.
Đặc biệt khoảng 12h30’ ngày 14/6, máy bay mang số hiệu VJ322 của hãng hàng không Vietjet Air cất cánh từ Phú Quốc đến TP.Hồ Chí Minh. Trên đường lăn vào nhà ga đã trượt khỏi đường băng 07L-25R của sân bay Tân Sơn Nhất và dừng lại trên thảm cỏ.
Do sự cố, 23 chuyến bay đang bay hướng đến Tân Sơn Nhất phải chuyển hướng hạ cánh ở các sân bay lân cận như Liên Khương, Cần Thơ... ;78 chuyến khác bị gián đoạn hoạt động. Sự cố khiến sân bay Tân Sơn Nhất tạm thời ngừng hoạt động, hàng loạt chuyến bay bị ảnh hưởng.
Chỉ sau đó đúng một ngày, vào chiều 15/6, nữ hành khách tên H.T.A.T (50 tuổi) đi cùng chồng và con gái trên chuyến bay mang số hiệu VN1379 của Vietnam Airlines từ Huế đến TP. Hồ Chí Minh. Máy bay hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất vào lúc 18 giờ cùng ngày, nữ hành khách trong lúc xuống thang máy bay đã bị ngã, chảy máu ở vùng đầu.
Các đơn vị phục vụ tại sân đỗ đã liên hệ đội ngũ y tế, bố trí xe cứu thương, bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho hành khách, sơ cứu và đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 175. Tuy nhiên, hành khách đã tử vong vào ngày 16/6 tại TP.Hồ Chí Minh.
Gần đây nhất vào khoảng 8h55’ ngày 25/6, máy bay Boeing 787-19 của Vietnam Airlines được kéo vào cầu ống số 4, nhân viên lái xe, nhân viên cảnh giới và thợ máy kéo vào đúng vạch dừng cho máy bay. Tuy nhiên, trong quá trình kéo máy bay vào bến đỗ số 4 do thiếu quan sát, cảnh giới và đã quẹt vào ống lồng gây trầy xước thân máy bay với kích thước khoảng 1m tại vị trí mép dưới cửa.
Khung ống lồng nằm ngoài vạch đỏ của vị trí đỗ số 4. Do sự cố, Vietnam Airlines đã phải kéo máy bay về xưởng để kiểm tra kỹ thuật, đổi máy bay khác để tiếp tục khai thác chuyến bay VN210.
Cần những giải pháp thiết thực, cụ thể để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay và sự phát triển bền vững của ngành hàng không. Ảnh: TL
Trong ngành hàng không, để một chuyến bay an toàn thì không được để xảy ra bất kỳ lỗi nào, dù là lỗi rất nhỏ cũng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, những vụ tai nạn thảm khốc.
Những vụ việc trên sẽ được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân. Nhưng ngoài trách nhiệm trực tiếp của hãng hàng không thì cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này mà cụ thể ở đây là Cục Hàng không Việt Nam cũng cần phải có những động thái, biện pháp để ngăn ngừa các sự cố tương tự có thể xảy ra trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia, nếu chỉ chăm chăm cấp phép bay mà không giải bài toán hạ tầng sẽ tạo thành cuộc đua mang tới nhiều rủi ro cho các hãng hàng không nói riêng và của cả Ngành hàng không Việt Nam nói chung. Tình trạng quá tải sẽ tăng thêm và áp lực quản lý ở sân bay sẽ tăng theo.
Để cạnh tranh hành khách, số chuyến bay ở mỗi sân bay sẽ được tăng thêm, tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến có thể xảy ra thường xuyên hơn. Số lượng chuyến bay giờ cao điểm có thể vượt khả năng điều hành không lưu và đe dọa an toàn bay. Việc điều hành không lưu tại các cảng hàng không sẽ càng phức tạp hơn.
Những sự cố liên tiếp xảy ra trong thời gian ngắn, đe dọa an toàn bay chính là hồi chuông cảnh báo đối với các hãng hàng không, Cục Hàng không Việt Nam trong bối cảnh hạ tầng hàng không, nhân lực quản lý, giám sát an toàn hàng không đang quá tải nhưng lại có nhiều máy bay với nhiều tuyến bay mới được mở thêm.
Trước đó, Tổ chức Hàng không dân dụng (ICAO) gắn “cờ đỏ” cảnh báo hàng không Thái Lan sau khi Cục Hàng không dân dụng Thái Lan không giải quyết được những vấn đề về hệ thống tiêu chuẩn an toàn hàng không mà ICAO đưa ra trong thời hạn 90 ngày.
Tuy ICAO không công bố những vấn đề còn tồn tại ở Cục Hàng không dân dụng Thái Lan nhưng tổ chức này đã thông báo tới từng nước về tình hình “an toàn hàng không đáng lo ngại” của Thái Lan. Khi đó nước này có tới 41 hãng hàng không nhưng năng lực về hạ tầng, nhân lực và việc quản lý giám sát an toàn không theo kịp.
Các hãng hàng không Thái Lan không được phép mở rộng kinh doanh, bị cấm bay liên danh với các hãng hàng không Hoa Kỳ và bị cấm vận bay đến Đông Bắc Á, Trung Quốc, và Hoa Kỳ. Không chỉ các hãng hàng không, ngành hàng không mà cả nền kinh tế của Thái Lan bị thiệt hại.
Hậu quả nhãn tiền tại Thái Lan về việc cấp phép cho quá nhiều hãng hàng không cũng như sự phát triển mạnh mẽ của đội tàu bay trong khi hạ tầng và quản lý an toàn bay không đảm bảo. Điều này sẽ có thể lặp lại đối với bất cứ quốc gia nào ngay cả đối với Việt Nam nếu nhưng chúng ta không có những giải pháp thiết thực và cụ thể.