Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất do mưa lũ ở Bình Thuận

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia vừa có tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy trên khu vực các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.

Theo đó trong chiều 5/8, cùng với một số tỉnh, thành, trên địa bàn Bình Thuận đã có mưa, trong đó Phan Rí Cửa có lượng mưa 34,4 mm. Đồng thời cảnh báo trong những giờ tới khu vực các tỉnh trên tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 10 – 20 mm, có nơi trên 50 mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện. Trong đó tại Bình Thuận bao gồm các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tuy Phong.

Sạt lở đất do mưa lớn ở Bình Thuận.

Sạt lở đất do mưa lớn ở Bình Thuận.

Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội. Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cũng đưa ra cảnh báo, lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân.

Liên quan đến công tác phòng chống thiên tai, Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện đến các tỉnh, thành phố trực thuộc (trong đó có Bình Thuận) và các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về việc chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới.

Sạt lở do mưa lũ ở Bình Thuận.

Sạt lở do mưa lũ ở Bình Thuận.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các tỉnh, thành phố chủ động hơn nữa để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo phương châm “bốn tại chỗ”. Khẩn trương rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó đối với từng loại hình thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn. Xác định các khu vực trọng điểm xung yếu để chủ động xây dựng kịch bản bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xảy ra. Tổ chức rà soát, xác định các khu vực có nguy hiểm, nhất là các khu vực sườn dốc có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, khu vực bị ngập sâu ven sông, suối. Qua đó, chủ động tổ chức di dời người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, đối với những nơi chưa có điều kiện để di dời ngay phải có phương án chủ động sơ tán khi có tình huống thiên tai để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân…

Được biết từ đầu năm 2024 đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến bất thường, khó dự báo. Sau các đợt nắng nóng gay gắt, hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài vào đầu năm, thời gian gần đây đã liên tiếp xảy ra mưa lớn, sạt lở đất, ngập lụt cục bộ tại nhiều nơi. Tuy nhiên, thiên tai vẫn gây ra thiệt hại rất lớn về người, tài sản của nhân dân và công trình cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2024 đến nay, thiên tai làm 104 người chết và mất tích (phần lớn người chết và mất tích là do sạt lở đất hoặc bị lũ cuốn), thiệt hại về vật chất ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng. Theo cảnh báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng La Nina sẽ tác động đến nước ta từ tháng 8/ 2024, nguy cơ xảy ra bão mạnh, mưa lớn, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, mất an toàn hồ đập là rất cao, đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất, sinh hoạt, tính mạng và tài sản của người dân.

K. HẰNG

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/canh-bao-lu-quet-sat-lo-dat-do-mua-lu-o-binh-thuan-122913.html