Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt ở các tỉnh từ Quảng Nam đến Ninh Thuận

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hồi 13 giờ ngày 3-11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 11,0-12,0 độ vĩ bắc; 113,7-114,7 độ kinh đông. Trong 24 giờ tới, vùng áp thấp dịch chuyển chậm theo hướng tây và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNÐ).

Ngày 4-11, ở khu vực giữa và nam Biển Ðông có mưa rào và dông, có khả năng xảy ra gió giật mạnh cấp 6-7. Khu vực bắc Biển Ðông và vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa có mưa rào và dông, gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8. Sóng biển cao từ 2 đến 4 m; biển động.

Từ ngày 3 đến 5-11, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng áp thấp, các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Phú Yên có mưa rất to (lượng mưa phổ biến từ 100 đến 150 mm/24 giờ, có nơi hơn 200 mm/24 giờ); các tỉnh, thành phố Ðà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Ninh Thuận có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to (lượng mưa phổ biến từ 40 đến 80 mm/24 giờ, có nơi hơn 100 mm/24 giờ). Tây Nguyên có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 20 đến 40 mm/24 giờ, có nơi hơn 50 mm/24 giờ). Mưa, lũ ở các tỉnh Trung Bộ còn diễn biến rất phức tạp.

Từ ngày 4 đến 5-11, trên các sông từ Quảng Nam đến Ninh Thuận có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Ðỉnh lũ trên các sông từ Quảng Ngãi đến bắc Phú Yên và Khánh Hòa có khả năng ở mức báo động (BÐ)2 - BÐ3, có nơi trên BÐ3; các sông ở Quảng Nam, nam Phú Yên và Ninh Thuận có khả năng ở mức BÐ1 và trên BÐ1. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt tại các vùng trũng thấp, vùng ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Quảng Nam đến Ninh Thuận.

Chiều tối 2-11, do mưa lớn, một công trình nhà ở tư nhân tại tổ 19, phường 3, thành phố Ðà Lạt (Lâm Ðồng) vừa xây dựng bị đổ, kéo theo đất đá đè sập căn nhà gỗ lợp tôn bên dưới có hai thợ xây, làm một người chết và một người bị thương.

Theo Ðài Khí tượng Thủy văn Bình Ðịnh, từ đêm 4-11 đến ngày 5-11, trên địa bàn Bình Ðịnh sẽ có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 100 đến 150 mm/24 giờ, có nơi hơn 200 mm/24 giờ. Lũ thượng nguồn đổ về sông Dinh với lưu lượng lớn đã đánh sập cầu An Liên, làm cô lập hoàn toàn tuyến đường huyết mạch nối các xã An Dũng, An Vinh về trung tâm huyện An Lão. Chính quyền cơ sở đã huy động lực lượng dựng lại cầu tạm bắc qua sông Dinh. Dự kiến trong năm 2020, huyện sẽ di dời 450 hộ của xã An Dũng theo dự án công trình hồ chứa nước Ðồng Mít.

UBND tỉnh Bình Ðịnh vừa ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở kè biển xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn, do bão số 5 làm sạt lở hoàn toàn 100 m kè, có nguy cơ gây hư hỏng thêm 1,1 km kè khác và đe dọa cuộc sống của 111 hộ dân dọc kè.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai (PCTT) tỉnh Bình Thuận vừa có công văn đề nghị các địa phương, ban, ngành liên quan theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo thời tiết và diễn biến của vùng áp thấp trên Biển Ðông có khả năng mạnh lên thành ATNÐ, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn về người và các phương tiện trên biển, phòng tránh triều cường, sạt lở bờ biển, mưa lũ, ngập lụt cục bộ.

Do ảnh hưởng của bão số 5, mực nước sông Trà dâng cao. Trong bốn ngày qua, hơn 300 hộ dân Ân Phú, xã Tịnh An (TP Quảng Ngãi) bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Cách duy nhất để người dân di chuyển ra ngoài là sử dụng ghe, đò ngang. Chiều 2-11, tại đây đã xảy ra tai nạn lật ghe khiến năm người rơi xuống nước, rất may đều được cứu nạn kịp thời.

UBND tỉnh Phú Yên vừa triển khai kế hoạch tập huấn nâng cao năng lực PCTT năm 2019, giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp ngành nông nghiệp triển khai thực hiện. Theo đó, tỉnh sẽ tập huấn cho 120 cán bộ, chiến sĩ về các nội dung như hướng dẫn cách neo đậu tàu, thuyền an toàn; kỹ năng điều khiển xuồng máy, ca-nô; tìm kiếm, cứu vớt người bị nạn trên sông, trên biển…

Theo Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Quảng Ngãi, bão số 5, mưa, lũ xảy ra trong hai ngày cuối tháng 10 đã làm một người dân mất tích và 14 người bị thương; 670 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 416,5 ha rau màu ngập úng, hư hỏng. Theo thống kê ban đầu, tổng giá trị thiệt hại ước tính hơn 367 tỷ đồng.

Từ ngày 25-10 đến nay, hàng trăm tàu đánh cá xa bờ ở huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) phải về bờ neo đậu, tránh trú. Ðến sáng 3-11, nhiều tàu cá vẫn chưa thể ra khơi do trên biển đang có vùng áp thấp. Do vậy, nguồn hải sản tươi sống cung cấp cho thị trường đang khan hiếm và giá bất ngờ tăng mạnh từ 20 đến 30%.

Trong vụ đông xuân 2019 - 2020, các huyện, thị xã vùng lũ phía tây tỉnh Tiền Giang là Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Châu Thành, thị xã Cai Lậy gieo cấy gần 35.000 ha lúa, phấn đấu đạt năng suất bình quân 74,23 tạ/ha và sản lượng cả vụ 256.000 tấn lúa. Ðây là các địa phương vùng ngập lũ, cần đẩy mạnh việc làm đất, bơm tát kết hợp củng cố bờ vùng, bờ thửa phục vụ sạ đồng loạt trên diện rộng.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/42123102-canh-bao-lu-quet-sat-lo-dat-ngap-lut-o-cac-tinh-tu-quang-nam-den-ninh-thuan.html