Cảnh báo mặt trăng ô nhiễm do rác thải của con người

NASA ước tính đã có 227.000 kg rác thải của con người rải rác trên mặt trăng. Điều này gây lo ngại về tình trạng con người làm vấy bẩn thiên thể này.

Từ xa xưa, con người đã thường nhìn lên bầu trời, quan sát các ngôi sao để coi thiên văn, đoán vận mệnh. Mọi nền văn minh của nhân loại đều nhìn vào các vì sao và tính toán các chuyển động của chúng để đo thời gian và giải mã ý nghĩa siêu nhiên nào đó.

Sự khao khát kiến thức không có giới hạn kết hợp với những tiến bộ công nghệ đã giúp chúng ta có thể mơ ước được du hành trong không gian. Những giấc mơ này ngày càng trở nên hiện thực hơn sau Cách mạng công nghiệp, Thế chiến thứ hai, Chiến tranh Lạnh và việc khai thác tài nguyên Trái đất trên quy mô lớn.

Giấc mơ du hành vũ trụ của chúng ta bắt đầu với việc Liên Xô phóng vệ tinh Sputnik-1 lần đầu bay vào không gian và bước lên đỉnh cao khi tàu Apollo của Mỹ đáp xuống mặt trăng vào năm 1969.

Sáu thập niên sau, các kế hoạch du lịch vũ trụ cũng như khám phá, khai thác trên mặt trăng và sao Hỏa đang được thúc đẩy rất mạnh mẽ.

Mặt trăng quyến rũ

Thậm chí, cơ quan đăng ký tài nguyên mặt trăng (một doanh nghiệp tư nhân định vị các nguồn tài nguyên có giá trị trên mặt trăng và giúp các nhà đầu tư thực hiện các hoạt động thăm dò và khai thác cần thiết), phải phát đi cảnh báo: “Cuộc đua không gian đang phát triển thành công nghiệp hóa vũ trụ”.

Theo NASA, "mặt trăng chứa hàng trăm tỉ USD tài nguyên chưa được khai thác", bao gồm nước, đồng vị heli-3 và kim loại đất hiếm rất cần dùng trong vi mạch điện tử.

Một nhóm học giả nghiên cứu các khía cạnh khác nhau của tính bền vững môi trường trên Trái đất (Christine Daigle, Giáo sư Triết học, Đại học Brock; Jennifer Ellen Good, Phó Giáo sư về văn hóa, Đại học Brock, và Liette Vasseur, Giáo sư Sinh học, Đại học Brock) đã phát đi cảnh báo về tốc độ khai phá mặt trăng và tác động của hoạt động này lên mặt trăng cũng như ngoài vũ trụ.

Một số nhà khoa học địa chất quốc tế đã gọi kỷ nguyên hiện giờ là Anthropocene để phản ánh các hoạt động của con người đã làm thay đổi sâu sắc Trái Đất gần đây.

Các nhà địa tầng học - các nhà địa chất nghiên cứu các lớp đá và trầm tích - tìm kiếm trong hồ sơ địa chất toàn cầu các tác động có thể đo lường được do con người gây ra. Theo nghiên cứu của họ, điểm khởi đầu của Kỷ Anthropocene được xác định là bắt đầu từ những năm 1950 và hậu quả của vụ thử hạt nhân.

Để thức tỉnh loài người trong việc ngăn chặn sự hủy diệt trên diện rộng trong không gian như chúng ta đã gây ra trên Trái đất, việc thêm "Anthropocene mặt trăng" vào thang thời gian địa chất của mặt trăng có thể có đem lại hiệu quả.

Trường hợp về Anthropocene trên mặt trăng rất thú vị. Có thể lập luận rằng kể từ lần đầu tiên con người tiếp xúc với bề mặt của mặt trăng, chúng ta đã thấy tác động của con người với vệ tinh tự nhiên lớn nhất của Trái đất. Tác động này có thể sẽ tăng lên đáng kể trong thời gian tới và sẽ càng củng cố cho đề xuất về một kỷ nguyên địa chất mới của mặt trăng.

Kỷ Anthropocene mặt trăng

Khái niệm Anthropocene hay “Kỷ nguyên loài người” mới này đang được tranh luận sôi nổi giữa các nhà địa tầng cũng như giới nghiên cứu ở các ngành khác. Đối nhiều người, tầm quan trọng của Anthropocene nằm ở sức mạnh mà khái niệm này gợi lên trách nhiệm của con người trong việc đẩy hệ thống Trái đất đến điểm thay đổi về chất.

Trong bài “Cú sốc của Anthropocene”, các nhà sử học Christophe Bonneuil và Jean-Baptiste Fressoz lập luận rằng chúng ta phải thừa nhận rằng những tiến bộ khoa học công nghệ đã thúc đẩy các nền văn minh dựa vào chủ nghĩa khai thác, tiêu dùng và lãng phí . Điều này cuối cùng dẫn đến mức độ thiệt hại có thể đo đếm được mà chúng ta đang phải gánh chịu trên Trái Đất hiện nay.

Trong nhiều thiên niên kỷ, hầu hết các xã hội đều hiểu tầm quan trọng của việc hòa hợp với thiên nhiên để sinh tồn. Nhưng công nghiệp hóa và đà phát triển kinh tế không ngừng ở các nước phát triển đã phá hủy mối quan hệ với thiên nhiên.

Ví dụ, cây cối từng được coi trọng vì cung cấp gỗ, thức ăn, bóng mát và nhiều thứ khác. Nhưng sự phát triển công nghiệp của chúng ta đã thay đổi tất cả; trong 100 năm qua, chúng ta đã chặt số cây còn nhiều hơn số cây bị chặt trong 9.000 năm trước đó.

Và bây giờ là Anthropocene cũng đang đến trên mặt trăng. NASA ước tính đã có 227.000 kg rác thải của con người rải rác trên mặt trăng, chủ yếu là từ các chuyến thám hiểm không gian, bao gồm xe thám hiểm và các thiết bị khác, thậm chí cả phân, bóng golf, tro người và các vật thể khác.

Ngày càng có nhiều tàu từ Trái đất đổ bộ lên mặt trăng và việc khai thác tài nguyên từ mặt trăng có thể phá hủy môi trường trên thiên thể này. Điều này tái hiện những gì đã xảy ra trên Trái đất: con người đã sử dụng "tài nguyên thiên nhiên" theo nhiều cách và tạo ra đủ chất thải dẫn đến môi trường suy thoái.

Thói quen xả chất thải của chúng ta không chỉ dẫn đến sự hủy hoại môi trường sống trên Trái đất mà còn trên mặt trăng và trong không gian. Chúng ta phải suy nghĩ lại những gì thực sự cần bảo vệ. Nếu hệ thống môi trường trên Trái đất không được đảm bảo đầy đủ chức năng, trong đó có đa dạng sinh học, chúng ta sẽ khó có thể tồn tại.

Nếu chúng ta hiểu được hậu quả của việc phá hoại môi trường trên Trái đất sẽ ảnh hưởng đến con cháu của chúng ta thì cũng cần có ý thức bảo vệ môi trường trên mặt trăng cũng như toàn vũ trụ. Như vậy, thế hệ sau này sẽ biết ơn chúng ta.

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/canh-bao-mat-trang-o-nhiem-do-rac-thai-cua-con-nguoi-213922.html