Cảnh báo miền Trung có thể xuất hiện mưa cường suất lớn
Mưa lớn sẽ dồn dập về cuối năm, đặc biệt là khu vực Trung Bộ, làm gia tăng nguy cơ ngập úng kéo dài, lũ lụt trên diện rộng, lũ quét, sạt lở đất ở khu vực này.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đêm qua và sáng nay (8/10), ở khu vực từ Nam Hà Tĩnh đến Bình Định và Nam Bộ có mưa, mưa vừa và rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to. Lượng mưa tính từ 19h ngày 7/10 đến 8h ngày 8/10 có nơi trên 80mm như: Trà Nham (Quảng Ngãi) 123.4mm, Đồng Hới (Quảng bình) 100.2mm, Cửa Tùng (Quảng Trị) 82.6mm, Quảng Điền (THừa Thiên Huế) 81.2mm, …
Dự báo ngày và đêm 8/10, ở khu vực từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa 15-40mm, có nơi trên 100mm. Cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn (>100mm/6h).
Cường suất mưa là lượng mưa rơi trên một đơn vị diện tích trong một đơn vị thời gian. Thời gian mưa là khoảng thời gian có mưa liên tục, có thể tính cho cả trận mưa hoặc một phần của trận mưa, thường tính bằng giờ hoặc phút.
Cường suất lũ biểu thị tốc độ biến đổi của mực nước lũ trong một đơn vị thời gian, thường lấy đơn vị là cm/giờ, m/giờ, cm/ngày hoặc m/ngày. Cường suất lũ trên các sông ở vùng núi có thể lên đến 1-3 m/h, ở đồng bằng hạ lưu các sông, khoảng 10-20cm/h. Lũ trên sông Cửu Long thuộc loại "lũ hiền" nhất ở nước ta, với cường suất trung bình chỉ 3-4cm/ngày, lớn nhất cũng chỉ 20-40cm/ngày.
Trong ngày và đêm 8/10, ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 15-30mm, cục bộ có nơi trên 70mm (thời gian mưa dông tập trung vào chiều tối và đêm).
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc (thông tin cảnh báo khu vực nguy cơ lũ quét, sạt lở đất thời gian thực được cung cấp trực tuyến trên trang thông tin điện từ của Tổng cục Khí tượng Thủy văn tại địa chỉ: https://luquetsatlo.nchmf.gov.vn và trong bản tin riêng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất).
Nhận định về ảnh hưởng của hiện tượng La Nina từ nay đến hết năm 2024, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 60-70%, sau đó hiện tượng ENSO duy trì ở trạng thái La Nina với xác suất khoảng 65-75%. Như vậy, càng về cuối năm, xác suất xuất hiện La Nina lại càng lớn.
Hiện tượng La Nina sẽ gây nguy cơ mưa, bão, lũ dồn dập trong những tháng cuối năm, đặc biệt là ở khu vực miền Trung. Dự báo từ nay đến hết năm 2024, hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm.
Trong đó, số bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đất liền có thể cao hơn so với trung bình nhiều năm và tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ, khu vực phía Nam. Đồng thời cần đề phòng khả năng bão, áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên khu vực Biển Đông.
Cùng với đó, theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sự tác động cao điểm của các cơn bão năm nay đến Việt Nam lại gần trùng với cao điểm của mùa mưa ở khu vực Trung Bộ. Như vậy, mưa lớn sẽ dồn dập về cuối năm, đặc biệt là khu vực Trung Bộ, làm gia tăng nguy cơ ngập úng kéo dài, lũ lụt trên diện rộng, lũ quét, sạt lở đất ở khu vực này.