Cảnh báo mua thuốc kháng virus Molnupiravir bán tràn lan trên mạng
Trên các trang mạng xã hội, không khó để người dùng có thể tìm mua được Molnupiravir, loại thuốc Bộ Y tế quy định chỉ bán khi có đơn của bác sĩ và chứng nhận F0.
Dù gia đình chưa có người mắc COVID-19, nhưng anh H.T.M., 30 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội vẫn tìm mua cho được thuốc kháng virus Molnupiravir để dự trữ trong nhà. Không có đơn thuốc, cũng chẳng giấy chứng nhận là F0, anh M. không đủ điều kiện mua thuốc ngoài hiệu. Anh đành lên mạng đăng tin trong các nhóm, diễn đàn để hỏi mua.
Chỉ 5-7 phút sau, hơn chục người lạ nhắn tin cho anh M. giới thiệu về thuốc Molnupiravir với đủ loại mức giá khác nhau. Người rao bán với giá vài trăm ngàn đồng 1 hộp, cũng có người hét giá tới hơn 1 triệu đồng. Nhưng nhìn chung, hầu hết họ đều khẳng định thuốc chính hãng, đảm bảo chất lượng. Anh M. muốn mua bao nhiêu cũng được, thậm chí nếu nhu cầu bán buôn, mua sỉ lẻ số lượng lớn, họ sẽ để cho anh với giá “hữu nghị”, thấp hơn nhiều so với giá của nhà sản xuất đưa ra.
Sau khi tham khảo vài người, anh M. quyết định mua 5 hộp thuốc Molnupiravir của chủ tài khoản C.T.T. với giá 800.000 đồng/hộp để dự phòng khi gia đình F0 thì mang ra dùng. Chẳng biết chất lượng các loại thuốc được rao bán thế nào nhưng so với giá của nhà sản xuất niêm yết, mỗi hộp thuốc anh M. trả cao hơn gần gấp 3 lần. “Biết là đắt, nhưng thời buổi dịch dã thế này, có vẫn hơn, tôi mua tạm 5 hộp về để phòng khi cần dùng ngay”, anh M. nói.
Giống như trường hợp của anh M., chị N.T.T.T., 42 tuổi, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội. Nhà chị T. tất cả 5 người đều tiêm đủ 3 mũi và chưa hề xuất hiện triệu chứng của mắc COVID-19, song chị vẫn quyết mua cho bằng được thuốc kháng virus Molnupiravir về dự trữ.
Sau 2 ngày đi tới đi lui nhiều hiệu thuốc mà không mua được vì thiếu chứng nhận F0 và đơn của bác sĩ, chị T. tự lên mạng tìm hỏi mua. Lang thang qua các hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe, chữa bệnh, chị T. thấy hàng trăm bài viết giới thiệu thuốc Molnupiravir hay thuốc Molravir. Chọn bài đăng nhiều người quan tâm hỏi mua nhất, chị nghe tư vấn từ người bán hàng.
“Người này giới thiệu, người nhà là chủ hiệu thuốc ở Hà Nội nên mới “tuồn” được một ít thuốc kháng virus hàng “chính hãng” do Việt Nam sản xuất ra ngoài. Nói là thuốc ít nhưng khi tôi hỏi mua thì họ lại nói là muốn bao nhiêu cũng có. Do là nguồn hàng “khan hiếm” nên mỗi hộp thuốc họ giới thiệu được chốt với giá hơn 500.000 đồng, gần gấp đôi so với thường. Thấy nhiều người mua, tôi cũng lấy 6 hộp với giá 3 triệu về để phòng”, chị T. chia sẻ.
Anh H.V.H., ở Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội khoe vừa mua được một lô 10 hộp thuốc kháng virus SARS-CoV-2 do Việt Nam sản xuất từ một người trên mạng xã hội. Người này giới thiệu là nhân viên của nhà thuốc, thấy người dân “khó khăn quá” trong việc mua thuốc nên lập ra một nhóm để trao đổi, mua bán trên tình thần "giúp đỡ người bệnh là chính".
“Họ nói là thấy mọi người tìm thuốc khó khăn quá nên cố gắng "lấy giúp" vài chục hộp, hàng chính hãng của Việt Nam sản xuất, có tem của công ty, địa chỉ nơi sản xuất. Sau khi xem xét kỹ về bao bì, hộp đựng, tôi quyết định mua 10 hộp với giá hơn 6 triệu. Biết là đắt hơn so với giá của hiệu thuốc nhưng để bảo vệ sức khỏe thì vẫn “rẻ”. Sắp tới, nhỡ dịch căng thẳng, thuốc khan hiếm giá có khi còn đắt hơn nhiều”, anh H. quả quyết.
Nguy cơ tiền mất, tật mang
Trả lời báo chí, các doanh nghiệp sản xuất thuốc khẳng định thời gian qua chỉ cung cấp thuốc theo hợp đồng cho các nhà thuốc, không bán lẻ ra thị trường.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương (Trường Đại học dược Hà Nội), thuốc kháng virus là một loại thuốc được sử dụng đặc biệt để điều trị bệnh do virus gây ra. Có nhiều loại virus gây bệnh khác nhau và mỗi loại thuốc kháng virus chỉ tác dụng trên loại virus đặc trưng, nói cách khác - không thể đem thuốc điều trị virus này để dùng cho bệnh do virus khác gây ra. Các thuốc tác dụng trên vi khuẩn như các kháng sinh cũng hoàn toàn không có tác dụng trên virus.
Mỗi thuốc kháng virus chỉ có chỉ định trên một số đối tượng bệnh nhân COVID-19 nhất định. Do vậy, việc dùng các thuốc kháng virus này cần đúng chỉ định của bác sĩ.
PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương
Mỗi thuốc kháng virus chỉ có chỉ định trên một số đối tượng bệnh nhân COVID-19 nhất định. Do vậy việc dùng các thuốc kháng virus này cần đúng chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, thuốc trị COVID-19 này cũng có khá nhiều chống chỉ định, đòi hỏi tuân thủ chặt chẽ; đồng thời trong quá trình sử dụng cũng cần giám sát cẩn thận các tác dụng phụ để tránh xảy ra các rủi ro đáng tiếc.
Các chuyên gia khác cũng cho rằng, thuốc kháng virus SARS-CoV-2 chứa thành phần Molnupiravir hiện nay là thuốc mới, cần tiếp tục theo dõi về chất lượng, hiệu quả, an toàn trong quá trình lưu hành. Việc sử dụng thuốc Molnupiravir cần phải sự thăm khám, kê đơn và hướng dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế. Do đó, việc người dân tự ý mua thuốc kháng virus trên mạng xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Sử dụng những thuốc này có thể gặp những vấn đề không tốt với sức khỏe. Vì vậy, chuyên gia khuyến cáo người dân không nên dự trữ thuốc và mua thuốc từ nguồn không chính thống để bảo vệ sức khỏe cho mình, cho gia đình.
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) mới đây cũng có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra việc mua bán thuốc điều trị COVID-19. Theo Cục Quản lý Dược, thuốc kháng virus điều trị COVID-19 nói chung và thuốc Molnupiravir nói riêng là các thuốc khi sử dụng phải tuân thủ theo đúng hướng dẫn của cán bộ y tế để đảm bảo an toàn, hiệu quả cho người sử dụng.
Tuy nhiên, trong thời gian qua xuất hiện hiện tượng nhiều cá nhân rao bán thuốc Molnupiravir trên các nền tảng mạng xã hội. Việc mua bán thuốc điều trị COVID-19 không được kiểm soát nêu trên dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh và hiệu quả điều trị...
Để bảo đảm an toàn cho người sử dụng và chấn chỉnh tình trạng vi phạm pháp luật trong kinh doanh thuốc điều trị COVID-19, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các địa phương chủ động, khẩn trương triển khai, phối hợp triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo của Bộ Y tế về việc tăng cường các biện pháp quản lý đối với việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị COVID-19. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự thì, các địa phương kịp thời lập hồ sơ chuyển sang cơ quan Công an để xử lý theo quy định.
Không cần tích trữ
Liên quan vấn đề tích trực thuốc, tại cuộc họp ngày 7/3, Chánh Văn phòng Sở Y Tế TP.HCM, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM khẳng định thành phố không thiếu thuốc điều trị COVID-19, vẫn còn nhiều liều Molnupiravir cấp phát miễn phí, người dân không nên mua thuốc bằng mọi giá và trữ thuốc trong nhà.
Bộ Y tế đã cấp phép hoạt động sản xuất thuốc điều trị COVID-19 cho 3 công ty với năng lực khoảng 2 triệu viên/tháng, gồm: Công ty Cổ phần dược phẩm Boston Việt Nam, Công ty cổ phần hóa dược phẩm Mekophar, Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm.
Bên cạnh đó, thời hạn sử dụng của thuốc điều trị COVID-19 ngắn hơn một số loại thuốc, nên việc trữ không có lợi. Sở Y tế kêu gọi người dân bình tĩnh, không nhất thiết phải đổ xô đi lấy xác nhận F0 để mua ở nhà thuốc và không cần trữ trong nhà, do thuốc chỉ có thời hạn sử dụng từ 4 – 6 tháng (tùy loại).
"Chúng ta không cần tích trữ thuốc Molnupiravir, sắp tới, các công ty dược sản xuất rầm rộ thì khả năng còn giảm giá nữa", bà Mai nói.
Bộ Y tế mới đây đề xuất Thủ tướng cho người bệnh tự quay video quá trình thực hiện test kháng thể tại nhà gửi cho người phụ trách chuyên môn của nhà thuốc, quầy thuốc để chứng minh kết quả test dương tính, nhằm giải quyết quá tải cho hệ thống y tế.
Thuốc được cấp phép có điều kiện, khi sử dụng phải theo dõi chặt chẽ do có tác dụng phụ và nguy cơ tạo ra biến chủng mới. Bộ Y tế đề xuất các nhà thuốc, quầy thuốc chịu trách nhiệm kê đơn, bán Molnupiravir cho người dân, tổng hợp số liệu báo cáo trạm y tế hoặc trung tâm y tế địa phương hàng ngày.