Cảnh báo nạn đuối nước trong mùa hè

Mùa hè là thời điểm các em nhỏ thường xuyên tiếp xúc với sông, suối, ao, hồ, biển… Thế nhưng cũng chính vào khoảng thời gian này, hàng loạt vụ đuối nước thương tâm đã xảy ra, cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ. Những cái chết tức tưởi vì thiếu kỹ năng bơi và sự giám sát từ người lớn đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn đuối nước ở trẻ em - một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nhóm tuổi này tại Việt Nam.

BI KỊCH LẶP LẠI TỪ SỰ CHỦ QUAN

Chỉ mới hơn 1 tháng kể từ đầu kỳ nghỉ hè đã xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm liên quan đến trẻ em. Gần đây nhất, khoảng 7 giờ ngày 02/7/2025 hai anh em họ N.M.K (7 tuổi, học lớp 1) và P. T. L (5 tuổi, cùng ngụ ấp Tây, xã Long Hựu, tỉnh Tây Ninh) rủ nhau ra ao sau nhà để tắm trong khi cả hai đều không biết bơi. Một lúc sau, gia đình nghe tiếng kêu thất thanh của bé N. (8 tuổi, ở gần nhà) báo có người chết đuối. Mọi người chạy ra tìm nhưng không thấy nên nhảy xuống ao mò và vài phút sau đã phát hiện K. - L., vội đưa lên bờ sơ cứu, sau đó chuyển đến bệnh viện nhưng không kịp, hai trẻ đã tử vong trước đó. Tối cùng ngày, UBND xã Long Hựu đã cử đoàn đến 2 gia đình thăm hỏi, động viên và hỗ trợ mỗi nạn nhân tử vong 1 triệu đồng.

Trang bị kỹ năng bơi cho trẻ

Trang bị kỹ năng bơi cho trẻ

Nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ đến từ nhiều phía. Trước hết, đó là do thiếu kỹ năng sống, đặc biệt là kỹ năng bơi lội và xử lý tình huống nguy hiểm dưới nước. Nhiều trẻ không biết bơi nhưng vẫn tự ý ra sông, hồ, kênh, rạch để tắm mà không có người lớn đi cùng. Thứ hai, sự chủ quan, thiếu giám sát của người lớn cũng là một trong những nguyên nhân. Nhiều gia đình cho rằng “trẻ đã lớn”, có thể trông nhau hoặc tự biết giữ an toàn; nhưng thực tế cho thấy chỉ vài phút lơ là cũng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng thiếu an toàn cũng là nguyên nhân đáng lo ngại, khi hàng loạt ao, hồ, kênh, mương, công trình thủy lợi không có rào chắn, biển cảnh báo; khu dân cư ven sông không có biện pháp bảo đảm an toàn; thiếu các điểm vui chơi lành mạnh khiến trẻ dễ tụ tập tại khu vực sông nước nguy hiểm...

GIẢI PHÁP NÀO ĐỂ CHẤM DỨT BI KỊCH?

Trước thực trạng đó, việc nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em cũng như hướng dẫn người dân xử lý đúng cách khi phát hiện người bị nạn vô cùng cấp thiết. Nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều chương trình nhằm phòng, chống đuối nước cho trẻ; trong đó, Quyết định 1248/QĐ-TTg (năm 2021) và gần đây là Công điện 118/CĐ-TTg đã yêu cầu các địa phương triển khai quyết liệt giải pháp bảo vệ trẻ trong mùa hè.

Để bảo đảm an toàn, phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em, các cơ quan, gia đình, trường học, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) - Công an TPHCM khuyến cáo mỗi gia đình phải chủ động cho con em học kỹ năng bơi ngay từ khi còn nhỏ, nhất là các em sống gần khu vực ao, hồ, sông, suối; song song với đó quản lý chặt chẽ con em trong sinh hoạt, nhắc nhở, không để các bé tự ý chơi đùa tại khu vực ao, hồ, sông, suối có mực nước lớn, trơn trượt; không cho các em tự ý đi tắm tại khu vực không có người lớn trông coi, những nơi có ao, hồ, sông, suối với mực nước sâu, nguy hiểm; cần che chắn những vị trí nguy hiểm, trơn trượt dễ dẫn đến té ngã; bố trí biển cấm, biển cảnh báo nguy hiểm tại khu vực giếng, ao, hồ, sông, suối... để phòng tránh tai nạn đuối nước. Bên cạnh đó, khi tổ chức cho các em du lịch, đi chơi tại những khu vực có nước phải chú ý trông coi, nhất là với các em nhỏ chưa biết bơi. Phụ huynh cần chú ý nhắc nhở đối với trẻ đã biết bơi không xuống nước khi trời đã tối, có sấm chớp, mưa; phải khởi động trước khi xuống nước, không ăn uống khi đang bơi để tránh sặc nước...

Đừng để mùa hè trở thành ký ức ám ảnh - Ảnh minh họa

Đừng để mùa hè trở thành ký ức ám ảnh - Ảnh minh họa

Khi phát hiện có người ngã xuống nước cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ; đồng thời nhanh chóng tìm bất kỳ vật dụng nào để có thể cứu gián tiếp như cây sào, phao, áo, quần, dây nịt... cho những người bị đuối nước bám vào để người trên bờ kéo dần, giúp việc cứu nạn hiệu quả hơn. Cơ quan chức năng cũng cảnh báo tuyệt đối không được nhảy xuống cứu nạn nhân nếu mình không biết bơi và không biết cách cứu nạn nhân đuối nước vì bản thân cũng có thể lâm vào nguy hiểm.

Trường hợp khi người cứu nạn biết bơi nên sử dụng phao hoặc các vật thể nổi khác để bơi ra gần nạn nhân, nếu người đuối nước còn tỉnh táo thì ra hiệu để nạn nhân bám vào phao, sau đó vừa bơi vừa kéo phao đưa vào bờ. Trường hợp nạn nhân đuối sức, người cứu nạn nên tiếp cận từ phía sau, đưa phao (hoặc vật thể nổi) ra phía trước mặt nạn nhân, dùng 2 tay luồn dưới 2 nách nạn nhân từ sau ra trước và bám vào phao đã đặt phía trước, giữ cho đầu nạn nhân nổi, sau đó bơi ngửa để đưa vào bờ sơ cứu kịp thời.

Mỗi cái chết vì đuối nước không chỉ là nỗi đau đối với gia đình nạn nhân, mà còn là lời nhắc nhở cộng đồng về sự lơ là trách nhiệm. Phòng, chống đuối nước không thể chỉ là chiến dịch theo mùa, mà phải là chiến lược lâu dài, bắt đầu từ từng phụ huynh, từng địa phương và từng chính sách cụ thể. Mùa hè là khoảng thời gian đẹp nhất trong đời con trẻ, vì thế đừng để chúng biến thành ký ức ám ảnh khôn nguôi... “Để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra và hạn chế thấp nhất tử vong do đuối nước rất cần sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các ban ngành chức năng, đoàn thể xã hội, gia đình và nhà trường nhằm xây dựng môi trường an toàn cho trẻ”, đại diện Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH nhấn mạnh.

Mỗi năm, Công an TPHCM đều tổ chức các khóa huấn luyện bơi cho học sinh. Công an TPHCM cùng các đơn vị đã xây dựng kế hoạch phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ chưa biết bơi là con em cán bộ, chiến sĩ đang công tác trong lực lượng Công an TPHCM. Thông qua khóa huấn luyện này, học viên và các em sẽ được hoàn thiện kỹ năng tự bảo vệ mình và phòng, tránh tai nạn trong môi trường nước, bên cạnh đó còn giúp rèn luyện, nâng cao thể lực, kỹ năng bơi, kỹ năng cứu người và kỹ năng tự cứu khi xảy ra sự cố tai nạn dưới nước; ngoài ra còn tạo kỹ năng an toàn trong công tác, vui chơi và sinh hoạt cộng đồng ở nơi có nước như: biển, ao, hồ, sông, suối..., góp phần thực hiện tốt công tác phòng, chống tai nạn đuối nước cho cộng đồng.

Bắt đầu từ tháng 5, Trung tâm thể thao dưới nước TPHCM (số 1 Nguyễn Thị Minh Khai, P. Sài Gòn) đã mở các lớp dạy bơi cơ bản miễn phí cho người dân thành phố. Cụ thể, các lớp này chia làm 3 đợt: Đợt 1 từ ngày 20/5 đến 19/6 dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Văn hóa - Thể thao đang công tác tại các phòng, ban, đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở, thời gian đăng ký bắt đầu từ 12/5 cho đến ngày khai giảng. Đợt 2 và 3 dành cho tất cả đối tượng từ 10 tuổi trở lên, là người dân thường trú tại TPHCM, đợt 2 sẽ diễn ra từ ngày 09/9 đến 14/10, bắt đầu mở đăng ký từ 18/8; đợt 3 diễn ra từ ngày 04/11 đến 04/12, mở đăng ký từ ngày 10/10.

Minh Thư

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/nhip-song/canh-bao-nan-duoi-nuoc-trong-mua-he_180209.html