Mùa Hè đáng nhớ

Quyên thầm nghĩ với nhịp sống hối hả của thời đại hình như trẻ em thành phố dần quên mất nghỉ hè là gì.

Vừa kết thúc tiết học cuối cùng của năm học, Quyên cất hết giáo trình cho vào túi chuẩn bị ra về thì bất ngờ nhìn thấy một bạn nhỏ vẫn còn ngồi lơ đễnh cuối lớp. Quyên nhìn thời gian, chậm rãi bước đến chỗ bạn nhỏ hỏi:

“Sao em không về? Ba mẹ em đến đón trễ hay sao?”.

Bạn nhỏ ngước mắt nhìn Quyên rồi uể oải đáp:

“Chút nữa con còn học đàn ở trung tâm bên cạnh ạ”.

Quyên ngẩn người. Quyên dạy học ở trung tâm tiếng Anh này cũng hơn ba năm. Việc các bạn nhỏ học cùng lúc nhiều môn năng khiếu là chuyện bình thường giữa phố xá hiện đại như hôm nay.

Mỗi năm, trung tâm nhận thêm nhiều học sinh hơn nữa, có những bạn nhỏ thật sự ham mê ngoại ngữ, nhưng cũng có nhiều bạn là do ba mẹ ép buộc đưa đến lớp. Trong chín tháng ngồi trên ghế nhà trường, các em đã phải liên tục học hành từ sáng sớm cho đến tối muộn, ngày thường cũng như ngày nghỉ.

Nhiều lúc, Quyên cũng thương các em nên bài vở ở trung tâm rất ít, chủ yếu dành thời gian vừa học vừa chơi để được thoải mái hơn. Cũng như hôm nay, Quyên và các giảng viên khác bế giảng lớp học của mình, cùng với trung tâm thống nhất cho các bạn được nghỉ hè hai tuần trước khi quay lại học.

Quyên hỏi bạn nhỏ:

“Trung tâm cho nghỉ sao em không xin ba mẹ cho tạm nghỉ học đàn luôn, chờ khi nào học tiếng Anh lại rồi học đàn cũng được mà nhỉ”.

“Mẹ em nói nghỉ ở nhà hai tuần làm gì, đi học đàn luôn đi”.

Quyên còn chưa kịp nói thêm thì bạn nhỏ nhìn đồng hồ rồi đeo balo, đi ra khỏi lớp. Nhìn dáng vẻ mệt mỏi của cậu nhóc mà Quyên thương vô cùng. Quyên thầm nghĩ với nhịp sống hối hả của thời đại hình như trẻ em thành phố dần quên mất nghỉ hè là gì.

* * *

Quyên vừa dắt xe vào sân đã nghe tiếng khóc nức nở của đứa cháu trai vang vọng cùng tiếng quát của chị dâu:

“Mẹ nói không được là không. Không học Toán thì ở nhà học tiếng Anh với cô út, không có đi đâu hết”.

“Mẹ cho con về nội chơi đi mà mẹ, nghỉ hè mẹ hứa cho con về chơi với nội mà”.

“Đó là mẹ hứa khi thành tích cuối năm của con đứng tốp, còn giờ thì sao? Suýt chút thì không được lãnh thưởng nữa chứ. Ở nhà lo mà học hè đi”.

Quyên mím môi bước vào nhà thấp giọng nói xen vào:

“Chị hai ơi, em định ngày kia về quê thăm ba mẹ hay chị cho thằng Bảo đi với em được không? Sẵn tiện về dưới cho ông nội dạy học bơi luôn, chẳng phải chị muốn nó học bơi hả? Về quê học bơi đỡ tiền học phí mà nhanh biết bơi nữa đó chị. Em chỉ đi hai tuần thôi hà, về chị cho nó đi học hè cũng đâu có muộn. Em hứa với chị, hè này sẽ kèm nó thật kỹ”.

Quyên và Bảo cùng nhìn nhau. Hai cô cháu đều mong chờ cái gật đầu từ mẹ Bảo.

Thấy chị dâu im lặng không nói gì, Quyên định bụng sẽ thuyết phục thêm lần nữa nhưng may mà anh hai của Quyên đi làm về tới và cũng nói thêm vào.

“Em cho thằng Bảo về quê chơi ít hôm đi, học hành cả năm rồi còn gì, mang tiếng nghỉ hè mà không cho nghỉ ngày nào thì tội thằng nhỏ. Ngày xưa em nghỉ đến ba tháng, bây giờ em cho nó nghỉ hai tuần cũng không được sao?”.

Dưới sự đồng lòng thuyết phục của hai anh em Quyên và sự mè nheo năn nỉ của Bảo. Chị dâu Quyên cũng đã đồng ý cho Bảo cùng Quyên về quê nghỉ hè hai tuần. Bảo vui mừng hớn hở hai đêm liền trằn trọc không ngủ được vì nôn nóng háo hức.

Sáng sớm, Bảo không cần ai đánh thức đã tự dậy và thay quần áo sẵn sàng cho chuyến đi. Năm nay, Bảo lên tám nhưng kể từ lúc nhận biết được mọi thứ xung quanh thì đây là lần đầu tiên Bảo được về quê nội nghỉ hè.

Hai cô cháu bắt xe khách giường nằm đi từ Sài Gòn về tận quê, lúc xuống xe chỉ cần đi bộ vài trăm mét là đến nhà nội Bảo.

Vì muốn cho ba mẹ và anh chị bất ngờ nên Quyên đã không thông báo sự trở về của mình.

Hai cô cháu tung tăng trên đường quê, dọc bên đường là hàng hoa mười giờ xen kẽ hoa quỳnh anh vàng rực trong sớm mai. Bảo cười vui vẻ chạy đằng trước, Quyên chậm rãi thả bộ ở đằng sau với hai vali hành lý. Một vali đựng toàn đồ chơi và quà bánh mà Bảo đã tự mình chuẩn bị cho ông bà nội và hai đứa em ở quê.

Vừa đến nhà có cổng rào hoa râm bụt, Bảo đã nhìn thấy hai đứa em đang chơi cò chẹp trong sân, Bảo hí hửng la lớn.

“Na, Xoài, anh Bảo về nè”.

Tiếng bọn trẻ cũng vang lên.

“A, anh Bảo, anh Bảo về nội ơi!”.

“Cha mẹ ơi! Anh Bảo về”.

Quyên thở hồng hộc kéo hành lý vào sân nhìn ba đứa nhỏ mừng rỡ ôm nhau nhảy dựng lên.

Ba mẹ Quyên và anh chị ba Quyên cũng từ trong nhà đi ra. Nhìn thấy Quyên và Bảo ai cũng bất ngờ kinh ngạc rồi mừng rỡ ra đón.

Ông bà nội ôm lấy Bảo thay phiên hôn lấy hôn để thằng nhỏ.

Quyên cười đẩy vali về phía Bảo. Bảo mở vali chia quà cho Na và Xoài còn có quà của ông bà nội và chú thím Bảo cũng chuẩn bị chu đáo.

Na nhận con búp bê mà cười tít mắt. Xoài ôm túi đồ chơi nấu ăn cũng cười rạng rỡ. Xoài hỏi Bảo:

“Anh Bảo về chơi hết hè hả lên thành phố nha. Em dắt anh Bảo qua nhà mấy đứa bạn chơi bắn bi”.

Na cũng xen vào:

“Chiều nay qua nhà con Hạnh chơi nhà chòi đi, cha nó mới dựng cái nhà chòi cho đẹp lắm. Mình đem đồ chơi qua là nó khoái lắm cho coi”.

Bảo ngập ngừng hỏi Na và Xoài:

“Ủa? Hai đứa không đi học hè hả? Anh về chơi hai tuần thôi phải về để còn đi học nữa”.

“Ủa nghỉ hè mà học gì anh Bảo? Ở quê tụi em nghỉ hè chơi không hà”.

Quyên nhìn Na và Xoài ngây thơ hỏi Bảo rồi lại nhìn ánh mắt ngơ ngác của Bảo mà thấy xót xa.

Bảo im lặng không trả lời, có lẽ vì thằng nhỏ không biết trả lời thế nào. Lúc bằng tuổi Na và Xoài, Bảo cũng phải học ba tháng hè chứ làm gì có nghỉ. Bạn bè của Bảo ở thành phố ai cũng phải đi học hè, không có ai là ở nhà nghỉ. Bảo nhẹ giọng nói với Quyên.

“Ở quê sướng quá hé cô út, khỏi cần học hè, giá mà con cũng được sinh ra ở quê thì tốt biết mấy”.

Ba mẹ và cả anh chị ba của Quyên đều nghe rõ mồn một Bảo thì thầm. Ai cũng thở dài tội nghiệp cho thằng nhỏ. Nhưng mấy lần gọi điện thoại khuyên bảo chị dâu cho Bảo ít học hè lại nhưng chị đều lắc đầu nói rằng trẻ con thành phố khác ở quê.

Nếu không cho đi học thì khi vào học sẽ không học lại bạn bè. Quan trọng hơn, nếu không cho đi học thì ở nhà chỉ biết ôm điện thoại hay dán mặt vào tivi, máy tính suốt ngày. Gửi về quê lại không yên tâm, vì tuổi quậy phá nghịch ngợm sợ nhiều chuyện không may xảy ra, rồi làm phiền ông bà, chú thím.

* * *

Hai tuần ở quê, Quyên sốt sắng đảm nhận vai trò giữ trẻ. Hàng ngày, Na và Xoài đều dắt Bảo đi chơi đủ thứ trò. Có hôm sang nhà bạn của Xoài chơi bắn bi, lúc đầu Bảo còn ngại có phần không biết chơi nhưng sau một lúc thì thích mê cười khoái chí mỗi lần bắn bi thắng.

Có hôm, Na dẫn Bảo đến nhà bạn thân gần nhà chơi nhà chòi. Nhà chòi được dựng từ lá dừa nước, bên dưới lót lá chuối ngồi vào giả vờ đóng vai người mua hàng và bán hàng ở chợ.

Có hôm, Bảo được ba của Na và Xoài dắt cả ba đứa ra tát mương bắt cá. Mới đầu Bảo còn sợ bẩn, mặt còn nhăn nhó khi chân lấm bùn, chạm tay xuống bùn thì sợ cá cắn cua kẹp thế mà sau một lúc thì hòa mình với thiên nhiên, đuổi theo cá té lên té xuống mặt mũi lấm lem mà vẫn cười thích thú.

Rồi ngày đầu học bơi với ông nội, Bảo chới với uống nước mấy lần nhưng được Na và Xoài cổ vũ, chỉ ba hôm Bảo đã có thể bơi chập chững. Giữa dòng sông lục bình trôi lác đác, ba đứa nhỏ tắm sông cười nói vui vẻ nhộn nhịp cả khúc sông.

Mỗi buổi đi chơi đi trải nghiệm của Bảo, Quyên đều lấy điện thoại ra quay video lại và gửi cho chị dâu xem. Quyên muốn chị dâu nhìn thấy được Bảo đã vui vẻ và hạnh phúc thế nào khi được nghỉ hè thật sự.

Quyên tin rằng chị dâu rồi sẽ nhẹ nhàng với việc học của Bảo hơn. Con nít ở tuổi này cần phải có tuổi thơ vui vẻ với kỳ nghỉ hè đáng nhớ chứ không phải cắm đầu vào việc học quanh năm suốt tháng. Để rồi sau này khi lớn lên khi nhắc về tuổi thơ, chúng sẽ chẳng có hồi ức vui vẻ nào ngoài việc ba mẹ bắt chúng học.

Gần đến ngày về lại thành phố, Bảo buồn bã ngó thấy. Na và Xoài cũng buồn thiu. Quyên muốn xin cho Bảo ở lại thêm nhưng rồi lại không biết mở lời thế nào.

Đêm cuối cùng ở quê. Trời vừa chạng vạng, Na và Xoài rủ Bảo đi bắt đom đóm. Dưới ánh trăng, tụi nhỏ lom khom mần mò trong bụi cây, thỉnh thoảng có tiếng hét lên mừng rỡ, tiếng cười nói hí hửng khoe chiến tích của mình.

Quyên cầm điện thoại hướng camera về phía bọn trẻ, trên màn hình ánh mắt chị dâu dần thay đổi, biểu cảm cũng càng lúc càng dịu dàng hơn. Quyên nhỏ giọng nói:

“Chị đang nhớ về tuổi thơ của mình phải không? Mùa Hè phải trong veo thế này nhỉ?”.

Quyên nhìn thấy đôi mắt chị dâu ửng đỏ nước mắt dần lăn dài trên đôi gò má của chị. Nhưng sau đó chị nở nụ cười nói với Quyên:

“Ừ mùa Hè ngày xưa trong veo ấm áp lắm. Vậy nên nếu cô út có thể nghỉ hè thêm hai tuần nữa thì cho Bảo ở thêm”.

Quyên hớn hở gọi Bảo đến nghe điện thoại, nói với cậu nhóc mẹ cậu sẽ cho ở lại quê thêm hai tuần nữa. Cậu và cả hai chị em Na, Xoài đều mừng rỡ hò reo.

Quyên mỉm cười nhìn bọn nhóc rồi lặng lẽ gửi tin nhắn cho quản lý trung tâm tiếng Anh xin nghỉ thêm hai tuần.

Truyện ngắn của Võ Thị Tuyết Luôn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/mua-he-dang-nho-post738245.html