Cảnh báo nạn 'tín dụng đen' bủa vây người lao động

Những tháng cuối năm, tại một số khu công nghiệp (KCN), hoạt động 'tín dụng đen' nở rộ với nhiều hình thức cho vay mới. Nhiều công nhân vay đến hạn không có tiền trả, phải bỏ việc, trốn nợ.

Họa từ trên trời rơi xuống

Những ngày gần đây, chị Trần Thị Toan, cán bộ Công đoàn chuyên trách tại Công ty TNHH New Apparel Far Eastern Việt Nam (Công ty New Apparel, KCN Đồng Xoài, Bình Phước), thường xuyên bị làm phiền bằng tin nhắn, điện thoại để đòi nợ. Chưa hết, bên đòi nợ còn in hình ảnh của chị lên các tờ rơi. Điều này khiến chị Toan rất bức xúc vì chị không hề vay nợ hay giữ hộ tiền cho ai.

Hình ảnh chị Trần Thị Toan (ngoài cùng bên trái) xuất hiện trên tờ rơi đòi nợ.

“Tôi làm cán bộ công đoàn nên số điện thoại phải công khai trong những buổi tập huấn đầu vào cho đoàn viên, người lao động để họ tiện liên hệ với Công đoàn. Bên cạnh đó, tôi cũng cung cấp trang Facebook của Công đoàn, số điện thoại cá nhân cũng như Facebook cá nhân. Vì vậy đã có một số người lao động sử dụng số điện thoại của tôi và tự nhận là chị gái, người thân để vay nợ. Đến khi họ không trả nợ được hoặc nợ quá hạn, bên đòi nợ đã gọi cho tôi và lấy hình ảnh của tôi”, chị Toan chia sẻ.

Trên thực tế, kể từ khi làm cán bộ Công đoàn chuyên trách, đây không phải lần đầu chị Toan nhận được cuộc gọi đòi nợ hay bị sử dụng hình ảnh của mình trên những tờ rơi đòi nợ. Tuy nhiên, thời gian gần đây sự việc này diễn ra nhiều hơn và làm phiền cuộc sống, công việc, uy tín và hình ảnh của chị. Chị Toan kể, bên đòi nợ thuê biết số điện thoại của chị, đã gọi điện và thông báo những trường hợp công nhân lao động nợ tiền không trả và buộc chị phải trả thay. Nếu không, họ sẽ công khai hình ảnh, nhắn tin, bình luận vào các trang Công đoàn mà chị đang làm việc.

Sau khi liên tiếp nhận được nhiều cuộc gọi nặc danh đòi nợ, chị Toan đã thông báo và cầu cứu cơ quan Công an. Tuy nhiên, những sim gọi đến cho chị đều là sim rác, rất khó để xác định chủ sở hữu, địa điểm để điều tra. Những cuộc gọi của bên đòi nợ mà chị Toan nhận được rất đa dạng. Có những người đòi nợ nói chuyện rất mất lịch sự với lời lẽ đe dọa. Một số khác biết chị là cán bộ Công đoàn nên đã mời cả luật sư nói chuyện với chị qua điện thoại. Không chỉ gọi điện làm phiền, đe dọa, bên đòi nợ còn dùng tài khoản mạng xã hội để vào bình luận những bài đăng trên nhóm công đoàn, mục đích nhằm hạ uy tín của chị.

Bẫy “tín dụng đen” rình rập các khu nhà trọ

Tại một số công ty, tình trạng người lao động, công nhân vay tiền tại các công ty tài chính, “tín dụng đen” không hiếm. Khi vay, họ không đọc kỹ hợp đồng nên khi phải trả số tiền vượt quá số tiền vay gấp nhiều lần, họ mới biết mình bị lừa. Ông Nguyễn Đức Thắng, Trưởng Ban Chính sách Pháp luật Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Bình Phước cho biết, tín dụng đen, cho vay nặng lãi, cò mồi cho vay là vấn đề Công đoàn tỉnh rất quan tâm. Khoảng năm 2018, 2019, nhiều công nhân lao động đã bị sa vào “tín dụng đen”. Cuối năm là thời điểm LĐLĐ tỉnh sẽ làm việc với cơ quan chức năng, với Công an tỉnh để nắm tình hình về quan hệ lao động.

Thực tế cho thấy, các đối tượng hoạt động cho vay theo kiểu “tín dụng đen” đã và đang nhắm đến công nhân ở các khu công nghiệp. Tại các khu công nghiệp, xuất hiện nhan nhản tờ rơi quảng cáo cho vay tiền nhanh được dán ở các bức tường, cột điện, nơi công nhân hay qua lại. Bà Võ Thị Trọng - chủ khu nhà trọ tại phường Trung Mỹ Tây, Quận 12, TP. Hồ Chí Minh cho biết, cổng ra vào khu nhà trọ của bà thường xuyên bị dán kín các mẩu quảng cáo cho vay vốn khẩn cấp. Mỗi lần phát hiện, bà đều xé bỏ tuy nhiên vẫn có công nhân vì khó khăn mà chấp nhận vay vốn rồi mất khả năng chi trả. Bà Trọng nhiều lần chứng kiến cảnh đòi nợ tại khu nhà trọ, có công nhân không thể trả đã bỏ trốn vì sợ các đối tượng đòi nợ tìm đến.

Ông Hồ Văn Trở - chủ khu nhà trọ tại xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh cũng trăn trở về vấn nạn “tín dụng đen”. Ông kể, nhiều công nhân khu nhà trọ của ông cũng từng là nạn nhân của “tín dụng đen”. Nhiều lần ông phải can ngăn công nhân khi họ có ý định vay nóng bên ngoài. Tuy nhiên, đó chỉ là biện pháp nhất thời, bởi làm sao để công nhân có thể tiếp cận nguồn vốn tốt hơn khi gặp khó khăn mới là giải pháp căn cơ.

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tai-chinh-40/canh-bao-nan-tin-dung-den-bua-vay-nguoi-lao-dong-i636405/