Cảnh báo nguy cơ cháy nổ: Đường điện dẫn lối 'đường lửa'
Vi phạm an toàn trong sử dụng điện và bất cẩn trong sinh hoạt hàng ngày là nguyên nhân chủ yếu của các vụ cháy trên địa bàn TPHCM.
Điều đáng nói, bên cạnh việc tự ý đấu nối thiết bị điện một cách tùy tiện, nhiều gia đình vẫn còn sử dụng các hệ thống dây dẫn cũ kỹ, mục nát, hư hỏng, rất dễ dẫn đến cháy, nổ
Hàng chục vụ cháy nhà dân trong năm qua
Khoảng hơn 4 giờ sáng 13-05-2022, người dân phát hiện khói lửa bốc lên từ căn nhà trên đường Hậu Lân 4 (ấp Hậu Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) nên vội vàng tri hô nhau. Do thời điểm cháy vào sáng sớm, người dân trong nhà vẫn còn đang ngủ nên khi hỏa hoạn bùng phát đã không biết để dập lửa và tự thoát nạn.
Ngay sau khi nhận tin báo, Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy & cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an huyện Hóc Môn được điều động đến hiện trường chữa cháy, cứu người.
Khi vừa tiếp cận đám cháy, Thiếu tá Võ Anh Tuấn – Phó đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Hóc Môn lập tức cho triển khai đội hình CNCH, dùng các phương tiện chuyên dụng (kìm cộng lực, búa, xà beng, mát cắt,…) để phá cửa, cứu 03 mẹ con (chị Dương Thị T.A, SN 1990 và hai cháu: Nguyễn Thị A.N, SN 2010, Trần Thị K.H, SN 2018) còn kẹt trong hỏa hoản ra ngoài an toàn.
Đồng thời, cảnh sát cũng tiến hành dập lửa, khống chế hỏa hoạn trong diện tích 4/40m2 căn nhà. Nhờ sự có mặt kịp thời của lực lượng cảnh sát đã giải 03 cứu nạn nhân ra ngoài và ngăn cháy lan, cháy lớn sang khu vực nhà dân lân cận.
Trước đó một ngày, sân thượng của một ngôi nhà trên đường Võ Văn Kiệt (phường Cầu Kho, Quận 1) cũng bất ngờ cháy dữ dội. Do khu vực cháy có chứa nhiều đồ dùng cũ của gia đình nên khi lửa bùng phát đã dễ dàng lan rộng, tạo thành cột khói đen hàng chục mét bốc lên cao.
Điều đáng nói, hiện trường cháy là khu vực trung tâm TP, có nhiều nhà liền kề nên khi phát hiện hỏa hoạn người dân xung quanh vội vàng ôm đồ đạc có giá trị tháo chạy ra ngoài.
Ngay sau khi nhận tin báo của người dân, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH CATP được điều động đến hiện trường. Do địa điểm cháy nằm trong hẻm nhỏ đã gây khó khăn cho xe chữa cháy tiếp cận hiện trường. Tuy nhiên, cảnh sát PCCC&CNCH đã kịp thời khống chế hỏa hoạn, không để lửa lan sang nhà dân bên cạnh.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH CATP, từ ngày 15-4-2021 đến 14-4-2022, trên địa bàn TPHCM xảy ra 180 vụ cháy, làm 16 người chết, 35 người bị thương (giảm 74 vụ cháy, giảm 11 người chết, tăng 11 người bị thương so với cùng kỳ năm 2020), thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 1,7 tỷ đồng.
Trong đó có 76 vụ cháy tại nhà ở hộ gia đình, làm chết 06 người, bị thương 11 người, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 81,25 triệu đồng và 10 vụ cháy tại nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, làm chết 09 người, bị thương 03 người, thiệt hại về tài sản (chưa ước tính thành tiền).
Khi lửa từ điện mà ra
Qua điều tra cho thấy các vụ cháy thường xảy ra vào ban đêm hoặc trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Nguyên nhân cháy phần lớn do vi phạm an toàn trong sử dụng điện và bất cẩn trong sinh hoạt. Điều đáng nói, không ít hộ gia đình đang vi phạm các quy định an toàn trong việc lắp đặt, sử dụng hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện một cách tùy tiện.
Trong đó có nhiều hệ thống dây dẫn được lắp đặt hàng chục năm đã cũ kỹ, mục nát, hư hỏng mà vẫn được người dân sử dụng. Bên cạnh đó, khi phát sinh sự cố cháy, nổ đã không xử lý kịp thời dẫn đến cháy lan, cháy lớn, gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Khảo sát một vài hộ gia đình tại Phường 14 (quận Bình Thạnh), chúng tôi phát hiện không ít người dân vẫn sử dụng dây điện cũ kỹ, tự ý đấu nối tùy tiện, chằng chịch, rất nguy hiểm. Khi được hỏi về tính an toàn của những thiết bị này, có người còn vô tư cho rằng “nhà tôi lâu nay vẫn dùng thế, không sao cả!”.
Tuy nhiên, chính việc bất cẩn trong sử dụng các nguồn lửa, nguồn nhiệt lại là nguyên nhân chủ yếu gây ra hàng trăm vụ cháy mỗi năm. Đây hoàn toàn là việc có thể phòng ngừa nếu mỗi người dân chung tay, đồng lòng thực hiện an toàn PCCC tại nơi sinh sống.
Bên cạnh đó, theo ghi nhận của chúng tôi, trong những vụ cháy lan, cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn TPHCM thời gian qua phần lớn xuất phát từ việc người dân sắp xếp hàng hóa dễ cháy với khối lượng lớn tại tầng trệt và các lối đi.
Việc “chốt, chặn” các lối đi chính và không có lối thoát nạn dự phòng, không có giải pháp ngăn cháy lan, lắp thêm nhiều lớp cửa, làm lồng sắt bảo vệ khiến người dân không thể tự thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ. Ngoài ra, vẫn còn nhiều hộ không trang bị các phương tiện chữa cháy ban đầu, hoặc có trang bị nhưng thiếu về số lượng, không đảm bảo chất lượng, không biết sử dụng phương tiện chữa cháy.
Nghiêm trọng hơn, khi cháy xảy ra vào ban đêm, không có hệ thống báo động nên khi lửa bùng phát mạnh người dân mới phát hiện thì đã không còn tự thoát nạn kịp.
Nâng cao ý thức người dân trong PCCC
Qua công tác điều tra cơ bản trên địa bàn TPHCM hiện có 1.754.164 nhà để ở hộ gia đình (nhà ở riêng lẻ) và nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Trong đó, số nhà để ở hộ gia đình (nhà ở riêng lẻ) là: 1.575.249 hộ, số nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh là: 178.915 cơ sở. Tình hình cháy, nổ ở nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh luôn chiếm tỷ lệ cao cả về số vụ và thiệt hại về người tài sản.
Để kéo giảm nguy cơ cháy, nổ trong khu dân cư, nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, Công an TPHCM đã chủ động tham mưu UBND TP ban hành văn bản số 4086/UBND-NCPC ngày 07/12/2021 về việc tiếp tục triển khai thực hiện xây dựng phường điểm, khu phố điểm an toàn về PC&CC trên địa bàn TP theo tiêu chí cụ thể.
Bên cạnh đó, Công an TPHCM đã tham mưu UBND TP ban hành Quyết định số 16/UBND-NCPC ngày 31/5/2021 quy định về an toàn PCCC đối với nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trong khu dân cư trên địa bàn TP; Phát động triển khai đến UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức xây dựng mô hình “Gia đình có ít nhất 02 lối thoát nạn, có bình chữa cháy và phương tiện thoát nạn”.
Nhằm thực hiện có hiệu quả các chương trình trên, Công an TPHCM đã phối hợp với các quận, huyện chọn phường điểm, khu phố điểm để phối hợp thực hiện công tác hướng dẫn với hình thức sinh động, phù hợp tình hình thực tế của từng địa bàn.
Trong đó nổi bậc là các chương trình: Tổ chức tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa, tuyên truyền kiến thức về PCCC; Tổ chức cho các hộ dân ký kết đảm bảo an toàn, trao tặng bình chữa cháy, sửa chữa thay thế các thiết bị điện hư hỏng không đảm bảo an toàn PCCC; Tổ chức vận động nhân dân hiến đất mở đường; Xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy và CNCH tại khu dân cư; Cải tạo khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao; Trang bị phương tiện PCCC, phương tiện thoát nạn và mở lối thoát nạn thứ 2 tại từng nhà dân; Vận động nhân dân trang bị bình chữa cháy và tự trang bị phương tiện thoát nạn (như: búa, rìu, thang, thang dây...) tạo lối thoát nạn thứ 2 trong khu dân cư và hộ gia đình; Kéo giảm số vụ cháy và thiệt hại do cháy nổ gây ra; đảm bảo điều kiện chữa cháy và CNCH...
Đến nay đã có 149/312 phường, xã, thị trấn và 256/1.993 khu phố tiếp tục triển khai thực hiện việc xây dựng phường điểm, khu phố điểm an toàn về PCCC và đạt nhiều hiệu quả tích cực.
Điển hình là việc lực lượng PCCC tại chỗ đã phát hiện và dập tắt kịp thời rất nhiều vụ cháy (chiếm 76.35%). Nhờ phát hiện và dập tắt kịp thời hỏa hoạn phát sinh ngay từ đầu đã giúp hạn chế cháy lan, cháy lớn, kéo giảm thiệt hại về người và tài sản một cách đáng kể.
Từ ngày 01-06 đến ngày 03-06-2022, Cụm thi đua X tại TPHCM sẽ tổ chức thi vòng loại cho 28 đội để tìm ra đội thi xuất sắc nhất tham gia Hội thi thể thao nghiệp vụ CNCH toàn quốc lần thứ II. Hội thi được Bộ Công an tổ chức với 4 nội dung thi đấu gồm: 100m vượt chướng ngại vật, CNCH; CNCH trong môi trường khói, khí độc; CNCH trong môi trường nước; Bơi CNCH. Đây là những nội dung đã được nghiên cứu, sát với các tình huống CNCH trong thực tế. Được biết, riêng năm 2021, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH toàn quốc đã trực tiếp tham gia 1.054 vụ CNCH. Qua đó tổ chức cứu và hướng dẫn thoát nạn cho 1.082 người và tìm được 598 thi thể nạn nhân bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý.
Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/duong-dien-dan-loi-duong-lua_131977.html