Cảnh báo nguy cơ cháy nổ mùa hanh khô
Gia Lai đang bước vào cao điểm mùa hanh khô, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra cháy nổ, đặc biệt tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, nơi tập kết hàng hóa.
Trước tình hình đó, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn cứu hộ (CNCH) Công an tỉnh cùng các cơ sở sản xuất kinh doanh và người dân đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng-chống cháy nổ.
Ông Nguyễn Đức Thạnh (tổ 5, thị trấn Đak Đoa) cho biết: Gia đình ông kinh doanh thiết bị điện tử và điện gia dụng. Vào thời điểm gần Tết, ông nhập về nhiều hàng hóa để phục vụ nhu cầu người dân. Vì vậy, công tác đảm bảo an toàn PCCC luôn được ông đặc biệt quan tâm để hạn chế tối đa sự cố cháy nổ.
“Tôi thường xuyên kiểm tra các thiết bị PCCC, đồng thời sắp xếp hàng hóa một cách gọn gàng. Tôi cũng luôn nhắc nhở người thân trong gia đình về việc đề phòng cháy, nổ. Sau khi tham gia các lớp tập huấn kiến thức và kỹ năng PCCC do cơ quan chức năng tổ chức, tôi truyền đạt lại cho người thân cách sử dụng các công cụ PCCC”-ông Thạnh bày tỏ.
Với vai trò là Tổ trưởng Tổ liên gia an toàn PCCC đường Đinh Tiên Hoàng, ông Thạnh cho biết: Các hộ dân trên đường Đinh Tiên Hoàng (tổ 5, thị trấn Đak Đoa) phần lớn kinh doanh, buôn bán hàng hóa.
Ông cũng thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở mọi người nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa cháy nổ. Hiện trên đường Đinh Tiên Hoàng có một điểm chữa cháy công cộng được trang bị hệ thống PCCC đầy đủ.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 102 chợ, trong đó có 1 chợ hạng I, 13 chợ hạng II, 73 chợ hạng III và 15 chợ tạm. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 18 siêu thị (9 siêu thị chuyên doanh, 9 siêu thị tổng hợp), 170 cửa hàng tiện lợi, 426 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, 208 cửa hàng kinh doanh gas. Trên địa bàn tỉnh còn có 230 nhà nghỉ, 58 khách sạn, 384 nhà trọ.
Qua công tác kiểm tra, lực lượng chức năng nhận thấy các cơ sở này triển khai có hiệu quả công tác phòng cháy. Tuy nhiên, một số cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh vẫn vi phạm các quy định về PCCC và CNCH; có cơ sở khắc phục chậm hoặc không triệt để, gây nguy cơ mất an toàn.
Năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 17 vụ cháy gây thiệt hại tài sản khoảng 3,5 tỷ đồng. So với năm 2023, toàn tỉnh giảm 11 vụ cháy, giảm 3 người chết, giảm 1 người bị thương và giảm thiệt hại khoảng 1,1 tỷ đồng. Các vụ cháy chủ yếu do sự cố thiết bị điện và sự bất cẩn trong sử dụng lửa, nhiệt. Phần lớn các vụ cháy xảy ra tại khu vực nông thôn (10/17 vụ).
Để ngăn ngừa nguy cơ cháy nổ, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng PCCC cho người dân, đồng thời xây dựng các mô hình liên quan đến công tác phòng cháy. Công tác diễn tập phương án chữa cháy và CNCH cũng được triển khai tại các cơ sở trọng điểm, khu vực có nguy cơ cháy nổ cao và khu dân cư.
Từ năm 2024 đến nay, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tổ chức 43 buổi tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng PCCC cho người dân trên địa bàn, thu hút 12.386 lượt người tham dự. Đồng thời, phối hợp với Công an các địa phương và cơ sở tổ chức 92 buổi diễn tập phương án chữa cháy và 28 phương án CNCH tại các cơ sở trọng điểm, cơ sở có nhiều nguy hiểm về cháy nổ và khu dân cư.
Cùng với đó, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH và Công an các địa phương đã tổ chức kiểm tra an toàn về PCCC tại 2.481 cơ sở sản xuất kinh doanh theo phân cấp; kiến nghị 609 tồn tại, thiếu sót về PCCC; xử phạt 81 cơ sở vi phạm với số tiền 197,1 triệu đồng.
Thượng tá Đậu Văn Huy-Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH-khuyến cáo: “Để phòng ngừa nguy cơ cháy nổ, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng cháy.
Người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình cần thường xuyên kiểm tra điều kiện an toàn PCCC, kịp thời phát hiện và khắc phục các thiếu sót. Cụ thể, cần quản lý tốt nguồn điện, nguồn nhiệt, tắt các thiết bị điện khi không sử dụng và không sạc xe điện tại các khu vực có nguy cơ cháy nổ.
Ngoài ra, đầu tư trang-thiết bị chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy, bể nước, búa, kìm cộng lực và thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị PCCC. Các cơ sở cũng nên tổ chức thực tập xử lý tình huống cháy nổ để sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra.
Đặc biệt, các cơ sở không nên để vật dụng cản trở lối thoát nạn và cần mở thêm lối thoát nạn thứ 2 ở những khu vực nhà nhiều tầng, góp phần nâng cao sự an toàn cho cộng đồng trong mùa hanh khô này”.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/canh-bao-nguy-co-chay-no-mua-hanh-kho-post307253.html