Cảnh báo nguy cơ cháy nổ ở nhà dân

Vài năm trở lại đây, tình hình cháy nổ xảy ra tại nhà dân khá nhiều. Dù thiệt hại về tài sản không lớn, nhưng có một số vụ gây thiệt hại về người.

Trong tháng 4/2022, tại thôn La Hà, xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) xảy ra một vụ cháy nhà dân. Thời điểm xảy ra vụ cháy khoảng 3 giờ sáng. Tiếp nhận thông tin, Công an xã Nghĩa Thương đã sớm có mặt cùng người dân phá cửa vào dập lửa. Trong căn phòng ngủ phát hiện người đàn ông là chủ nhà đã tử vong. Bước đầu cơ quan chức năng nhận định khả năng do chập điện nên xảy ra cháy, nạn nhân bị ngạt khói dẫn đến tử vong.

Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) tham gia dập tắt một đám cháy tại TX.Đức Phổ. Ảnh: T.KỲ

Trung tá Nguyễn Hợp - Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) cho biết, thông thường nhà ống, nhà hộp chỉ có một lối thoát nạn đó là cửa chính. Trong trường hợp xảy ra cháy, khói độc và lửa bịt kín lối đi, làm cho các thành viên trong nhà không thể tự thoát ra ngoài. Hơn nữa, thời điểm xảy ra cháy thường vào ban đêm, người trong gia đình ngủ say. Cửa chính và cửa sổ đóng kín, dẫn đến khi cháy không thể sớm phát hiện và người trong nhà không thể tự dập tắt lửa được. Một nguyên nhân nữa là, chủ hộ chưa quan tâm đến sự an toàn cháy nổ đối với ngôi nhà mà mình đang sinh sống. Vì vậy, không thực hiện tốt việc sắp xếp đồ đạc dễ cháy trong nhà và không thường xuyên nhắc nhở các thành viên trong gia đình thu dọn vật liệu dễ cháy và quản lý tốt thiết bị điện, sinh lửa, sinh nhiệt. Nhiều gia đình không trang bị thiết bị cảnh báo cháy sớm và bình chữa cháy xách tay...

Ông Trần Văn Thái, ở phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) cho biết, sự lơ là, chủ quan của người dân đối với “giặc lửa” là nguyên nhân chính gây ra nhiều vụ cháy lớn. Người dân có thể chi hàng trăm triệu đồng để mua sắm trang thiết bị hiện đại trong gia đình, nhưng lại không bỏ ra vài trăm nghìn đồng để mua những thiết bị báo cháy, bình chữa cháy... “Nghịch lý này tạo nên những ngôi nhà được lắp đặt lồng sắt, bịt kín mặt tiền, chặn hết các phương án thoát nạn khẩn cấp. Khi xảy ra hỏa hoạn, người trong nhà khó thoát ra ngoài. Có vụ việc, dù lực lượng cứu hỏa và người dân rất cố gắng tìm cách giải cứu, nhưng đành bất lực”, ông Thái lý giải.

Để đề phòng cháy nổ, theo Trung tá Nguyễn Hợp, các chủ hộ phải thường xuyên nhắc nhở các thành viên trong gia đình kiểm tra, quản lý tốt chất dễ cháy, thiết bị điện, hoạt động nấu ăn, các thiết bị phát sinh tia lửa, sinh nhiệt gây cháy. Có phương án và hướng dẫn các thành viên gia đình thoát nạn trong trường hợp xảy ra cháy, đặc biệt khi ngọn lửa bao trùm lối đi duy nhất. Lắp đặt thiết bị báo cháy tại phòng ngủ, bếp, nơi để xe máy, ô tô, nơi để vật liệu dễ cháy... để cảnh báo kịp thời khi cháy vừa xảy ra. Mỗi hộ gia đình nên trang bị bình chữa cháy xách tay, dụng cụ phá dỡ để nơi thuận tiện, dễ thấy, dễ lấy; thường xuyên hướng dẫn các thành viên gia đình sử dụng thành thạo các thiết bị phòng cháy, chữa cháy.

Cháy nổ tại nhà dân luôn hiện hữu mọi lúc, mọi nơi, có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, nhất là khi Quảng Ngãi đang trong cao điểm nắng nóng. Mỗi hộ gia đình không thể chủ quan với “giặc lửa”. "Mỗi người dân cần thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm đối với vấn đề an toàn cháy nổ; có phương án chủ động phòng ngừa để bảo vệ tính mạng, tài sản của bản thân, gia đình và cộng đồng, góp phần hạn chế các vụ cháy xảy ra", Trung tá Nguyễn Hợp chia sẻ.

THÀNH SỰ

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2024/202206/canh-bao-nguy-co-chay-no-o-nha-dan-3119556/