Cảnh báo nguy cơ cháy trong toàn tỉnh
Từ sau Tết Nguyên đán 2024 đến nay, thời tiết nắng nóng gay gắt diện rộng liên tiếp diễn ra trên địa bàn Đồng Nai. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai, nắng nóng sẽ còn tiếp tục xuất hiện đến cuối tháng 5 và đầu tháng 6 với những đợt nắng nóng diện rộng hơn, kéo dài và mức độ gay gắt hơn năm ngoái. Khả năng sẽ xảy ra khô hạn kéo dài trong các tháng mùa khô của năm 2024 tại Nam Bộ.
Tại Đồng Nai, năm nay mùa khô kéo dài, mưa trái mùa ít hơn so với trung bình nhiều năm. Thời tiết nắng nóng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân mà còn gây nguy cơ cháy, nổ rất cao.
Nắng nóng diện rộng, kéo dài
Theo Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai, một số khu vực thường xuyên ghi nhận nắng nóng đặc biệt gay gắt với nền nhiệt trong ngày vượt ngưỡng 380C như các huyện: Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch và thành phố Biên Hòa.
Thời tiết nắng nóng tác động không nhỏ đến người lao động, nhất là những người làm việc ngoài trời nắng cả ngày như: nghề giao hàng, xe ôm, công nhân công trường, bán hàng rong, bán
vé số...
Một ngày làm việc trung bình 8 tiếng, mỗi ngày đi làm anh Trần Văn Tuấn (làm nghề giao hàng) đều mặc áo khoác chống nắng, đội thêm mũ vải, đeo khẩu trang nhưng vẫn thấy rất mệt mỏi vì phải di chuyển liên tục trên đường dưới trời nắng gay gắt. “Nhiều hôm mồ hôi ướt đẫm, say nắng đến hoa mắt chóng mặt nhưng tôi vẫn phải cố gắng giao hết hàng mới được nghỉ” - anh Tuấn chia sẻ.
Hiện tổng diện tích có rừng và rừng trồng chưa thành rừng của tỉnh Đồng Nai là hơn 181 ngàn hécta; trong đó, diện tích có rừng hơn 170 ngàn hécta.
Tương tự, anh Phan Như Lộc, ngụ phường Hòa Bình, thành phố Biên Hòa (hiện đang làm nhân viên thi công camera), bộc bạch: “Cực nhất là mỗi lần đi làm công trình ngoài trời nắng nóng phải di chuyển, mang vác đồ nặng nề, leo trèo lên cao để gắn camera khiến cơ thể nhanh mệt mỏi, năng suất công việc cũng giảm”.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai, cao điểm mùa khô diễn ra từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 4. Sang đầu tháng 5, nắng nóng vẫn còn xuất hiện nhưng giảm dần về phạm vi và cường độ. Trong nửa đầu tháng 5, mùa mưa mới bắt đầu. Nắng nóng xuất hiện từ cuối tháng 1-2024, đến khá sớm và có khả năng kết thúc muộn với thời kỳ nắng nóng kéo dài hơn trung bình nhiều năm. Số ngày nắng nóng và nhiệt độ cao nhất trung bình trong các tháng nắng nóng khả năng cũng sẽ cao hơn trung bình những năm trước. Mức độ nắng nóng có thể xấp xỉ năm 2023 với nhiệt độ cao nhất có thể đạt 38-390C.
Liên tiếp xảy ra cháy
Nhiệt độ trong cao điểm mùa khô hiện nay tăng cao, kéo theo nguy cơ cháy trên toàn tỉnh cũng tăng cao. Đáng nói, nguy cơ cháy tập trung chủ yếu tại các khu dân cư với hộ dân san sát nhau, nhiều nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, các kho xưởng có từ lâu đời…
Nguy cơ cháy đến từ việc sử dụng nguồn điện, nguồn nhiệt trong quá trình sinh hoạt, sản xuất. Cụ thể, nhiều căn hộ, cơ sở sản xuất được xây dựng lâu đời với hệ thống điện cũ kỹ, không được nâng cấp; trong khi đó, thiết bị điện lại ngày càng được mua sắm thêm, công suất sử dụng cũng lớn dần. Điều này dễ dẫn tới các dây dẫn điện, thiết bị điện bị quá tải, dễ dẫn tới sự cố cháy, nổ.
Không chỉ vậy, nhiều hoạt động sinh hoạt, sản xuất của người dân trong khu dân cư cũng làm tăng nguy cơ cháy; nhất là việc đốt cỏ, rác, vườn rẫy thiếu kiểm soát vào mùa khô. Việc này dù đã được cơ quan chức năng cảnh báo từ nhiều năm nay nhưng hễ vào mùa khô lại tiếp tục phát sinh các đám cháy cỏ, rác, vườn, rẫy khiến mọi người lo lắng.
Gần đây nhất, chiều 18-3, tại phường An Hòa (thành phố Biên Hòa) xảy ra cháy nhà xưởng một công ty. Nguyên nhân ban đầu được xác định do ngọn lửa từ đống rác, cỏ khô tại bãi đất trống gần đó lan vào nhà xưởng. Theo lực lượng chức năng, không có thiệt hại về người trong sự cố nhưng ngọn lửa đã làm hư hỏng nhiều phần của các nhà kho cũng như hàng hóa, vật liệu bên trong.
Trước đó, trưa 15-3, 2 cơ sở gia công ghế nệm và một kho chứa phế liệu (sát bên nhau) trên đường Trung Tâm (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) bốc cháy dữ dội. Vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng đã làm hư hỏng nhiều kết cấu của các nhà xưởng, mái tôn; hư hại nhiều hàng hóa, thành phẩm, nguyên vật liệu bên trong.
Các vụ cháy nói trên nếu không được lực lượng chữa cháy xử lý kịp thời dễ dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy lan, đe dọa sự an toàn của các khu dân cư, cơ sở sản xuất, kinh doanh ở gần đó.
Việc đốt rác thải không đúng quy định không chỉ gây nguy cơ cháy lan, cháy lớn mà còn tạo ra khói bụi, gây ảnh hưởng tới môi trường sống, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Không chỉ vậy, việc đốt cỏ, rác với khối lượng lớn sẽ làm giảm tầm quan sát của người tham gia giao thông, dẫn đến tăng nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, nhất là trên các tuyến đường cao tốc.
Chiều 19-3, khói từ đám cháy cỏ ven đường đã tràn vào đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, đoạn gần lối rẽ sang đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (thuộc huyện Cẩm Mỹ) gây cản trở tầm nhìn của người điều khiển các phương tiện di chuyển qua đây. May mắn là lúc này mật độ phương tiện trên đường cao tốc khá thưa thớt, các xe đã giảm tốc độ để di chuyển qua đám khói mù mịt nên không xảy ra va chạm giao thông.
Cùng với đó, nguy cơ cháy hiện vẫn tồn tại ở các doanh nghiệp trong khu công nghiệp - nơi tập trung nhiều hàng hóa cùng lượng lớn công nhân làm việc liên tục mỗi ngày. Nhất là với các loại hình công ty chuyên về dệt may, da giày, vải sợi, giấy, gỗ, sơn… do chứa nhiều vật liệu dễ bắt lửa, nhiều dung môi khiến ngọn lửa bùng phát nhanh.
Đại dịch Covid-19 và tình hình khó khăn của kinh tế thế giới đã ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế Việt Nam, dẫn tới không ít công ty trong các khu công nghiệp thiếu đơn hàng. Do đó, nhiều doanh nghiệp đã cắt giảm nhân sự, giảm quy mô sản xuất và giảm cả kinh phí cho việc đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Kéo theo đó, các trang thiết bị, phương tiện phòng cháy tại một số công ty không được bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên. Việc này sẽ dẫn tới giảm khả năng ứng phó sự cố cháy ban đầu tại doanh nghiệp và tiềm ẩn nguy cơ cháy lan, cháy lớn trong các khu công nghiệp.
Không chỉ vậy, một số công ty không thường xuyên vệ sinh công nghiệp khiến bụi, mạt cưa, sợi vải… còn tồn đọng trong nhà xưởng. Nếu xuất hiện 1 tia lửa điện (từ sự cố thiết bị điện) thì rất dễ phát sinh cháy.
Nguy cơ cháy rừng cao
Hiện thời tiết ở tỉnh Đồng Nai đang vào đỉnh điểm mùa khô và mức cảnh báo cháy rừng ở cấp cao nhất (cấp độ 5 - cấp độ cực kỳ nguy hiểm). Thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh, hiện các cơ quan, đơn vị, địa phương, chủ rừng đã và đang nỗ lực thực phương án để sẵn sàng ứng phó các tình huống cháy rừng có thể xảy ra.
Giám đốc Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Tân Phú Nguyễn Lê Anh Tuấn cho biết, đơn vị được giao quản lý diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên 18 ngàn hécta ở 2 huyện: Định Quán và Tân Phú. Trong rừng có hơn 1,7 ngàn hécta hiện trạng là tre nứa, hỗn giao tre, nứa, gỗ phân bố ở những vị trí đồi dốc và hiện lá tre nứa khô rụng rất nhiều. Hơn nữa, số lượng hộ dân sinh sống, canh tác xen kẽ trong rừng rất đông. Bà con vẫn còn giữ thói quen đốt lửa để lấy mật ong; đốt dọn rẫy; hun, đốt lá cây, phụ phẩm nông nghiệp vào mùa khô. Điều này khiến cho công tác phòng, chống cháy rừng (PCCCR) gặp nhiều áp lực.
Tuy nhiên, BQL rừng phòng hộ Tân Phú đã kiện toàn Ban chỉ huy PCCCR và lập tiểu ban PCCCR tại các phân trường. Trên phương án đã được phê duyệt, đơn vị đã phân công công việc cụ thể cho từng cán bộ, nhân viên để công tác PCCCR được triển khai thực hiện chặt chẽ, đảm bảo.
Phó giám đốc BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc Tô Thế Mạnh cho hay, đơn vị hiện quản lý diện tích trên 10,3 ngàn hécta; trong đó có hơn 10 ngàn hécta thuộc địa phận huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) và trên 343 hécta thuộc địa phận các huyện: Tánh Linh và Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận). Thời tiết nắng nóng gay gắt, khô hanh kéo dài đã khiến cho hàng loạt cây rừng trên địa bàn khô lá và chết do thiếu nước. Hiện đơn vị đang nỗ lực huy động lực lượng tham gia tưới nước chống hạn cho cây nhằm hạn chế mức thiệt hại thấp nhất cho rừng.
Song song với việc tưới nước cứu cây, BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc còn nỗ lực thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng. Chế độ trực, tuần tra, kiểm tra canh phòng lửa rừng được đơn vị triển khai thực hiện ngay từ đầu mùa khô. Tại các phân trường đều bố trí trực chòi canh, đồng thời bố trí lực lượng nhân viên bảo vệ rừng thường xuyên tuần tra, kiểm soát người ra vào rừng…
“Mặc dù công việc rất nhiều và rất áp lực nhưng chúng tôi đã cố gắng phân công lực lượng tăng cường làm nhiệm vụ cả ngày lẫn đêm. Đến thời điểm này, công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng vẫn đảm bảo và chưa có vụ cháy rừng nào xảy ra trên địa bàn” - ông Mạnh chia sẻ.