Cảnh báo nguy cơ gây liệt mặt thời điểm chuyển mùa

Liệt mặt hay còn gọi là liệt dây thần kinh số VII, liệt Bell, là một bệnh thần kinh ngoại biên. Đây là tình trạng một bên cơ mặt trở nên yếu hoặc chảy xệ xuống do dây thần kinh điều khiển cho cơ mặt bị tổn thương hoặc mất chức năng. Hầu hết người bệnh liệt mặt có thể hồi phục hoàn toàn, nhưng cũng có một số người phải mang di chứng suốt cuộc đời.

Các bác sỹ Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Y Dược cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh điều trị cho bệnh nhân liệt dây thần kinh số VII bằng các phương pháp vật lý trị liệu

Các bác sỹ Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Y Dược cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh điều trị cho bệnh nhân liệt dây thần kinh số VII bằng các phương pháp vật lý trị liệu

Ước tính, cứ khoảng 100.000 người thì có 20 – 25 trường hợp bị mắc bệnh liệt mặt trên thế giới. Trong đó, phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc cao hơn với tỷ lệ 43 trường hợp/100.000 người. Liệt dây thần kinh mặt xuất hiện ở trẻ em ít hơn 2-4 lần so với người lớn. Trẻ em dưới 2 tuổi rất hiếm khi mắc phải căn bệnh này. Bệnh liệt mặt thường phát sinh nhiều hơn vào mùa đông.

Vừa qua, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Y Dược cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh tiếp nhận nhiều trường hợp bị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên. Điển hình là người bệnh H.A.M., 16 tuổi, trú tại thành phố Việt Trì vào viện trong tình trạng méo miệng lệch sang trái, tê lưỡi, cảm giác mệt mỏi, xúc miệng trào nước sang mép phải, cộm mắt, chảy nước mắt bên phải, mặt mất cân đối.

Tại đây, sau khi thăm khám, bác sĩ kết luận người bệnh bị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên phải. Người bệnh được điều trị bằng các phương pháp vật lý trị liệu như: điện châm, thủy châm, điện xung, hồng ngoại... Sau 3 tuần điều trị, sức khỏe người bệnh tiến triển tốt, mắt nhắm kín, miệng hết lệch, ăn uống không rơi, đã đủ điều kiện xuất viện.

Liệt dây thần kinh số VII ngoại biên không đe dọa đến tính mạng nhưng chủ quan hoặc điều trị không đúng cách, hiện tượng liệt mặt có thể chuyển sang thể liệt cứng. Nếu điều trị sớm, tình trạng này hoàn toàn có thể chữa khỏi mà không để lại di chứng.

Các bác sĩ khuyến cáo, vào mùa thu, đông thời tiết chuyển lạnh, vào buổi tối, nên đóng kín cửa sổ để tránh gió lùa vào. Ngoài ra, nên giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng cổ và mặt vào mùa đông để tránh tình trạng liệt mặt. Đối với người cao tuổi, cần tiêm nhắc lại vắc xin ngừa thủy đậu và thực hiện các biện pháp nâng cao sức đề kháng, tránh virus tấn công vào dây thần kinh số VII dẫn đến liệt mặt. Trong trường hợp nhận thấy mặt bị lệch, khó cử động và mất cảm giác, cần đến ngay bệnh viện để được thăm khám và điều trị sớm.

Hoàng Oanh - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/canh-bao-nguy-co-gay-liet-mat-thoi-diem-chuyen-mua-221067.htm