Cảnh báo nguy cơ gia tăng vô sinh, hiếm muộn
Tỷ lệ vô sinh ở nam và nữ là như nhau
(HNM) - Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànôịmới tại một số bệnh viện chuyên khoa hỗ trợ sinh sản trên địa bàn Hà Nội, tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn ngày càng gia tăng. Đây là nguy cơ đáng cảnh báo!
Thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tại Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Ảnh: Xuân Lộc
Tỷ lệ vô sinh ở nam và nữ ngang nhau
Chúng tôi có mặt tại Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội vào một ngày cuối tuần, rất đông bệnh nhân đến khám và kiểm tra kết quả điều trị vô sinh. Bác sĩ Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết: Những năm gần đây, bệnh viện tiếp nhận hàng vạn ca vô sinh, hiếm muộn đến khám và điều trị. Chỉ riêng trong tuần lễ hỗ trợ khám vô sinh miễn phí (từ ngày 22-7 đến 4-8), bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 2.000 trường hợp. Họ đến đây với mong ước tìm được “trái ngọt”.
Đơn cử, vợ chồng anh Trần Xuân Ch. (sinh năm 1975) và chị Hoàng Thị H. (sinh năm 1976) ở tỉnh Yên Bái, đã hơn 20 năm gian nan điều trị vô sinh, nhưng đều vô vọng. “Năm 2017, vợ chồng tôi quyết định làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) tại Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, song cũng không thành công. Và phải đến lần thứ 2 làm IVF, hạnh phúc mới mỉm cười”, anh Ch. kể.
Tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Bưu điện Hà Nội), các hành lang ngoài phòng khám, phòng xét nghiệm, phòng chẩn đoán… đều chật kín bệnh nhân. Họ là những gia đình hiếm muộn và gương mặt lộ rõ vẻ lo âu. Đến từ huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, vợ chồng anh Vũ Thành Đ. có mặt tại đây từ rất sớm. Kết hôn được 3 năm, nhưng chưa có con và nguyên nhân do người chồng.
Phân tích về những nguyên nhân dẫn tới vô sinh của nhiều cặp vợ chồng, bác sĩ Đinh Hữu Việt, Trưởng khoa Ngoại - Tiết niệu và Nam học (Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) cho biết: Các trường hợp vô sinh, hiếm muộn rất đa dạng, có thể do vợ hay chồng hoặc cả hai. Trước đây, mọi người đều đổ lỗi nguyên nhân xuất phát từ nữ giới. Thế nhưng ngày nay, sự tiến bộ của y học cùng sự xuất hiện của các kỹ thuật mới, nhiều nguyên nhân hiếm muộn ở nam giới được tìm ra. Hiện tỷ lệ vô sinh ở nam và nữ là ngang nhau. Theo thống kê, vô sinh do vợ chiếm khoảng 40%, do chồng chiếm 40%, khoảng 10% do cả hai vợ chồng và 10% không tìm thấy nguyên nhân.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, Phụ trách Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Bưu điện Hà Nội), cùng với các nguyên nhân bệnh lý, môi trường ô nhiễm, áp lực cuộc sống, sinh hoạt không lành mạnh… là những yếu tố làm gia tăng tình trạng vô sinh, hiếm muộn, đặc biệt ở vợ chồng trẻ.
Nếu như 10 năm trước, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Phụ sản trung ương) mỗi ngày chỉ đón tiếp một vài trường hợp vô sinh, hiếm muộn thì nay, con số này đã tăng lên khoảng 100 cặp vợ chồng/ngày. Bác sĩ Hồ Sỹ Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản cho biết: Vô sinh ở nữ giới chủ yếu là tắc vòi tử cung (chiếm 75%). Nguyên nhân là rất nhiều phụ nữ trẻ quan hệ tình dục, nạo phá thai không an toàn. Đây là vấn đề đáng báo động ở nước ta.
Làm gì để tăng cơ hội có con?
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ở Việt Nam nói riêng và các nước châu Á - Thái Bình Dương nói chung, tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn ngày càng tăng. Tại Việt Nam, tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn hiện chiếm khoảng 7,7% số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, tương ứng có từ 700.000 đến 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh. Trong đó, tỷ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) đang tăng cao, chiếm hơn 50% số cặp vợ chồng vô sinh và gia tăng hơn các năm trước khoảng 15-20%.
Đăng ký khám vô sinh, hiếm muộn tại Bệnh viện Bưu điện Hà Nội. Ảnh: Xuân Lộc
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia Nguyễn Viết Tiến, nam giới có tình trạng thể chất, sinh lý bình thường, việc sinh đứa con đầu tiên thuận lợi. Song do quá trình sinh hoạt, người đàn ông thức khuya nhiều, nhất là thói quen uống rượu, bia, hút thuốc lá ảnh hưởng lớn đến chất lượng tinh trùng, gây vô sinh thứ phát. Đối với nữ giới, cũng có rất nhiều nguyên nhân gây vô sinh thứ phát, trong đó có việc dùng triền miên thuốc tránh thai, viêm nhiễm phụ khoa…
Để phòng ngừa và giảm nguy cơ vô sinh, hiếm muộn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng: Cần tăng cường giáo dục về giới tính, tình dục an toàn và các biện pháp tránh thai cho thanh, thiếu niên. Đối với các cặp vợ chồng, nên thực hiện lối sống chung thủy, tránh căng thẳng thường xuyên, hạn chế thói quen có hại như: Uống rượu, hút thuốc lá, thức khuya... Với phụ nữ, khi muốn tránh thai vẫn có thể dùng thuốc, nhưng phải được bác sĩ chỉ định. Ngoài ra, chị em cũng cần giữ vệ sinh, tránh nguy cơ viêm nhiễm...
“Mặc dù tỷ lệ vô sinh ở các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ có dấu hiệu gia tăng, song với nhiều kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tiến bộ ngày nay, bệnh này hoàn toàn có thể điều trị thành công, nếu được phát hiện sớm, kịp thời” - Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia Nguyễn Viết Tiến lưu ý.