Cảnh báo nguy cơ ngộ độc do ăn côn trùng lạ

Thời gian qua, một số ca ngộ độc xảy ra khi ăn côn trùng lạ, đặc biệt là sâu ban miêu. Chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân tuyệt đối không sử dụng côn trùng làm thực phẩm.

Liên tiếp các ca ngộ độc nặng vì ăn côn trùng lạ

Mới đây, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế thông tin về một trường hợp có dấu hiệu ngộ độc sau khi ăn côn trùng lạ ở Lào Cai. Đó là ông N.T.T., thôn Bắc Ngầm, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai ăn món côn trùng rang với hành khô. Sau ăn, ông bị đau bụng, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, nôn, tiểu buốt, được Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng chẩn đoán ngộ độc sâu ban miêu. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai điều trị.

Qua điều tra, xác minh cho thấy, loại côn trùng trên có chiều dài khoảng 2cm, chiều ngang khoảng 0,3cm, mình màu đen, phần đầu màu đỏ cam, phát hiện chất Cantharidin. Đây là một chất rất độc, hủy hoại và gây chết protein. Chất này đi đến đâu sẽ gây tổn thương protein đến đó.

Côn trùng được chế biến.

Côn trùng được chế biến.

Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng vừa tiếp nhận 3 trường hợp bị ngộ độc sau khi ăn sâu ban miêu. Trước đó, 3 trong 5 người ở tỉnh Yên Bái cùng ăn món sâu ban miêu chiên. Sau khoảng 1 - 3 giờ, 3 người có biểu hiện buồn nôn, nôn, đau bụng, chướng bụng, tiểu buốt, tiểu khó, có người tiểu ra máu… Các bác sĩ bệnh viện địa phương chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc nên chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai điều trị.

Có thể tử vong

Theo TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, sâu ban miêu thực chất là một loài bọ cánh cứng, chứa chất độc Cartharidin. “Khi con người ăn phải chất này, đầu tiên sẽ gây tổn thương đường tiêu hóa, gây phồng rộp, bỏng đường tiêu hóa, hoại tử dạ dày, ruột… sau đó gây tổn thương gan, thận, thậm chí có thể gây tử vong” - TS Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo.

Các bệnh nhân ngộ độc Cartharidin phải được cấp cứu kịp thời, nếu không, nguy cơ biến chứng sẽ rất nặng. Tỷ lệ tử vong khi nhiễm chất độc này cũng rất cao, thực tế đã ghi nhận trường hợp tử vong vì ăn sâu ban miêu.

TS Nguyễn Trung Nguyên lưu ý, hiện tại vẫn có nhiều người dân ăn sâu ban miêu hay sử dụng loại sâu này để làm thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, hành động này vô cùng nguy hiểm vì trong sâu ban miêu có chứa chất cực độc.

Theo các chuyên gia y tế, côn trùng có nhiều loài khác nhau, trong đó nhiều loài có chất độc. Trên thực tế, rất ít loài côn trùng được khoa học chứng minh là an toàn để sử dụng. Việc không biết rõ các loại côn trùng đó có độc hay không, cách chế biến như thế nào cho đúng… nguy cơ gây ra ngộ độc rất cao, tỷ lệ tử vong do độc tố tự nhiên lớn.

Do vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo, để phòng tránh ngộ độc, bên cạnh một vài dạng sâu đã được biết rõ ràng có thể dùng làm thực phẩm, người dân tuyệt đối không sử dụng các loại côn trùng, sâu bọ làm thực phẩm hoặc làm thuốc. Người dân khi thấy có những biểu hiện như buồn nôn, đau bụng, tiểu ra máu… cần đến ngay các cơ sở y tế để được cấp cứu và điều trị kịp thời.

Với những món ăn "độc lạ", người dân cần cẩn trọng, không nghe kinh nghiệm "đồn thổi" để chế biến (ăn tái, ăn sống, ngâm rượu…) và sử dụng các món ăn chế biến từ côn trùng, ấu trùng… vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe. Người có cơ địa dị ứng càng phải thận trọng hơn với các món ăn này.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong

Thanh Bình

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/canh-bao-nguy-co-ngo-doc-do-an-con-trung-la.html