Cảnh báo nguy cơ nhiễm chất PFAS trong mỹ phẩm
Hợp chất PFAS là thành phần có trong hộp đựng thực phẩm, thuốc tẩy, vải không thấm nước, mỹ phẩm... gây bệnh thận, ung thư.
Dự luật Không có PFAS trong mỹ phẩm đã được đưa ra vào ngày 15.6 sau khi một nghiên cứu được công bố cho thấy hợp chất PFAS được tìm thấy 52% trong số 231 sản phẩm trang điểm được bán tại Mỹ và Canada.
Theo nghiên cứu trên tạp chí Environmental Science & Technology Letter, hàm lượng PFAS được tìm thấy trong kem nền (63%), mascara không thấm nước (82%) và son môi không trôi (62%). Ngoài ra 29 mẫu có hàm lượng PFAS cao nhất trong 231 sản phẩm đã được đưa đến phòng thí nghiệm để phân tích chuyên sâu. Kết quả phân tích cho thấy trong mỗi sản phẩm này chứa ít nhất 4 chất PFAS đáng lo ngại. Tuy nhiên, đáng lo nhất là 28 trong số 29 sản phẩm ấy đã không ghi rõ hợp chất PFAS trên nhãn sản phẩm.
“Một số trong số đó có thể là do vô ý, do vấn đề sản xuất nhưng có một số sản phẩm có mức độ độc chất quá lớn. Chúng đã được cố ý thêm vào để tăng khả năng bền lâu cũng như chống nước (điều này PFAS làm rất tốt)”, tác giả nghiên cứu Graham Peaslee cho biết.
Dự luật đã được Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Susan Collins, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Richard Blumenthal và Hạ nghị sĩ Debbie Dingell đưa ra. Ông Collins nói: “Người Mỹ đã tin tưởng rằng các sản phẩm mà họ đang dùng bôi lên tóc và da là an toàn”.
Ông David Andrews, một nhà khoa học cho biết: “Điều này thực sự gây sốc nhưng đó cũng là một lời cảnh tỉnh cho ngành công nghiệp mỹ phẩm về mức độ nhiễm PFAS trong các loại mỹ phẩm làm đẹp”.
“PFAS phổ biến nhất là polytetrafluoroethylene, thành phần thường được gọi là Teflon được phủ trên chiếc chảo chống dính. Nhưng tựu chung lại, chúng tôi đã xác định được 13 hóa chất PFAS khác nhau trong hơn 600 sản phẩm từ 80 thương hiệu”, Andrew cho biết thêm.
PFAS là một nhóm gồm hàng nghìn hóa chất tổng hợp tồn tại vô cùng bền vững trong môi trường và cơ thể con người. PFAS là tên viết tắt của các chất perfluoroalky và polyfluoroalkyl, gồm các hóa chất như PFOS, PFOA, GenX. Những hóa chất này có thể tích lũy sinh học trong cơ thể người theo thời gian và có thể gây nên bệnh ung thư, tuyến giáp, tổn thương gan, giảm khả năng sinh sản và sự rối loạn hoóc môn.
Trong một email gửi cho CNN Heath, Dingell nói: “Những hóa chất này có trong các sản phẩm mà chúng tôi sử dụng hằng ngày và hầu hết người dùng thậm chí còn không biết mình đang phải đối mặt với nguy hiểm”.
Dự luật được đưa ra để Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) ban hành quy tắc cấm việc bổ sung PFAS trong mỹ phẩm.
“Mặc dù tôi thường khuyên bệnh nhân của mình tránh xa các sản phẩm có perfluoroalkyl và polyfluoroalkyl nhưng nghiên cứu mới khiến tôi lo ngại vì nhiều sản phẩm bị nhiễm các hợp chất này mà thậm chí còn không được liệt kê trong bảng thành phần. Đó là một mối nguy hiểm vì PFAS rất dễ hấp thụ. Phụ nữ thường liếm môi và vô tình nuốt phải chất này có trong son môi của họ”, tiến sĩ da liễu Whitney Bowe cho biết.
Hóa chất PFAS được sử dụng trong tất cả các loại sản phẩm như dụng cụ nấu ăn chống dính, áo choàng và màn phẫu thuật chống nhiễm khuẩn, điện thoại di động, chất bán dẫn, máy bay thương mại và các phương tiện có lượng khí thải thấp. Hóa chất này cũng được dùng trong sản xuất bao bì có khả năng chống thấm dầu mỡ và nước cho các loại thực phẩm như bánh kẹp thịt, bánh ngọt.
Trong số các PFAS, thì PFOS (perfluorooctane sulfonate) và PFOA (perfluorooctanoic acid) được nghiên cứu nhiều nhất và cũng gây nhiều lo ngại, do ảnh hưởng của chúng trên sức khỏe con người. Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) đã xếp PFOA là chất “có thể sinh ung thư”, vì có bằng chứng cho thấy nó gây ra ung thư tinh hoàn, ung thư thận. Hai chất này đã bị loại bỏ khỏi các sản phẩm tiêu dùng ở Mỹ vào đầu thập niên 2000 nhưng ngành công nghiệp đã tạo ra nhiều phiên bản mới của PFAS. Hơn 4.700 loại PFAS tồn tại trong năm 2018, một con số tăng lên khi ngành công nghiệp phát minh ra các PFAS mới.
Các chuyên gia cho biết các hóa chất PFAS mới cũng có tác động nguy hiểm đến sức khỏe con người như những chất cũ. PFAS phổ biến đến mức nó đã được phát hiện trong máu của 97% người Mỹ, theo một báo cáo năm 2015 của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC).
Việc sử dụng PFAS trong mỹ phẩm không phải là mới. PDA cho biết chúng được “cố ý thêm vào” trong các sản phẩm như kem dưỡng da, chất tẩy rửa sơn móng tay, kem cạo râu, phấn nền, son môi, phấn mắt, mascara để tăng độ làm dưỡng, làm mịn hoặc làm cho làn da trông sáng bóng hơn.
Các PFAS có trong mỹ phẩm bao gồm polytetrafluoroethylene, perfluorooctyl triethoxysilane, perfluoronony dimethicone, perfluorodecalin và perfluorohexane. Theo luật, tất cả các thành phần này phải được liệt kê trên nhãn sản phẩm, theo thứ tự giảm dần. Tuy nhiên, FDA cho biết một số hóa chất này cũng có thể vô tình có mặt trong mỹ phẩm do tạp chất nguyên liệu thô hoặc do sự phân hủy của các thành phần PFAS tạo thành các loại PFAS khác.
“Bao nhiêu PFAS đã bị hấp thụ qua da? Đó là điều cần nghiên cứu trong tương lai”, FDA cho biết.
Nếu người dùng lo sợ mình nhiễm PFAS từ đồ mỹ phẩm thì nên tránh sử dụng các sản phẩm chống trôi, không thấm nước. Nghiên cứu cho biết hầu hết các loại mỹ phẩm có hàm lượng PFAS cao nhất được dán nhãn “chống trôi” hoặc “lâu trôi”.
Bowe cho biết: “Mặc dù mong muốn có một lớp make-up lâu trôi nhưng tôi tin rằng hầu hết người tiêu dùng sẽ thích được lựa chọn những sản phẩm an toàn cho dù chúng không bền”.
Các chuyên gia cũng cho biết, các sản phẩm hữu cơ hoặc chiết xuất từ thiên nhiên không phải lúc nào cũng hữu ích. “Mặc dù nhiều người tiêu dùng cho rằng một sản phẩm được dán nhãn "tự nhiên" vốn dĩ an toàn cho da nhưng thực tế không phải vậy. Tôi đã thấy nhiều thương hiệu sử dụng từ "tự nhiên" trên nhãn và được quảng cáo rầm rộ nhưng chúng vẫn chứa các thành phần gây tranh cãi về mức độ an toàn cho sức khỏe con người và môi trường", Bowe nói thêm.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/canh-bao-nguy-co-nhiem-chat-pfas-trong-my-pham-167129.html