Cảnh báo nguy cơ rắn độc cắn mùa mưa

Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu (Sơn La) thời gian qua liên tiếp tiếp nhận điều trị các trường hợp bị rắn độc cắn.

Hình ảnh bàn chân bệnh nhi sau khi bị rắn cắn. Ảnh: BVCC

Hình ảnh bàn chân bệnh nhi sau khi bị rắn cắn. Ảnh: BVCC

Nhiều trường hợp bị rắn cắn khi ở nhà

Mới đây nhất, một cháu nhỏ đi bộ chơi trong xóm thì bất ngờ bị rắn cắn vào chân. Dù chỉ một vết cắn nhỏ nhưng nạn nhân bị bầm tím bàn chân, được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu cấp cứu.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân nữ 60 tuổi. Khi bà đang thu dọn đồ đạc ở góc nhà thì một con rắn bất ngờ xuất hiện trong đống đồ đạc cắn vào tay bà.

Trường hợp khác là một thanh niên trú tại xã Lóng Sập, đi làm vườn bị rắn lục cườm cắn vào chân. Sau khi được người nhà đưa vào bệnh viện ở địa phương, bệnh nhân phải chuyển tuyến lên Hà Nội cấp cứu.

Mưa nhiều thời gian gần đây ở Mộc Châu là điều kiện thuận lợi cho rắn phát triển, đặc biệt các loài rắn độc. Mưa lụt kéo dài phá vỡ môi trường sống của rắn nên chúng phải tìm nơi khác để trú ẩn và kiếm ăn như vườn rậm, tán cây, thậm chí là trong nhà… Đây cũng là nguyên nhân vào mùa mưa, số nạn nhân bị rắn cắn nhập viện cấp cứu gia tăng với những mức độ nguy hiểm khác nhau.

Theo các bác sĩ, khi bị rắn rết cắn, người dân phải vào viện thăm khám ngay ngay. Người bị loài rắn, rết cắn sẽ bị có tình trạng rối loạn đông máu. Đối với một số loài rắn độc nếu không cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm tới tính mạng.

Trước đó, vào giữa tháng 4/2023, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã cấp cứu cho nhiều trường hợp bị rắn độc cắn khi đang ở nhà. Các trường hợp nhập viện hầu hết có triệu chứng bầm tím, sưng nề vùng da bị rắn cắn, vết cắn có một hoặc 2 móc độc… Trong đó, nhiều người bị biến chứng nặng.

Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, rắn độc thường có hai răng độc lớn có vai trò như chiếc kim tiêm. Rắn cắn sẽ đồng thời tiêm độc vào vùng da của nạn nhân và để lại vết răng đặc trưng sau khi cắn. Do đó, nạn nhân khi bị rắn độc cắn thì để lại ít dấu răng ở vết cắn nhưng để lại 2 vết răng nanh. Mỗi vết cắn của răng nanh cách nhau khoảng 5mm và 1 số vết răng nhỏ.

Rắn không có độc khi cắn sẽ để lại vết của cả 2 hàm răng với những chấm nhỏ hình vòng cung và đặc biệt không có vết răng nanh.

Cách sơ cứu khi bị rắn độc cắn

Việc sơ cứu người bị rắn cắn nhằm mục đích làm chậm và hạn chế nọc độc xâm nhập vào cơ thể nạn nhân. Qua đó, ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm và nguy cơ gây hại tính mạng có thể xảy ra.

Khi bị rắn độc cắn, cần nhanh chóng gọi cấp cứu tại bệnh viện gần nhất để được truyền huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu. Trong thời gian chờ sự trợ giúp y tế, người thực hiện sơ cứu nên tuân theo các bước sau:

- Di chuyển nạn nhân xa ra khỏi tầm hoạt động của con rắn;

- Trấn an nạn nhân, hạn chế cử động, tốt nhất là bất động chi bị cắn bằng nẹp, để làm chậm sự lây lan của nọc độc;

- Tháo bỏ đồ trang sức và nới lỏng quần áo chật nhằm tránh gây chèn ép khiến vết thương bắt đầu sưng lên;

- Điều chỉnh tư thế sao cho vùng bị cắn nằm thấp hơn mức tim, chẳng hạn như nằm xuống, kể cả trong lúc được vận chuyển đến bệnh viện;

- Làm sạch vết thương bằng xà phòng và nước muối sinh lý;

- Dùng một miếng gạc khô và sạch để băng kín vùng bị cắn.

Sai lầm lớn nhất của bệnh nhân và người nhà là áp dụng kinh nghiệm dân gian để sơ cứu khi bị rắn cắn. Nhiều trường hợp đợi đến khi xuất hiện các triệu chứng suy hô hấp nghiêm trọng, hoặc vết thương hoại tử lan rộng, thì mới đến cơ sở y tế thăm khám thì đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng nạn nhân.

Minh Trang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/canh-bao-nguy-co-ran-doc-can-mua-mua-post477594.html