Cảnh báo nhiều chiêu lừa đảo tinh vi trên mạng xã hội

Ngày 06/8/2024, Công an TPHCM cho biết, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản (LĐCĐTS) qua không gian mạng có xu hướng gia tăng, diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, có tính chất xuyên quốc gia, gây thiệt hại lớn và bức xúc trong nhân dân.

Từ sử dụng dịch vụ truyền tải âm thanh mạo danh cán bộ để lừa đảo…

Theo cơ quan Công an, các đối tượng đã nhắn tin, gọi điện hoặc thông qua mạng xã hội (MXH) để quảng cáo, giới thiệu việc làm tại nhà, tuyển giúp việc theo giờ, tuyển người giao hàng... nhưng buộc người có nhu cầu tìm việc phải chuyển phí, rồi lừa đảo, chiếm đoạt (CĐ)...

Gần đây, các đối tượng sử dụng dịch vụ VoIP (truyền tải âm thanh qua Internet) mạo danh cán bộ trong các cơ quan thực thi pháp luật như: Công an, viện kiểm sát, tòa án... gọi điện báo người dân bị kiện. Đối tượng viện lý do người dân nợ tiền hay có liên quan đến vụ án đang điều tra, sau đó yêu cầu người dân khai báo thông tin tài khoản (TK), mật khẩu trên trang giả mạo. Do nhẹ dạ cả tin, nhiều người đã làm theo nên bị đối tượng thu thập thông tin, rồi CĐ tiền trong TK.

Tiếp đến, đối tượng thông qua hoạt động thương mại điện tử như: tạo lập website, sàn giao dịch, ứng dụng kiếm tiền trên mạng, giả mạo trang quảng cáo, rao bán hàng trực tuyến... rồi tìm cách CĐ tiền cọc của khách hoặc chuyển hàng không đúng giá trị thực tế quảng cáo; hay giả mạo người nước ngoài mua hàng để yêu cầu người bán thực hiện "giao dịch quốc tế" nhằm đánh cắp thông tin, TK người bán. Các đối tượng còn lừa đảo thông qua hình thức kinh doanh đa cấp hoặc sàn giao dịch ảo, đứng ra làm đầu mối cho sàn giao dịch nước ngoài để lôi kéo khách hàng mở TK giao dịch, CĐ tiền đầu tư. Ngoài ra, bọn chúng còn tấn công mạng, chiếm quyền kiểm soát TK MXH của người dân để nhắn tin lừa đảo đến bạn bè, người thân; giả mạo thông tin, TK, hộp thư điện tử của công ty, doanh nghiệp rồi thay đổi thông tin để CĐ tài sản...

Hãy cẩn trọng khi dùng mạng xã hội

Hãy cẩn trọng khi dùng mạng xã hội

Từ các vụ việc trên, Công an TPHCM khuyến cáo, người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, căn cước...cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì; không truy cập vào đường link gắn kèm trong nội dung tin nhắn lạ; không thực hiện thao tác trên điện thoại theo cú pháp được hướng dẫn bởi người lạ; không chuyển tiền cho người lạ chỉ quen biết trên mạng. Nếu có người quen nhờ chuyển tiền, cần gọi điện thoại lại để xác nhận, tránh trường hợp người thân, bạn bè bị các đối tượng CĐ TK MXH để lừa đảo. Đồng thời, người dân cũng cần cảnh giác đối với những thông tin tuyển dụng, kiếm tiền qua mạng, đầu tư sàn giao dịch tiền ảo, ngoại hối... Khi TK "bỗng" nhận được tiền "chuyển nhầm" thì không được sử dụng tiền này tiêu xài và phải đến ngân hàng để giải quyết. Khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo cho cơ quan Công an gần nhất để được hướng dẫn, giải quyết.

Đến chiêu trò gắn thẻ tên người dùng Facebook

Thời gian gần đây, nhiều người sử dụng MXH thấy mình được gắn thẻ (tag) trong các bài viết có nội dung nhạy cảm liên quan đến đời tư hay đau buồn về người thân, người quen bị tai nạn hay các nội dung kịch tính, gây cảm giác tò mò, đánh vào tâm lý tác động tới người dùng. Khi nhấn vào xem, đường link bài viết sẽ dẫn đến một ô đăng nhập lại Facebook. Lúc này nếu không cảnh giác và đăng nhập thông tin TK của bạn thì hacker sẽ thu thập và CĐ để thực hiện các hành vi lừa đảo trên không gian mạng... Đây là hình thức lừa đảo không mới, song với các thủ đoạn tinh vi, ngày càng có nhiều người trở thành nạn nhân của hình thức này. Vì vậy, những người sử dụng Facebook cần phải cảnh giác cao độ, tuyệt đối không cung cấp thông tin, TK cá nhân của mình. Nếu rơi vào những trường hợp trên phải nhanh chóng xóa "tag" tên mình khỏi những bài viết đó và cảnh báo cho những người xung quanh để đề phòng.

Bởi từ việc gắn thẻ TK người dùng vào bài viết, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng các phương thức dẫn dụ người dùng truy cập vào các đường link độc hại. Tại đây, người dùng vô tình cung cấp TK, mật khẩu, cookie (phiên đăng nhập) cho đối tượng. Từ các thông tin có được, đối tượng sẽ tiến hành CĐ TK MXH. Các đối tượng còn tiếp tục sử dụng TK đã CĐ được để dẫn dụ, CĐ thêm các TK khác, hoặc sử dụng TK đó thực hiện các hành vi lừa đảo, nhắn tin cho những người trong danh sách bạn bè để hỏi vay tiền, nhờ chuyển tiền, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của bị hại. Đặc biệt, chúng còn cung cấp TK ngân hàng có tên chủ TK giống hệt với tên của người bị CĐ TK MXH. Do đó, nhiều người đã chủ quan, mất cảnh giác chuyển tiền cho đối tượng.

Để hạn chế tối đa việc trở thành nạn nhân của các đối tượng tội phạm sử dụng công nghệ cao, bản thân mỗi người cần tự nâng cao kiến thức, kỹ năng và sự cảnh giác trước các loại tội phạm này, đồng thời thường xuyên chia sẻ diễn biến thông tin để mọi người biết và phòng ngừa; tuyệt đối không nên nhấn, truy cập vào các đường link lạ, đường link không rõ nguồn gốc. Tăng cường bảo mật cho TK MXH bằng cách bật xác thực bảo mật hai lớp, đặt mật khẩu phức tạp, chú ý đến các thông báo đăng nhập...

Khi phát hiện bị CĐ TK MXH, cần thông báo đến bạn bè, người thân, qua đó sẽ giảm thiểu được số người bị LĐCĐTS, đồng thời nên hết sức cảnh giác trước những lời mời gọi lấy lại TK MXH. Bởi vì nhiều đối tượng lợi dụng nhu cầu muốn lấy lại TK MXH để thực hiện hành vi LĐCĐTS, đồng thời có nguy cơ bị đánh cắp thông tin cá nhân.

HIẾU ĐỨC

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/vu-an/canh-giac/canh-bao-nhieu-chieu-lua-dao-tinh-vi-tren-mang-xa-hoi_165658.html