Cảnh báo nhiều trường hợp tử vong khi uống rượu ngâm cây rừng
Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an cảnh báo, việc người dân sử dụng các loại thân, rễ cây để ngâm rượu uống không phải là hiếm. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng loại rượu 'bổ' này đã có người nhầm lẫn ngâm rượu với thân cây lá ngón mà không biết, dẫn đến nhiều người tử vong.
Khoảng 19 giờ ngày 06/3, ông Nông Văn Út (SN 1963, trú thôn Luông Doan, xã Vĩnh An, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) ăn cơm tại nhà cùng con gái là chị Nông Thị Lan và cháu ngoại. Theo thói quen hằng ngày, ông Út lấy rượu ngâm trong bình của gia đình rót ra ấm nước để uống. Đến khoảng 7 giờ ngày 07/3, chị Lan phát hiện cha tử vong trên giường nên hô hoán.
Quá trình tham gia tang lễ, 2 ông Hoàng Văn Thắm (SN 1938) và Nông Văn Nhung (SN 1960, trú cùng thôn) rót rượu có sẵn trong ấm nước mà ông Út đã uống dở từ hôm trước. Vụ việc khiến ông Thắm tử vong tại chỗ, còn ông Nhung hôn mê được người dân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang. Sau hơn chục ngày điều trị, ông Nhung cũng không qua khỏi.
Nhận tin báo, Công an huyện Sơn Động phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân huyện, Phòng Cảnh sát hình sự và Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Bắc Giang điều tra. Theo Đại tá Nguyễn Đình Tuấn, Trưởng phòng Giám định hóa học, Viện Khoa học hình sự: "Ngay khi nhận cuộc gọi từ Công an huyện Sơn Động về các biểu hiện chết chưa rõ nguyên nhân của 3 nạn nhân, với nhiều năm kinh nghiệm giám định kỹ thuật hình sự về hóa học, tôi nhận định ngay các nạn nhân chết do uống rượu từ thân cây lá ngón, đồng thời đề nghị Công an huyện gắp mấy thân gỗ ngâm trong bình rượu mà ông Út uống để vào tờ giấy trắng cho ngấm hết rượu. Qua nhìn hình ảnh, phát hiện ngoài một số đoạn cây ngâm cùng có một số thân cây là cây lá ngón".
Nhận được các mẫu rượu mà nạn nhân sử dụng và bình rượu ngâm, lực lượng kỹ thuật hình sự về lĩnh vực hóa học của Phòng Giám định hóa học sử dụng các trang thiết bị hiện đại để giám định. Chỉ trong thời gian ngắn đã có kết luận: trong máu, nước tiểu, phủ tạng, dạ dày và chất chứa trong dạ dày của cả 3 nạn nhân đều tìm thấy ethanol (cồn) và các alkaloid (gelsemine, koumine, gelsenicine) của cây lá ngón. Trong cây lá ngón có chứa các alkaloid rất độc và gây tử vong đối với người.
Ngoài ra, không tìm thấy các chất độc thường gặp khác như: Cyanide (CN); methanol; thuốc diệt chuột; hóa chất bảo vệ thực vật; alkaloid độc của mã tiền, cà độc dược, ô đầu - phụ tử; các chất an thần gây ngủ và các chất ma túy. Từ kết quả giám định xác định, các nạn nhân tử vong đều do chất độc cây lá ngón ngâm trong bình rượu. Gia đình nạn nhân cho biết, bình rượu trên là do ông Út tự lên rừng tìm các loại cây về để ngâm.
Cũng theo Đại tá Tuấn, vụ việc xảy ra ở huyện Sơn Động (Bắc Giang) tương tự như vụ ở huyện Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang) xảy ra vào năm 2023. Theo đó, tối 04/4/2023, ông Phàn Văn Câm (SN 1961, trú thôn Trò, xã Phù Lưu, Hàm Yên) đến nhà bà Phàn Thị Lưu (SN 1973, ở cùng thôn) để ăn Tết Thanh minh. Khi đi, ông Câm mang theo chai rượu thuốc (trong có các loại thân cây được chặt nhỏ). Quá trình ăn uống, ông Câm tự rót ra 2 chén rượu và uống. Uống xong, ông Câm trở về nhà. Đến khoảng 7 giờ hôm sau, gia đình phát hiện ông Câm chết tại gian bếp của gia đình.
Tương tự, ngày 05/4/2023, ông Phàn Văn Chòi (SN 1967, trú thôn 3 Thuốc Hạ, xã Tân Thành, Hàm Yên) đến đám tang của ông Phàn Văn Câm. Quá trình phụ giúp tang lễ, ông Chòi uống chai rượu thuốc trước đó ông Câm sử dụng. Đến khoảng 11 giờ cùng ngày, bà Triệu Mùi Khé (trú thôn Trò, Phù Lưu) phát hiện ông Chòi có biểu hiện co giật tại gian bếp nhà ông Câm. Sau đó, bà Khế cùng mọi người gọi xe đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng ông Chòi đã chết. Nhận được các mẫu cần giám định mà Công an huyện Hàm Yên gửi đến, Phòng Giám định hóa học đã cử cán bộ tổ chức giám định rượu trong các chai nhựa và bình rượu ngâm của ông Câm. Kết luận, đã tìm thấy các alkaloid (gelsemine, koumine, gelsenicine) của cây lá ngón...
Đại tá Nguyễn Đình Tuấn cho biết thêm, trong cây lá ngón có chứa các alkaloid rất độc và gây tử vong với người, một số ít trường hợp cứu được có thể do nôn ra và được cấp cứu kịp thời. Trong y học cổ truyền, nhiều loại rễ, củ cây rừng có tác dụng chữa bệnh rất tốt khi được sử dụng bởi người có kiến thức chuyên môn và sử dụng đúng liều lượng, đúng cách. Tuy nhiên, nếu không biết thật rõ tác dụng của từng loại rễ cây, củ cây rừng, người dân tuyệt đối không được dùng để ngâm rượu. Khi uống các loại rượu ngâm rễ, thân, lá cây không rõ nguồn gốc, không đúng cách, không đúng bệnh, nhiều khả năng người uống sẽ bị ngộ độc dẫn đến tử vong.