Cảnh báo những hiểm họa từ rò rỉ khí gas
Hàng loạt vụ cháy, nổ khí gas xảy ra trong thời gian qua cho thấy sự chủ quan và thiếu kỹ năng sử dụng loại nhiên liệu này của người dân. Và vụ tai nạn nổ khí gas khiến 3 người tử vong ở quận Hoàng Mai, Hà Nội là một minh chứng.
Cháy nổ khí gas trong trường hợp nào?
Trong điều kiện thông thường, bình gas không thể phát nổ, nhưng khí gas thì lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Vậy khí gas có thể nổ trong trường hợp nào và tại sao nó có thể dễ dàng nổ như vậy? Dẫn chứng tại vụ tai nạn xảy ra tối 3-1-2022, tại quận Hoàng Mai. Sau tiếng nổ lớn, lửa và khói bốc lên từ dãy nhà trọ ở phường Định Công, khi lực lượng chức năng có mặt, 3 người đã tử vong.
Qua khám nghiệm hiện trường, căn phòng trọ bị tác động của sức ép đã trở nên tan hoang, trần nhà sập trần, vách tường nứt toác. Đây không phải vụ nổ khí gas đầu tiên gây tử vong tại Hà Nội. Trước đó đã từng xảy ra nhiều vụ nổ gas khác, điển hình là vụ nổ khí gas làm sập ngôi nhà 3 tầng tại phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng vào tháng 11-2011 khiến 3 người tử vong, 2 người bị bỏng nặng. Ngoài các vụ việc nghiêm trọng trên thì tại các cửa hàng lẩu sử dụng bình gas mini làm nhiên liệu đun nấu đã gây nổ ngay cả trên bàn ăn.
Lý giải về các nguyên nhân này, Đại tá Nguyễn Trường Sơn - Phó trưởng CAQ Cầu Giấy phân tích: “Thông thường có 2 dạng nổ, nổ vật lý và nổ hóa học. Nổ vật lý là do môi trường bị nén cơ học hoặc do gia tăng nhiệt độ, còn nổ hóa học xảy ra khi có phản ứng hóa học. Nổ khí gas hiếm khi có nguyên nhân vật lý (như do bình chứa không chịu đựng được áp suất nén) mà thường là do bị rò rỉ khí tại một không gian tương đối kín. Khi khí gas bị cháy thì kèm theo phát nổ do áp suất bị giãn nở ở tốc độ cực lớn.
Trong các vụ cháy nổ khí gas vừa qua, khí gas đã bị tích tụ trước đó trong một không gian hẹp. Đến khi gặp tia lửa điện (hoặc lửa trần) dẫn đến đột ngột phát nổ, gây cháy nhà”. Hiện nay, nhiều gia đình do thiếu kỹ thuật, kỹ năng nên đã lắp đặt chung bình gas cùng tổ hợp máy bơm, ổ điện trong tủ bếp. Đây chính là sai lầm rất lớn bởi việc này sẽ rất dễ kích nổ khí gas khi chúng bị rò rỉ. Chúng ta đều biết, máy bơm nước hoạt động bằng rơ-le tự động cùng mô-tơ điện. Nếu khí gas chẳng may bị hở và các mô tơ, rơ-le hoạt động đúng lúc đó thì đây là câu trả lời cho nguyên nhân tại sao nhiều gia đình không có người ở nhà nhưng bỗng dưng lửa cháy ngùn ngụt.
Tiềm ẩn cháy nổ khí gas có thể xảy ra trong những gia đình sử dụng gas làm chất đun nấu. Đặc biệt, hiện nay ở đô thị do không gian hạn hẹp nên việc khu bếp thiếu sự thoáng đãng, thậm chí không có máy hút mùi, ô thoát khí dẫn đến sự ngưng tụ hơi dầu, mỡ thức ăn. Cùng với đó, việc dùng gas suốt thời gian dài mà không chú ý, kiểm tra, thay thế dây dẫn khiến chúng bị mục ải, nứt vỡ, chuột cắn dẫn đến khí gas bị hở lúc nào không hay. Điều đáng nói, không phải người dân nào cũng có kỹ năng xử lý sự cố rò rỉ gas. Nhiều người còn chủ quan khi ngửi thấy mùi gas nhưng không chịu kiểm tra cụ thể. Bên cạnh đó còn một thói quen rất khó chấp nhận, đó là rất ít gia đình chịu khóa van bình gas sau khi sử dụng. Việc này là một sai lầm bởi van bình gas chỉ có chức năng điều tiết gas khi đun nấu chứ không thể ngăn xì gas ra ngoài môi trường (đặc biệt là khi dây dẫn gas bị hở) nếu con người không tự can thiệp.
Khuyến cáo và cách xử lý sự cố
Để đảm bảo an toàn khi sử dụng khí gas trong gia đình, Đại tá Nguyễn Trường Sơn khuyến cáo: “Người sử dụng gas phải thường xuyên kiểm tra dây dẫn, thay thế định kỳ hoặc thay ngay khi phát hiện hư hỏng. Cần lắp thiết bị báo rò rì khí gas trong khu vục đun nấu để có cảnh báo sớm. Tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc khóa bình gas khi không sử dụng, không lắp đặt thiết bị điện gần bình gas. Trong trường hợp ngửi thấy mùi gas sống, nghiêm cấm bật công tắc điện, hoặc bật lửa mà phải mở hết cửa thoáng, dùng bìa cứng quạt cho khí gas thoát ra ngoài. Cần hiểu, bản thân khí gas rò rỉ không gây cháy nổ. Nguyên lý cháy nổ là do khí gas kết hợp với oxy trong không khí tạo thành hỗn hợp cháy và phải có nhiệt độ cao phù hợp (hoặc có tia lửa phát ra khi bật công tắc bật đèn, quạt, điện thoại...)”.
Để đảm bảo an toàn khi sử dụng gas trong đun nấu, người dân nên tìm cửa hàng uy tín để mua thiết bị. Kiểm tra dây dẫn gas thường xuyên, tránh để dây gập, xoắn, thay mới theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Quy trình sử dụng bếp gas đúng cách là khóa van bình khi đun nấu xong, sau đó chờ lửa đốt hết phần gas còn trong ống dẫn rồi mới tắt bếp về đúng vị trí. Khi đun nấu nên tránh gió thổi trực tiếp vào bếp. Không để giấy, giẻ bắc nồi, chai nhựa cạnh bếp để tránh bị bắt lửa. Tuyệt đối không để thuốc diệt côn trùng gần ngọn lửa, không được xịt thuốc gần bếp gas đang đun nấu. Nên đặt bình cách bếp tối thiểu 1 - 1,5m ở chỗ thoáng để dễ phát hiện được mùi gas khi có rò rỉ.
Người sử dụng gas phải thường xuyên kiểm tra dây dẫn, thay thế định kỳ hoặc thay ngay khi phát hiện hư hỏng. Cần lắp thiết bị báo rò rì khí gas trong khu vục đun nấu để có cảnh báo sớm. Tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc khóa bình gas khi không sử dụng, không lắp đặt thiết bị điện gần bình gas. Trong trường hợp ngửi thấy mùi gas sống, nghiêm cấm bật công tắc điện, hoặc bật lửa mà phải mở hết cửa thoáng, dùng bìa cứng quạt cho khí gas thoát ra ngoài.
Đại tá Nguyễn Trường Sơn Phó trưởng CAQ Cầu Giấy
Hiện nay, nhiều gia đình do thiếu kỹ thuật, kỹ năng nên đã lắp đặt chung bình gas cùng tổ hợp máy bơm, ổ điện trong tủ bếp. Đây chính là sai lầm rất lớn bởi việc này sẽ rất dễ kích nổ khí gas khi chúng bị rò rỉ. Chúng ta đều biết, máy bơm nước hoạt động bằng rơ-le tự động cùng mô-tơ điện. Nếu khí gas chẳng may bị hở và các mô tơ, rơ-le hoạt động đúng lúc đó thì đây là câu trả lời cho nguyên nhân tại sao nhiều gia đình không có người ở nhà nhưng bỗng dưng lửa cháy ngùn ngụt.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/canh-bao-nhung-hiem-hoa-tu-ro-ri-khi-gas-post492332.antd