Cảnh báo ô nhiễm tiếng ồn

Cùng với sự phát triển đô thị, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn cũng đang được cảnh báo. Đáng nói, dù đã được nhiều cơ quan, tổ chức chứng minh là một dạng ô nhiễm nguy hại, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng nhưng thực tế việc kiểm soát tiếng ồn vẫn bị xem nhẹ, ít được quan tâm.

Cán bộ Trung tâm quan trắc (Sở Tài nguyên và Môi trường) quan trắc tiếng ồn tại khu vực
Nhà máy Xi măng Tân Quang, xã Tràng Đà (thành phố Tuyên Quang).

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn trên địa bàn tỉnh chưa đến mức báo động, nhưng đã ở mức cần cảnh báo, khi quan trắc tại một số điểm tập trung đông dân cư, tiếng ồn đã vượt quy định nhiều lần. Cụ thể, vào ban ngày tiếng ồn trung bình ở các điểm đo tháng 12 -2018 dao động 43 - 83 đề xi ben. Trong đó, tiếng ồn tại khu vực chợ Na Hang vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn 1,01 lần; khu vực cổng nhà văn hóa huyện Chiêm Hóa, chợ huyện Chiêm Hóa và vòng xuyến đầu cầu thị trấn Vĩnh Lộc vượt lần lượt là 1,08 lần, 1,04 lần và 1,02 lần; chợ Hàm Yên, khu vực ngã tư Bưu điện Tân Yên và cổng Bệnh viện Hàm Yên vượt lần lượt là 1,04 lần,1,02 lần và 1,05 lần; khu vực chợ Trung Môn (Yên Sơn) vượt 1,05 lần; khu vực ngã 3 đèn đỏ thị trấn Sơn Dương, ngã 3 vòng xuyến thị trấn Sơn Dương, chợ chiều thị trấn Sơn Dương vượt lần lượt 1,08 lần, 1,05 lần và 1,07 lần; khu vực ngã 3 thị trấn Tân Bình (Yên Sơn) vượt 1,08 lần.

Tại thành phố Tuyên Quang, quan trắc tại nhiều địa điểm, tiếng ồn cũng vượt quá quy định nhiều lần. Trong đó, quan trắc tại khu vực ngã 4 khách sạn Mường Thanh và ngã 8 vượt lần lượt là 1,18 lần và 1,17 lần; khu vực cổng UBND thành phố Tuyên Quang vượt 1,04 lần; khu vực ngã tư trường Tiểu học Phan Thiết vượt 1,08 lần so với QCVN 26:2010/BTNMT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn.

Tại các khu công nghiệp, nhà máy và khu khai thác khoáng sản, tiếng ồn do quan trắc cũng vượt nhiều lần. Theo Chi cục Bảo vệ môi trường, tiếng ồn trung bình ở các điểm đo tháng 12 -2018 dao động 50 - 74 dB. Trong đó, tiếng ồn tại khu vực công nghiệp dịch vụ Long Bình An vượt 1,05 lần; khu vực mỏ đá Km 31, xã Thái Sơn (Hàm Yên) vượt 1,04 lần; khu vực Nhà máy Xi măng Tuyên Quang vượt 1,02 lần so với QCVN 26:2010/BTNMT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn.

Như vậy có thể thấy xu hướng ô nhiễm tiếng ồn đang tăng dần tại các khu vực thành thị và khu dân cư tập trung. Tiếng ồn phát sinh chủ yếu bởi các phương tiện tham gia giao thông nơi các điểm nút như ngã ba, ngã tư và khu vực họp chợ. Thời điểm tiếng ồn cao nhất thường là vào các thời gian tan tầm, lượng người tham gia giao thông lớn.

Bác sỹ Vũ Đăng Khoa, Trưởng khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, theo nhiều nghiên cứu, người dân sống trong khu vực có tiếng ồn quá lớn thường hay mất ngủ, dễ bị căng thẳng, mệt mỏi gây ra bệnh tật. Nghiêm trọng hơn, nếu sống ở khu vực có tiếng ồn trong thời gian quá lâu có thể dẫn đến suy tim, ảnh hưởng tính mạng. Người đang điều trị bệnh mà sống nơi ồn ào, ô nhiễm thì quá trình hồi phục sẽ chậm hơn, thậm chí không bình phục. Tiếng ồn là nguyên nhân gây ảnh hưởng sức khỏe lớn thứ hai sau bụi. Tại khoa Tai - Mũi - Họng đã đón tiếp nhiều bệnh nhân bị điếc tiếng ồn, hay còn gọi là điếc nghề nghiệp, do tiếp xúc với tiếng ồn quá 4.000 hZ trong khoảng thời gian vài tháng liên tục. Những bệnh nhân này thường không còn chữa được, do đã bị xâm nhiễm từ từ, đều đều. Do đó, người dân không tiếp xúc với tiếng ồn lớn trong thời gian kéo dài theo phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Các nhà máy sản xuất cần có biện pháp luân chuyển cán bộ, người lao động liên tục để tránh các trường hợp điếc nghề nghiệp có thể xảy ra.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Nghị định 179/2013/NĐ-CP của Chính phủ chỉ rõ, hành vi gây tiếng ồn quá quy định đối với cá nhân sẽ bị phạt từ một triệu đến 160 triệu đồng. Đối với cơ sở, tổ chức mức phạt sẽ tăng gấp đôi và đình chỉ hoạt động từ 3 đến 12 tháng. Luật đã có, nhưng rất ít khi được áp dụng để xử lý triệt để. Việc xác định mức độ tiếng ồn như thế nào được coi là vượt mức ồn tối đa cho phép tại khu công cộng và dân cư theo quy định hiện hành thì không phải là điều dễ dàng. Đây cũng là khó khăn chung đối với các cơ quan quản lý khi không biết xử lý ở đâu, xử lý như thế nào. Do đó, cần có các phương tiện để giám sát tiếng ồn như đồng hồ đo cường độ tiếng ồn đặt công khai ở các khu vực công cộng để có căn cứ xử phạt vi phạm, thực hiện có hiệu quả việc đẩy lùi vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn đô thị hiện nay.

Bài, ảnh: Nguyễn Đạt

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/canh-bao-o-nhiem-tieng-on-119571.html