Cảnh báo rắn lục đuôi đỏ cắn người vào mùa mưa
Mới đây, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Long An cho biết đơn vị vừa tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân T.V.T., 54 tuổi, trú tại huyện Đức Huệ, tỉnh Long An bị rắn lục đuôi đỏ cắn.
Theo lời bệnh nhân kể lại, trong lúc đang làm ruộng thì bị rắn cắn, bệnh nhân đã đập rắn chết và mang đến bệnh viện trong 1,5 giờ sau đó. Khi đến Khoa Cấp cứu, tay bệnh nhân bị sưng nề từ ngón nơi bị cắn lan qua khớp khuỷu đến phần cánh tay.
Qua thăm khám, bác sĩ nhận định bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn, ngay lập tức bệnh nhân được tiêm huyết thanh kháng nọc và được theo dõi rối loạn đông máu, rối loạn điện giải, tổn thương gan thận cấp.
Hiện tại, tình trạng của bệnh nhân đã ổn định và được chuyển lên Khoa Nội tim mạch để theo dõi các chỉ số cũng như tình trạng vết thương rắn cắn. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân đã có thể xuất viện về nhà.
Theo các bác sĩ, bệnh nhân phục hồi tốt là do được đưa đến bệnh viện kịp thời, không chủ quan. Người bệnh sau khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, vài phút sau sẽ biểu hiện sưng nề lan nhanh và có thể chảy máu không cầm nơi bị cắn.
Sau khoảng 6 giờ bị rắn cắn, phần sưng nề có thể lan rộng đến gốc chi dẫn đến toàn chi sưng to, tím tái, xuất huyết dưới da, xuất huyết trong cơ... Nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời thì người bệnh sẽ sớm bị rối loạn đông máu, xuất huyết nặng và có thể dẫn đến tử vong.
Hiện nay, đang bước vào mùa mưa, mùa của các loài rắn sinh sôi, phát triển nên số trường hợp bệnh nhân nhập viện vì loài rắn này cắn ngày càng nhiều.
Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần phải thận trọng, có bảo hộ lao động trong quá trình sản xuất, nên thường xuyên phát quang bụi rậm, giữ vệ sinh nhà cửa, lu nước không cho rắn trú ngụ. Nếu bị rắn cắn cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất, tuyệt đối không đắp thuốc lên vết cắn hoặc rạch vết cắn để lấy nọc vì có thể nguy hiểm đến tính mạng.