Cảnh báo rủi ro khi tham gia hợp đồng hợp tác đầu tư, kinh doanh

Những ngày gần đây, thông tin về Công ty Bất động sản Nhật Nam chính thức 'vỡ trận' đã khiến 'giới đầu tư' vào công ty này hoảng loạn. Thực tế, hoạt động đầu tư theo hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp tác đầu tư này đã được truyền thông và các cơ quan chức năng, cơ quan Nhà nước cảnh báo từ sớm. Tuy nhiên, nhiều người vẫn âm thầm 'rỉ tai' nhau, rủ người thân, bạn bè tham gia và nhận về những cái kết 'đắng'.

Công ty CP Tập đoàn Capel sau nhiều lần hứa hẹn vẫn không chi trả gốc và lãi cho nhà đầu tư (nguồn: facebook)

Với vụ việc cụ thể về Nhật Nam, các phương tiện truyền thông đã liên tục cảnh báo từ vài năm gần đây khi phát hiện những dấu hiệu huy động vốn bất thường, trả lãi suất “khủng” lên tới khoảng 46%, thậm chí tới 70% hay 80%/năm cùng nhiều quà tặng có giá trị. Tuy nhiên, hàng nghìn người dân vẫn u mê “rót” số tiền từ vài trăm triệu tới hàng tỷ đồng vào công ty này. Từ tháng 8-2022, công ty này đã ngừng trả cả lãi lẫn gốc và hàng nghìn nhà đầu tư khắp cả nước đang lâm vào tình thế “mất trắng” toàn bộ số tiền đã đầu tư.

Tại Thanh Hóa, số người tham gia đầu tư vào công ty này cũng không ít. Tuy không có con số thống kê đầy đủ do tâm lý nhiều người thường giấu gia đình, người thân để tham gia nên không trình báo cơ quan chức năng khi sự việc xảy ra; nhưng theo nguồn tin từ các hội nhóm, cũng có hàng trăm người dân trên địa bàn tỉnh đã đầu tư vào doanh nghiệp này. Điển hình như chị L.T.H. trú tại xã Thanh Sơn (thị xã Nghi Sơn) chia sẻ: “Theo giới thiệu của người thân, tôi tham gia với số tiền 100 triệu đồng và được hoàn cả gốc, lãi hàng ngày là 400.000 đồng. Tuy nhiên, mới nhận đều được hơn 1 tháng thì công ty dừng chi trả. Số tiền này coi như tôi bị mất gần như hoàn toàn”.

Không chỉ riêng Công ty Bất động sản Nhật Nam, một số người dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn đang tham gia hợp tác kinh doanh với mô hình tương tự với Công ty CP Truyền thông và Tổ chức sự kiện Tâm Lộc Phát (Tâm Lộc Phát), Công ty CP Tập đoàn Capel... Các công ty này có điểm chung là hứa phân chia lợi nhuận gồm cả gốc và lãi theo ngày cho nhà đầu tư. Điển hình như Tâm Lộc Phát trả lãi tới 44%; Công ty CP Tập đoàn Capel trả lãi tới 100%...

Thực tế, để tạo niềm tin khi huy động nhà đầu tư, các công ty này đều “vẽ” lên những hệ thống kinh doanh bài bản với tài sản “khủng”. Điển hình như Tâm Lộc Phát đã xây dựng được nhiều cơ sở kinh doanh trên cả nước với kinh doanh chuỗi caffe/nhà hàng nghệ sĩ, hệ thống gian hàng tiện ích, quảng bá sản phẩm cho doanh nghiệp, truyền thông và tổ chức sự kiện, kênh truyền hình và báo điện tử, bất động sản... Đồng thời, công ty này đã thành lập hệ thống các văn phòng giao dịch trên nhiều tỉnh, thành khắp cả nước nhằm thuận tiện giao dịch hơn cho nhà đầu tư và quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội, website của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo các số liệu của cơ quan chức năng thì thực tế hoạt động của các doanh nghiệp này phát sinh rất ít doanh thu hoặc ghi nhận lỗ.

Với Nhật Nam 3 năm trở lại đây, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thấp và không đóng thuế. Thậm chí mới đây, doanh nghiệp này vẫn còn nợ 66 triệu đồng tiền thuế chưa đóng, nhưng đã bỏ địa chỉ kinh doanh và bị Cục Thuế TP Hồ Chí Minh phong tỏa hóa đơn.

Tâm Lộc Phát quảng cáo có nhiều lĩnh vực kinh doanh nhưng thực tế báo cáo tài chính thể hiện phát sinh doanh thu thấp.

Tâm Lộc Phát cũng ở tình trạng tương tự. Năm tài chính 2022, Tâm Lộc Phát chỉ phát sinh doanh thu 467,5 triệu đồng. Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp lại cao bất thường gấp 2 lần doanh thu ở mức 1,03 tỷ đồng, dẫn tới công ty này lỗ 565,7 triệu đồng. Xét về góc độ tài sản của Tâm Lộc Phát trong năm tài chính 2022, tiền và các khoản tương đương tiền vẫn là thành phần chủ yếu trong 24,49 tỷ đồng tổng tài sản của công ty với tỷ lệ 84,7%, tương đương 20,75 tỷ đồng. Đáng chú ý, báo cáo tài chính của 3 năm 2020-2022, tài sản dài hạn của công ty này đều là con số 0 tròn trĩnh, trong khi ngành nghề kinh doanh được mở rộng rất đa dạng.

Câu hỏi đặt ra là số tiền hàng nghìn tỷ đồng công ty này đã nhận của nhà đầu tư đã đi đâu, được ghi nhận ở báo cáo nào? Có minh bạch hay không và nhà đầu tư có biết tiền của mình được quản lý, đầu tư như thế nào không? Thực tế vấn đề này đã được các chuyên gia, luật sư cảnh báo là “bóng dáng” vòng xoáy tài chính đa cấp. Thế nhưng, nhiều nhà đầu tư vẫn dễ dàng bị thao túng tâm lý và vẫn đang tiếp tục “xuống tiền”.

Theo Điều 504 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng hợp tác như sau: Hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.Tại Điều 507 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền, nghĩa vụ của thành viên hợp tác như sau: Được hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ hoạt động hợp tác; tham gia quyết định các vấn đề liên quan đến thực hiện hợp đồng hợp tác, giám sát hoạt động hợp tác.Như vậy, ngoài việc “lợi cùng hưởng”, “rủi cùng chịu”, nhà đầu tư có quyền được giám sát các hoạt động đầu tư nơi góp vốn.

Tùng Lâm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/phap-luat/canh-bao-rui-ro-khi-tham-gia-hop-dong-hop-tac-dau-tu-kinh-doanh/194536.htm