Cảnh báo rủi ro từ tên lửa siêu thanh Trung Quốc
Báo South China Morning Post (SCMP) hôm 23-8 dẫn nguồn tin mật cho biết tên lửa siêu thanh DF-17 đang được Trung Quốc phát triển là một mối đe dọa đối với sự ổn định trong khu vực.
Theo nguồn tin từ Tập đoàn khoa học và công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASIC), tên lửa đạn đạo tầm trung DF-17 đang được phát triển sẽ bay với vận tốc siêu thanh và có quỹ đạo bay khó đoán, khiến việc đánh chặn trở nên khó khăn hơn.
"Ngoài ra, DF-17 còn có thể mang theo cả đầu đạn hạt nhân lẫn đầu đạn thông thường. Hiện tại, có 2 tổ chức thuộc CASIC đang cạnh tranh để phát triển những tính năng tiên tiến này" – báo SCMP dẫn nguồn tin mật cho biết.
Theo đánh giá của tình báo Mỹ, DF-17 dự kiến đi vào giai đoạn hoạt động ban đầu vào năm 2020. Ngoài Trung Quốc, Mỹ và Nga cũng đang phát triển công nghệ tên lửa siêu thanh tương tự DF-17.
Ông Adam Ni, một nhà nghiên cứu quân sự tại Trường ĐH Macquarie ở Sydney, nói rằng việc phát triển DF-17 có thể nâng cao năng lực hạt nhân của Trung Quốc, bởi tên lửa này có khả năng xuyên phá các hệ thống phòng không hiện hành của Mỹ.
"Cuộc đua phát triển những tên lửa như DF-17 là một mối đe dọa đối với sự ổn định trong khu vực vì vũ khí siêu thanh rút ngắn thời gian phản ứng của đối phương xuống chỉ còn vài phút, buộc các nhà lãnh đạo phải ra quyết định nhanh chóng và điều này có thể để lại nhiều hậu quả thảm khốc" – ông Ni giải thích.
Theo SCMP, Trung Quốc đã tiến hành 2 vụ thử nghiệm DF-17 vào tháng 11-2017; vụ phóng đầu tiên được thực hiện tại Trung tâm phóng vệ tinh Jiuquan ở Nội Mông và tên lửa bay được khoảng 1.400 km.
Trong khi đó, Lầu Năm Góc hồi đầu tuần xác nhận quân đội Mỹ đã phóng một tên lửa bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách hơn 500 km. Đây là vụ thử nghiệm đầu tiên loại tên lửa này kể từ khi Mỹ rời khỏi Hiệp ước Lực lượng tên lửa tầm trung (INF) hôm 2-8.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm 21-8 khẳng định mục tiêu của vụ phóng này là đảm bảo Mỹ đủ năng lực ngăn chặn "hành vi xấu của Trung Quốc".