Cảnh báo sớm giúp hàng Việt ứng phó hiệu quả phòng vệ thương mại
Hàng hóa xuất khẩu (XK) của Việt Nam đang chịu áp lực gia tăng từ các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM). Đáng chú ý, các cuộc điều tra ngày càng mở rộng, không chỉ nhắm vào những mặt hàng truyền thống mà còn nhắm tới cả những sản phẩm ít hoặc chưa từng bị điều tra.
Thêm vào đó, nhiều thị trường mới và quốc gia đang phát triển như Nam Phi, Ai Cập, Brazil... cũng bắt đầu tăng cường điều tra với hàng Việt, tạo nên những thách thức mới cho doanh nghiệp (DN) XK.
Theo số liệu từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), trong 5 tháng đầu năm 2025, hàng hóa XK của Việt Nam đã phải đối mặt với 9 vụ điều tra PVTM mới được khởi xướng từ 8 thị trường khác nhau. Trong đó, có 7 vụ liên quan đến điều tra chống bán phá giá và 2 vụ điều tra tự vệ. Song song đó, Cục vẫn đang tiếp tục xử lý 33 vụ việc phát sinh từ năm 2024, cùng với nhiều vụ việc rà soát liên quan đến thuế PVTM. Ngoài ra, một số mặt hàng XK đã bị nộp hồ sơ đề nghị điều tra, dù chưa chính thức bị khởi xướng.
Các mặt hàng bị điều tra ngày càng đa dạng, bao gồm cả các sản phẩm truyền thống như thép, xi măng, sợi, cho đến những mặt hàng ít hoặc chưa từng bị điều tra như giấy gợn sóng, vỏ viên nhộng cứng, sơ mi rơ moóc... Đáng chú ý, các quốc gia đang phát triển và thị trường mới như Nam Phi, Ai Cập, Brazil vốn trước đây ít tiến hành điều tra PVTM với Việt Nam, nay cũng gia tăng các vụ việc, tạo thêm áp lực cho hoạt động XK.
Các chuyên gia nhận định, xu hướng bảo hộ thương mại toàn cầu ngày càng trở nên đa dạng và phức tạp hơn. Nhiều đối tác thương mại lớn của Việt Nam, đặc biệt là Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) liên tục đưa ra các tiêu chuẩn và quy định mới đối với hàng hóa nhập khẩu. Đồng thời, nhiều thị trường khác cũng gia tăng các biện pháp điều tra và áp dụng PVTM đối với hàng XK của Việt Nam.

Cảnh báo sớm giúp doanh nghiệp giảm thiểu các rủi ro từ thị trường.
Theo Cục Phòng vệ thương mại, không chỉ số lượng vụ điều tra tăng lên mà yêu cầu kỹ thuật trong các vụ việc cũng ngày càng phức tạp. Một số quốc gia như Canada đã đưa yếu tố "kinh tế thị trường" vào quá trình điều tra, trong khi Mexico và Brazil áp dụng phương pháp tính biên độ phá giá bằng cách sử dụng giá trị thay thế từ nước thứ ba. Điều này dẫn đến việc mức thuế chống bán phá giá áp dụng cho hàng hóa Việt Nam thường cao hơn thực tế, không phản ánh đúng chi phí và hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, Hiệp hội và cộng đồng DN thủy sản đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Cục PVTM trong các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp. Qua đó, góp phần giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh và duy trì thị phần XK. Để tiếp tục hỗ trợ DN XK đối phó với rủi ro PVTM, ông Nam đề xuất Cục Phòng vệ thương mại cần tăng cường cảnh báo sớm về các nguy cơ bị điều tra, nhằm giúp DN chủ động chuẩn bị, ứng phó hiệu quả và đạt kết quả tích cực trong các vụ việc liên quan.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, năm 2025, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực, không chỉ do những biến động khó lường mà còn xuất hiện những yếu tố bất thường. Do đó, việc đặt ra các mục tiêu tăng trưởng cụ thể, nhất là với lĩnh vực xuất nhập khẩu, là rất cần thiết để tạo đột phá. Trong bối cảnh đó, việc nâng cao hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm cần được thực hiện theo hướng phân tầng thông tin. Nếu không chủ động sẽ khó đáp ứng được kỳ vọng của DN và các hiệp hội ngành hàng. Đồng thời, cần tránh tình trạng dự báo không nhất quán với tiêu chí, nhu cầu thực tế của DN, gây thiếu đồng bộ trong triển khai.
Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, hệ thống cảnh báo sớm đã được thiết lập và vận hành nhằm theo dõi, thu thập, phân tích dữ liệu liên quan đến các mặt hàng XK của Việt Nam có nguy cơ bị áp dụng các biện pháp PVTM.
Hệ thống hiện đang khai thác dữ liệu từ nhiều nguồn, bao gồm số liệu XK và thông tin từ hơn 60 thương vụ Việt Nam tại các thị trường lớn trên thế giới. Qua đó, có thể nhận diện sớm các dấu hiệu xung đột thương mại hoặc khả năng bị điều tra PVTM như chống bán phá giá, chống trợ cấp, hay tự vệ. Đặc biệt, hệ thống đang theo dõi sát sao hàng trăm mặt hàng XK sang các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, EU, Canada, Ấn Độ, Australia và một số nước Đông Nam Á.
Qua phân tích, gần 300 mặt hàng có nguy cơ cao đã được đưa vào danh sách cảnh báo, giúp DN chủ động trong điều chỉnh sản xuất và chiến lược XK. Đây là công cụ quan trọng giúp DN chuẩn bị từ sớm, giảm thiểu rủi ro và tránh bị động khi xảy ra điều tra. Song song, công tác tuyên truyền, tập huấn và tư vấn pháp lý cũng được tăng cường tại các địa phương, hỗ trợ DN, đặc biệt là khối DN nhỏ và vừa chủ động thích ứng.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng chính sách hỗ trợ thiết thực, bảo vệ ngành sản xuất trong nước và tạo điều kiện cho DN vững vàng mở rộng XK giữa áp lực PVTM ngày càng lớn", ông Trung khẳng định.
Ông Trung cũng khuyến nghị DN cần chủ động nâng cao năng lực, minh bạch nguồn gốc xuất xứ, cải tiến chất lượng và xây dựng chiến lược XK dài hạn. Các hiệp hội ngành hàng cần đóng vai trò kết nối, cảnh báo sớm và đại diện tiếng nói chung cho cộng đồng DN khi có rủi ro phát sinh. Cục PVTM sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống cảnh báo sớm, tăng cường phối hợp với các cơ quan trong và ngoài nước, cùng các thương vụ Việt Nam hỗ trợ DN tiếp cận thông tin thị trường và kịp thời ứng phó với các biện pháp PVTM từ nước ngoài.