Cảnh báo sự suy đồi về đạo đức

Chỉ vì một chút lợi ích vật chất trước mắt, họ sẵn sàng có những hành động trái với luân thường đạo lý, phá vỡ những giềng mối, chà đạp lên các giá trị đạo đức có từ ngàn đời của dân tộc...

Bà Huỳnh Thị Thanh vẫn luôn miệng... kêu oan khi bị khởi tố.

Bà Huỳnh Thị Thanh vẫn luôn miệng... kêu oan khi bị khởi tố.

Câu chuyện thứ nhất, ngày 12-9-2024, Cơ quan CSĐT Công an quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) thực hiện lệnh bắt để tạm giam đối với vợ chồng ông Nguyễn Văn Ba (1967) và bà Huỳnh Thị Thanh (1966, trú P. Hòa Hải, Q. Ngũ Hành Sơn) để điều tra về hành vi: “Xâm phạm chỗ ở của người khác”. Việc vợ chồng ông Ba- bà Thanh bị bắt tạm giam là kết quả của chuỗi những hành vi trái luân thường đạo lý và xem thường pháp luật diễn ra trong thời gian dài.

Sự việc bắt đầu từ năm 2010, lợi dụng việc bà Phạm Thị Trơn (1949, mẹ ruột ông Ba) không biết chữ, Nguyễn Văn Ba có hành vi lập hợp đồng tặng cho, sử dụng thủ đoạn giả chữ ký để cơ quan chức năng chuyển toàn bộ nhà, đất có diện tích 201,2m2 do bà Trơn đứng tên chủ sở hữu sang tên của mình. Khi sự việc bị phát giác, với sự vào cuộc của Tòa án các cấp, mọi việc đã được phân định trắng đen rõ ràng song một lần nữa vợ chồng ông Ba vẫn cố tình tìm mọi cách để từ chối nghĩa vụ thi hành án và nung nấu âm mưu chiếm đất và nhà của mẹ ruột.

Sau khi cho người khác thuê ngôi nhà của mình tại tổ 9 (P. Hòa Hải), năm 2022, lợi dụng lúc bà Trơn đi chữa bệnh, vợ chồng ông Ba đập khóa, dọn đồ đạc đến chiếm ngôi nhà để ở. Tán tận hơn, khi bà Trơn trở về, vợ chồng Ba tìm mọi cách xua đuổi. Trong những ngày giỗ, Tết, khi bà Trơn về nhà thắp nén hương cho ông bà, vợ chồng Ba có hành vi gây gổ, thậm chí còn đánh đập gây thương tích. Bởi vậy, 2 năm qua, bà Trơn trở thành người vô gia cư, phải nhờ đến sự cưu mang của những người không cùng dòng máu. Và, cũng chừng ấy thời gian các cơ quan chức năng từ phường đến quận Ngũ Hành Sơn phải “vào cuộc” để tuyên truyền, vận động. Nhiều cuộc họp đã diễn ra nhưng đều bất thành…

Câu chuyện thứ hai, đầu tháng 8-2024, bà Lê Thị Lài (1945) cùng Lương Thị Xuân (1966), Lương Thị Phương (1969, cùng trú thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam) gửi đơn kêu cứu khẩn cấp đến các cơ quan chức năng. Theo trình bày của bà Lài, trước đây gia đình có cho vợ chồng người con trai tên L.V 500m2 đất làm nhà ở. Do làm ăn thua lỗ, năm 2021, vợ chồng V. bán nhà trả nợ rồi dọn đồ đạc về ở chung với vợ chồng bà Lài. Trong quá trình sống chung, vợ chồng V. có mượn của cha mẹ 250 triệu đồng làm vốn kinh doanh song chẳng chịu trả. Khi nhắc đến món nợ này, vợ chồng V. thường xuyên chửi bới, hăm dọa, thậm chí có lần bà Lài đang ngồi ăn cơm, V. có hành động lật bàn, đuổi đi nơi khác.

Bà Lương Thị Xuân bị em trai (ông L.V) đánh gãy cẳng chân.

Bà Lương Thị Xuân bị em trai (ông L.V) đánh gãy cẳng chân.

Năm 2024, vợ chồng V. buộc vợ chồng bà Lài ký tên vào một văn bản có nội dung: giao đất cùng các tài sản khác cho vợ chồng V. đứng tên chủ sở hữu. Do không được cha mẹ đồng ý chuyển giao tài sản nên vợ chồng L.V. có những lời nói, cử chỉ xúc phạm. Đỉnh điểm, ngày 17-5-2024, T.T.V. (vợ L.V) có hành động gây thương tích cho mẹ chồng đến mức phải nhập viện cấp cứu. Ngoài ra, L.V. còn vô cớ có hành vi đánh chị ruột là bà LươngThị Xuân gãy cẳng chân phải, chấn thương vùng đỉnh đầu. Ngoài ra, L.V. còn lôi kéo một số kẻ xấu khác có hành vi hăm dọa, gây thương tích và hủy hoại tài sản của một số anh chị em trong gia đình… Ngày 11-9-2024, Thượng tá Trần Đình Vũ - Phó trưởng Công an huyện Duy Xuyên, cho biết: vụ việc đang được CAH Duy Xuyên tiến hành điều tra, xử lý theo quy định.

Đây chỉ là hai trong hàng trăm câu chuyện bạo lực gia đình đã và đang xảy ra. Điều đó, cho thấy vì một chút lợi trước mắt mà một số ít người tự đánh mất đi những giềng mối, nền tảng đạo đức của cha ông để lại. Và, đã đến lúc pháp luật cần có những biện pháp cứng rắn hơn để giáo dục, răn đe.

M.T

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/canh-bao-su-suy-doi-ve-dao-duc-post301230.html