Cảnh báo sức khỏe được đưa ra do nắng nóng gay gắt trên toàn cầu
Hôm thứ Ba (18/7), Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã cảnh báo về nguy cơ tử vong gia tăng do thời tiết khắc nghiệt trên toàn cầu, trong đó có các đợt nắng nóng gay gắt trên khắp châu Âu, châu Á và phần lớn nước Mỹ.
Thời tiết cực đoan ở mọi nơi
Trên khắp nước Mỹ, người dân phải vật lộn với một loạt thời tiết khắc nghiệt, từ cái nóng như thiêu đốt đến không khí ngạt khói do cháy rừng và cảnh báo lũ lụt, cũng như bởi một cơn bão nhiệt đới đang tiến vào đảo Hawaii ở Thái Bình Dương vào cuối ngày thứ Ba.
Thành phố Arizona ở phía Tây Nam Phoenix hôm thứ Ba đã ghi nhận ngày thứ 19 liên tiếp nhiệt độ vượt quá 43 độ C, phá vỡ kỷ lục 18 ngày mọi thời đại của thành phố này. "Giống như bạn mở cửa lò nướng", cư dân Bhagoji than vãn về điều kiện thời tiết cực đoan này.
Với nhiệt độ nóng như thiêu đốt tấn công châu Âu trong mùa du lịch hè cao điểm, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết đợt nắng nóng ở Bắc bán cầu sẽ tăng cường. Ước tính có khoảng 61.000 người có thể đã chết trong đợt nắng nóng năm ngoái chỉ riêng ở châu Âu.
Trung tâm điều phối ứng phó khẩn cấp của EU đã đưa ra cảnh báo đỏ về nhiệt độ cao đối với hầu hết nước Ý, Đông Bắc Tây Ban Nha, Croatia, Serbia, miền Nam Bosnia & Herzegovina và Montenegro.
Đảo Sardinia ở Địa Trung Hải đạt 44 độ C và Rome đã lên tới 40 độ C vào thứ Ba, khi Bộ Y tế Ý phải đưa ra cảnh báo thời tiết đỏ cho 20 trong số 27 thành phố chính của đất nước, với con số dự kiến sẽ tăng lên 23 vào thứ Tư.
Nắng nóng đã khiến một số du khách phải về nhà sớm. Anita Elshoy và chồng trở về Na Uy từ điểm nghỉ dưỡng ở Vasanello, một ngôi làng phía Bắc Rome, sớm hơn dự định một tuần. "Tôi rất đau ở đầu, chân và các ngón tay sưng lên và tôi ngày càng chóng mặt hơn", Elshoy nói về các triệu chứng liên quan đến nhiệt độ cao của mình.
Tại Hy Lạp, nhà chức trách yêu cầu người dân gần đám cháy rừng ở Dervenochoria, phía Bắc Athens, đóng cửa ra vào và cửa sổ khi khói đến gần. Đứng trong ngôi nhà cháy rụi ở Ano Lagonissi, Giorgos Nikolau, 89 tuổi, mô tả cách ông chạy trốn khỏi đám cháy chỉ với chiếc quần bơi và chiếc áo sơ mi đang mặc.
Tình trạng khẩn cấp
Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo rằng biến đổi khí hậu, gây ra bởi khí thải nhà kính chủ yếu từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, sẽ khiến các đợt nắng nóng xảy ra thường xuyên hơn, nghiêm trọng hơn và gây chết người nhiều hơn. Họ nói rằng các chính phủ cần phải giảm mạnh lượng khí thải để ngăn chặn thảm họa khí hậu.
Các đợt nắng nóng vào mùa hè này, với nhiệt độ lên tới 53 độ C ở Thung lũng Chết của California và hơn 52 độ C ở phía Tây Bắc Trung Quốc, xảy ra đồng thời với các vụ cháy rừng từ Hy Lạp đến dãy núi Alps của Thụy Sĩ và lũ lụt chết người ở Ấn Độ và Hàn Quốc.
Chúng đã tăng thêm tính cấp bách mới cho các cuộc đàm phán khí hậu trong tuần này giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nước gây ô nhiễm khí nhà kính hàng đầu thế giới.
Đặc phái viên về khí hậu John Kerry của Mỹ đã gặp các quan chức Trung Quốc tại Bắc Kinh và bày tỏ hy vọng rằng sự hợp tác về khí hậu có thể xoa dịu mối quan hệ đang căng thẳng giữa hai cường quốc.
Giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới, Hans Henri P Kluge, cho biết thế giới phải nhìn về phía trước, đồng thời phải thích nghi với "thực tế mới" của sóng nhiệt giết người và thời tiết khắc nghiệt khác.
Kluge nói: “Có một nhu cầu khẩn cấp và tuyệt vọng đối với hành động toàn cầu và khu vực để giải quyết hậu quả cuộc khủng hoảng khí hậu, vốn đang là mối đe dọa hiện hữu đối với loài người”.
Bùi Huy (theo Reuters)