Cảnh báo tai nạn do pháo nổ
Hơn 1 tháng trở lại đây, Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu do tai nạn pháo nổ, trong đó có bệnh nhân được đưa đến cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương. Hầu hết các trường hợp bị thương tích là do tự chế pháo và đốt pháo.
Đa chấn thương vì pháo tự chế
Hơn 1 tháng qua, trung bình mỗi ngày, Khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện Nhi tỉnh) tiếp nhận từ 2 đến 3 trường hợp do tai nạn pháo nổ, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Bác sĩ điều trị Khoa Ngoại tổng hợp Nguyễn Quang Khôi thông tin: Hầu hết đối tượng bị tai nạn pháo nổ là học sinh bậc THCS. Đa số các em nhập viện với vết thương bàn tay, cá biệt có trường hợp dập nát bàn tay buộc phải cắt bỏ. Một số em khác thì gãy tay, chân, phỏng, có trường hợp phỏng nặng toàn thân phải chuyển tuyến trên điều trị.
Theo bác sĩ Khôi, các vết thương do tai nạn pháo nổ ảnh hưởng đến chức năng bàn tay hoặc chân và sẽ để lại di chứng cả đời, ảnh hưởng đến quá trình học tập và sinh hoạt. Mặc dù ngành chức năng đã cảnh báo nhưng vẫn có nhiều trường hợp bị thương do tai nạn pháo nổ. Các tai nạn do pháo nổ tăng cao, nhất là dịp cận Tết.
Nhập viện điều trị tại Khoa Ngoại tổng hợp do pháo nổ tổn thương 2 bàn tay, em H.N.N. (lớp 8, trú tại thôn Tây Hồ, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông) cho biết: Sau khi đọc thông tin trên mạng internet, cháu cùng với 2 người bạn đặt mua nguyên liệu và chế tạo pháo. Trong quá trình làm thì pháo phát nổ khiến cả 3 bị thương phải nhập viện cấp cứu.
Khi vào đây, cháu thấy mình còn may mắn vì có trường hợp phải tháo cả bàn tay vì tai nạn pháo. Sau việc này, cháu rất hối hận và hứa sẽ không làm chuyện dại dột nữa.
Chăm sóc con trai nằm viện điều trị do tai nạn pháo nổ, anh Nguyễn Trung Thông (làng Doch Ia Krót, xã Ia Krái, huyện Ia Grai) chia sẻ: Ngày 1-1-2025, con trai tôi có đi chơi cùng các bạn trong làng và sau đó thì xảy ra tai nạn pháo nổ.
Nhóm bạn của con tôi gồm 4 cháu đều bị thương, trong đó, 3 cháu bị thương nhẹ, còn con trai tôi bị nặng nhất, chấn thương tay và gãy xương đùi chân trái. Hiện cháu đã được phẫu thuật. Gia đình đang lo thủ tục để chuyển cháu lên tuyến trên tiếp tục điều trị.
Tăng cường giáo dục, cảnh báo
Lớp trẻ ngày nay thuận lợi trong việc tiếp cận mạng xã hội, qua đó tiếp thu nhiều kiến thức bổ ích cho việc học. Tuy nhiên, bên cạnh đó, lớp trẻ cũng tiếp cận nhiều trào lưu độc hại, trong đó có việc chế tạo pháo. Việc đặt mua các nguyên liệu chế tạo pháo dễ dàng qua mua sắm trực tuyến càng làm gia tăng các tai nạn thương tâm do chế tạo pháo.
Chị Trần Thị Mùi (làng Doch Ia Krót) cho biết: “Con trai tôi cùng một số bạn nữa bị thương do tai nạn pháo nổ. Gia đình đưa cháu đến Bệnh viện Nhi tỉnh để điều trị. Nghe cháu kể lại thì tai nạn xảy ra do các cháu chế tạo pháo gây nổ. Cách chế tạo pháo thì các cháu xem trên mạng xã hội và làm theo. May mắn là cháu chỉ bị chấn thương phần mềm và bị phỏng phần lưng và tay. Đây cũng là bài học để sau này các cháu không làm những hành động dại dột như trên”.
Để đề phòng tai nạn do pháo nổ, bác sĩ Khôi khuyến cáo: Nhà trường, gia đình cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục giúp trẻ em nâng cao nhận thức, không tiếp cận và làm theo các trào lưu độc hại trên mạng xã hội, không chế tạo pháo. Trong trường hợp phát hiện tai nạn pháo nổ, gia đình cần nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi hiện trường, sơ cứu kịp thời và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/canh-bao-tai-nan-do-phao-no-post307685.html