Cảnh báo tai nạn đuối nước ở trẻ em gia tăng trong dịp hè
Mới bước vào đầu hè nhưng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra nhiều tai nạn đuối nước thương tâm, nạn nhân thường là trẻ nhỏ. Thực trạng này cảnh báo về công tác quản lý học sinh, trẻ em từ gia đình, nhà trường và xã hội.
Liên tiếp xảy ra các vụ tử vong do đuối nước
Sáng 20/5, trong lúc người lớn không để ý, cháu Hồ Sỹ C (4 tuổi) và cháu Lê Thạc Q (3 tuổi) ở phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai tự ý mở cổng đi ra ngoài chơi và bị đuối nước ở ao gần nhà. Phát hiện sự việc, người nhà và hàng xóm đã đưa hai cháu đến cơ sở y tế cấp cứu nhưng hai cháu đã tử vong từ trước.
Đã gần một tháng trôi qua nhưng gia đình anh Hồ Văn Nam ở xóm 2, xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu vẫn chưa nguôi ngoai nỗi đau mất con. Theo lãnh đạo xã Quỳnh Mỹ, ngày 2/5, con trai 8 tuổi của anh Nam cùng gia đình đến nhà họ hàng dự đám cưới. Trong lúc vui chơi thì quả bóng rơi xuống ao, cháu nhảy xuống lấy thì bị đuối nước. Đây là con thứ 2 của anh Nam mất vì đuối nước.
Tại huyện Quỳnh Lưu, chỉ trong vòng 10 ngày trước và sau dịp nghỉ lễ 30/4, đã có đến 4 trẻ em bị đuối nước. Trong số đó, 3 trường hợp đã có anh, hoặc chị mất vì đuối nước. Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, từ năm 2019 đến ngày 30/4/2021, toàn tỉnh có 120 vụ trẻ em đuối nước, làm 134 em tử vong. Riêng từ đầu năm 2021 đến giữa tháng 5 đã có 18 vụ với 20 trẻ tử vong. Hầu hết các vụ đuối nước xảy ra vào thời điểm học sinh bắt đầu nghỉ hè.
Tại một cuộc hội thảo được tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long cho rằng trong bối cảnh học sinh ngừng đến trường do dịch COVID-19, nguy cơ tai nạn đuối nước rất cao. Trong khi đó, ở một số địa phương công tác tuyên truyền về phòng, chống đuối nước ở trẻ em chưa liên tục, nhất là các địa phương vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Hầu hết các trường học đã triển khai dạy bơi và phương pháp sơ cứu cho người bị đuối nước nhưng cơ bản vẫn là lý thuyết, thiếu thực hành do ít bể bơi.
Bên cạnh đó, một số gia đình, người chăm sóc trẻ và bản thân trẻ em, học sinh thiếu kiến thức, kỹ năng và tuân thủ các quy định về bảo vệ trẻ em, nhất là trong môi trường nước. Công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện các nguy cơ về tai nạn thương tích đuối nước ở trẻ em chưa thường xuyên.
Cần nhân rộng mô hình dạy bơi
Trong khi tình trạng đuối nước ở trẻ em vẫn tái diễn thì việc triển khai các giải pháp phòng tránh đang được chính quyền địa phương, các ban, ngành nỗ lực thực hiện. Trong đó, giải pháp thiết thực nhất vẫn là cần sớm nhân rộng các mô hình dạy bơi trong nhà trường và cộng đồng dân cư.
Tại thành phố Vinh, trường Trung học Phổ thông Nguyễn Trường Tộ cũng là trường phổ thông đầu tiên đưa môn bơi lội trở thành môn thể dục chính khóa. Đây là sự nỗ lực rất lớn của một ngôi trường ngoài công lập đối với sự an toàn của học sinh và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo phụ huynh học sinh. “Ngay cả những học sinh biết bơi có thể vẫn xảy ra đuối nước. Bởi vậy ngoài dạy cho các em biết bơi, chúng tôi còn trang bị cho các em một số kỹ năng khác như kỹ năng phòng, chống chuột rút, thả lỏng người khi gặp sự cố hoặc cách cứu đuối nước”, thầy Hồ Văn Hoàn – giáo viên môn Giáo dục thể chất của trường khẳng định.
Tương tự tại Trường Trung học Cơ sở Tôn Quang Phiệt, huyện Diễn Châu – ngôi trường nằm trên địa bàn đặc thù có nhiều nguy cơ đuối nước đã mạnh dạn đưa môn bơi trở thành môn học tự chọn. Vấn đề khó nhất là kinh phí được nhà trường triển khai theo hình thức vận động, huy động sự đóng góp của phụ huynh học sinh. Thầy Phan Hồng Sơn - giáo viên dạy bơi của nhà trường chia sẻ rằng, chỉ cần từ 8 – 10 buổi là học sinh có thể bơi thành thạo. Bạn nào có năng khiếu thì có thể học nhanh hơn. Bên cạnh việc dậy bơi, chúng tôi còn dạy các em các kỹ năng phòng tránh đuối nước.
Còn tại xã Tào Sơn, huyện miền núi Anh Sơn, chính quyền xã đã phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức dạy bơi cho học sinh toàn xã. Để làm được điều này, xã kêu gọi sự hỗ trợ của người dân trên địa bàn đầu tư bể bơi di động để tổ chức dạy bơi cho học sinh trong dịp nghỉ hè.
Để phòng tránh đuối nước, những năm qua, giáo viên và học sinh trên địa bàn tỉnh đã sáng tạo ra những thiết bị cứu sinh hiệu quả. Đó là “Phao cứu sinh tiện lợi” của thầy và trò trường Trung học Cơ sở Đội Cung, thành phố Vinh. Phao làm từ những vật liệu rất dễ kiếm là may lại áo cũ, thêm dây buộc và sau đó bỏ chai nhựa vào. Sản phẩm này có thể ứng dụng trong cuộc sống, đặc biệt là cứu sinh trong lúc phải đi vào vùng có nguy cơ lũ, lụt, dùng cho tập bơi hoặc dùng cho đi du lịch, tắm biển…
Còn thầy và trò người dân tộc Thái của Trường Trung học Cơ sở Hương Tiến, xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương có sản phẩm “Ba lô chống đuối nước dành cho học sinh”. Sản phẩm này được thiết kế đơn giản, bề ngoài hoàn toàn giống ba lô đi học bình thường nhưng phía trong được thiết kế thêm các thiết bị vừa có chức năng cứu đuối, vừa có chức năng báo động. Khi người đeo ba lô bị rơi xuống nước, công tắc sẽ tự động đóng và còi sẽ báo động, âm thanh có thể kêu xa hơn 50m, giúp những người gần đó biết để đến ứng cứu kịp thời; đồng thời ba lô sẽ giúp người sử dụng chống chọi, kéo dài thời gian để chờ sự giúp đỡ từ người khác.
Để trẻ em có một mùa hè an toàn, tỉnh Nghệ An phát động phong trào toàn dân tập luyện môn bơi; phòng, chống đuối nước trẻ em đến từng thôn, xóm, bản; tăng cường công tác quản lý bể bơi, hoạt động dạy bơi cho trẻ em; tổ chức vận động các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn xây dựng bể bơi và dạy bơi...