Cảnh báo tai nạn lao động trên các công trình xây dựng
Chỉ một vài cây luồng, mấy tấm ván cốp pha, ít dây nhựa PVC (dây buộc giàn giáo), không bảo hộ lao động nhưng vì miếng cơm, manh áo những người thợ xây đang phải hàng ngày đánh cược sinh mạng của mình trên những công trình xây dựng. Không ít trường hợp do mất an toàn lao động, tai nạn xảy ra đã cướp đi sinh mạng của những người cha, người mẹ, người trai trẻ - là những trụ cột lao động chính kiếm thu nhập nuôi sống cả gia đình họ.
Người lao động trên các công trình xây dựng thường không đeo bảo hộ lao động khi làm việc trên cao.
“Hơn 1 năm phải nằm ở nhà để dưỡng thương, không kiếm được tiền nuôi sống bản thân và chăm lo cho con đi học, chị gần như rơi vào tuyệt vọng, nhưng may nhờ ông chủ thầu tốt bụng đã cho chị ứng tiền trước để trang trải cuộc sống” - đó là câu chuyện mà chị Phạm Thị Lương, ở phường Quảng Đông, TP Thanh Hóa kể với chúng tôi về nghề phụ hồ của mình.
Việc rơi từ tầng 3 trên một công trình xây dựng nhà dân cách đây hơn 1 năm đã trở thành nỗi ám ảnh trong suốt thời gian qua của chị. “Trong lúc đang đứng trên nóc tầng 2 kéo bì xi măng từ chiếc tời, chị trượt chân ngã rơi xuống tầng 1. Vụ tai nạn khiến chị bị gẫy chân phải, mặt mũi, tay chân bầm dập. Chị phải nằm nhà mấy tháng trời mới liền lại vết thương, nhưng vì sức khỏe yếu, lại bị tâm lý nên hôm nay mới đi làm để kiếm thu nhập trừ dần tiền của chủ thầu cho ứng trong thời gian qua” - chị Lương chia sẻ.
Kém may mắn hơn chị Lương, anh Lê Văn Thanh, phường Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa trong 1 lần đi làm thợ xây bị ngã từ giàn giáo trên tầng 3 xuống khiến cột sống bị dồn lại, làm anh liệt nửa người. Mặc dù đi hết các bệnh viện trong Nam, ngoài Bắc để chữa trị nhưng anh không thể thoát khỏi chiếc xe lăn. “Những năm qua, anh sống như đã chết, cuộc sống gắn chặt trên chiếc xe lăn. Vụ tai nạn lao động trong lúc đang trát ngôi nhà cao tầng đã cướp đi thời trai trẻ, tình yêu, lý tưởng và cuộc sống của anh. Giá như lúc ấy, anh đừng chủ quan, cẩn trọng đeo dây bảo hộ lao động thì cuộc đời anh không như ngày hôm nay” - anh Thanh trầm ngâm chia sẻ.
Anh Thanh lớn hơn tôi gần 10 tuổi, ở cùng làng tôi nhưng bao năm qua tôi đi học, công tác, xây dựng gia đình và sinh sống ở địa phương khác, nay gặp lại anh, nhìn anh gầy rộc, mặt mày hốc hác, nước da xanh xao ngồi lọt thỏm trong chiếc xe lăn với bộ quần áo rộng thùng thình làm tôi nhớ lại thời trai trẻ của anh. Anh là một trong những hình mẫu mà bao cô gái ước mơ được anh yêu, cưới về làm vợ, Bởi, anh đẹp trai, điềm đạm, cười rất duyên lại chăm chỉ, siêng năng. Vậy mà vụ tai nạn cướp đi cuộc sống tươi đẹp của anh. Sau vụ tai nạn, người yêu anh bỏ đi lấy chồng và rồi gia đình có mai mối cho anh một vài cô gái nhưng anh đều từ chối với lý do không muốn tạo gánh nặng cho người khác.
“Giờ mỗi lần nhìn thấy công trình xây dựng, thấy anh em thợ xây đánh cược tính mạng trên những giàn giáo nhà cao tầng anh lại thấy rùng mình. Gặp họ, anh chỉ biết khuyên họ đeo dây bảo hộ khi trèo lên cao. Nhưng tuổi trẻ mà, gần như họ bỏ ngoài tai” - anh Thanh cho biết.
Quả thực, sự chủ quan với chính sức khỏe, tính mạng của mình không chỉ của những người trẻ tuổi như anh Thanh nói mà những người có kinh nghiệm, lâu năm trong nghề cũng đang chủ quan trước sự rình rập của “tử thần”. Vừa “làm xiếc” trên giàn giáo có độ cao 18m, anh Lê Văn Hải, 52 tuổi ở huyện Quảng Xương vừa nói với đồng nghiệp bên cạnh: “Đứng cho vững vào không sang năm bằng nay là ngày giỗ đấy” - nói rồi anh tếu táo vui cho mọi người cùng cười, bớt căng thẳng khi trèo lên cao. Thấy thế tôi hỏi: “Chủ thầu có sắm thiết bị bảo hộ cho các anh không?”. “Có dây bảo hộ, nhưng đeo vào vướng, khó làm việc lắm nên gần như anh em không đeo” – anh trả lời.
Anh Phạm Văn Giáp, người có gần 20 năm làm chủ thầu xây dựng đứng bên cạnh cho biết thêm: “Mấy năm nay, thấy anh em đi theo mình làm việc toàn ở môi trường nguy hiểm, không an toàn lao động, đã có người chỉ vì sơ suất nhỏ mà ngã gãy tay, gãy chân nên năm ngoái anh đã bỏ ra hơn 10 triệu đồng mua một bộ ba lăng xích sắt, sử dụng ròng rọc kéo lên xuống. Ưu điểm của thiết bị này là độ an toàn cao, công việc hiệu quả vì không mất thời gian đóng giáo. Bên cạnh đó, anh cũng trang bị cho thợ cả thiết bị bảo hộ lao động như mũ, dây đeo an toàn, găng tay nhưng anh em chủ quan không đeo, bảo vướng, khó làm việc...”. Nói rồi, anh Giáp nhắc nhở: “Ngày mai, anh em nhớ lấy dây bảo hộ đeo vào, nếu sơ sẩy thì khổ vợ con”.
Không phải tốp thợ xây nào cũng được người chủ thầu dám “chịu chơi”, quan tâm tính mạng người lao động như anh Giáp. Mà qua quan sát trên các công trình xây dựng dân sinh, chúng tôi thấy gần như việc sử dụng luồng để đóng giáo thủ công vẫn đang còn rất nhiều. Nếu không có kỹ thuật, buộc dây giáo không chắc thì sơ sảy mất mạng như chơi.
Vụ tai nạn sập giàn giáo tại công trình xây dựng của nhà dân ở xã Đồng Thanh, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình cách đây hơn 2 tháng là một ví dụ. Sự việc diễn ra vào khoảng 16 giờ 35 phút, ngày 8-12, khi tổ thợ gồm 3 người đang thi công trên giàn giáo (có độ cao 5,5m so với mặt đất) thì giàn giáo bất ngờ đổ sập khiến 3 người này bị ngã xuống nền ngõ bê tông. Hậu quả, ông Phạm Trọng S. (sinh năm 1964) và Nguyễn Đình T. (sinh năm 1963), trú quán tại xã Việt Hùng bị chết tại chỗ; ông Phạm Văn Đ. (sinh năm 1967), trú tại xã Việt Hùng, bị thương nặng, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhưng cũng không qua khỏi. Đây là giàn giáo được ông T. (chủ nhà) và 1 người trong tổ thợ xây tự buộc luồng để dựng lên.
Những vụ tai nạn trên đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc tuân thủ quy định về an toàn lao động trong công trình xây dựng dân dụng mà nguyên nhân chủ yếu là do các nhà thầu không thực hiện đầy đủ quy trình, quy phạm về an toàn vệ sinh lao động, cắt giảm chi phí đầu tư trang thiết bị bảo hộ lao động, hoặc tận dụng những thiết bị cũ không đảm bảo an toàn để thi công. Hơn nữa, do người lao động phần lớn là nông dân tranh thủ lúc nông nhàn đi làm thợ để kiếm thêm thu nhập nên thiếu kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình trước những nguy hiểm “rình rập” nơi công trường. Vì vậy, chỉ một chút bất cẩn, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Đỗ Đạt, Trung tâm Cấp cứu, Khoa Hồi sức tích cực 2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Khoa thường xuyên tiếp nhận những trường hợp cấp cứu do tai nạn lao động, trong đó có những ca do ngã từ giàn giáo xuống đất, bị chấn thương sọ não, chấn thương cột sống.
Hầu hết những trường hợp bị tai nạn lao động đều không được sơ cấp cứu ban đầu, làm ảnh hưởng lớn tới sức khỏe trước mắt cũng như lâu dài của người lao động. Vì thế, khi không may xảy ra sự cố tai nạn lao động, cần khẩn trương gọi người khác đến giúp đỡ, đồng thời gọi đến đường dây nóng 113 (an ninh trật tự), 114 (cứu hộ, cứu nạn, cháy) hoặc 115 (cấp cứu y tế) để được hỗ trợ. Với những trường hợp khẩn cấp như bị điện giật khi vận hành máy thì cần phải ngắt điện trước khi vào cứu bệnh nhân, kiểm tra bệnh nhân nếu thấy ngưng tim, ngưng thở thì gọi người giúp đỡ, tiến hành ấn tim ngoài lồng ngực song song với việc đưa bệnh nhân vào cơ sở y tế gần nhất. Nếu ngã từ trên cao xuống thì phải cho bệnh nhân nằm trên mặt phẳng cứng, giúp bệnh nhân bất động - nhất là cột sống cổ, nẹp cố định chi gãy. Nếu mất chi do máy cắt thì cần dùng garo cầm máu, cho chi bị cắt rời vào túi ni lông và cho túi vào thùng đá, không nên để chi tiếp xúc trực tiếp với đá. Nếu bị vật nhọn đâm xuyên thì không nên cố rút khỏi cơ thể, cần cố định và đưa đến cơ sở y tế gần nhất...
Trước thực trạng trên, đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm những doanh nghiệp, cá nhân vi phạm về an toàn vệ sinh lao động. Người sử dụng lao động cũng cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định, chế độ về bảo hộ lao động cho người lao động theo quy định. Đối với người lao động, vì chính sức khỏe của mình không được chủ quan trước môi trường làm việc nguy hiểm; tích cực trau dồi, nâng cao kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình, từ chối làm việc khi thấy rõ các nguy cơ, rủi ro tai nạn lao động có thể xảy ra.