Cảnh báo tàu thuyền cỡ lớn khi lưu thông qua sông Đào Hạ Lý
Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc khuyến cáo tàu chở hàng cỡ lớn lưu ý đảm bảo an toàn khi lưu thông qua sông Đào Hạ Lý.
Phương tiện thủy có chiều cao hơn 3m cần chủ động tìm hiểu luồng thực tế trước khi hành trình qua sông Đào Hạ Lý
Ngày 2/5, đại diện Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc cho biết, do luồng tuyến, mực nước sông Đào Hạ Lý (Hải Phòng) trong tháng 5/2021 có sự thay đổi với tháng trước nên lịch mở luồng hằng ngày cho phương tiện lưu thông (một chiều) thay đổi so với tháng trước.
Trong tuần đầu tháng 5/2021, giờ mở luồng đầu phía Ngã ba Niệm vào các giờ buổi chiều và cho phương tiện lưu thông đến quá nửa đêm hoặc rạng sáng; còn luồng đầu phía Ngã ba Xi Măng được mở từ lúc rạng sáng cho đến buổi chiều hôm sau.
Đáng lưu ý, Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc khuyến cáo, luồng sông Đào Hạ Lý trong thời gian này có lưu tốc dòng chảy lớn, nhiều đoạn cong cua, tầm nhìn hạn chế, kích thước khoang thông thuyền cầu An Đồng, An Dương, cụm cầu Đường sắt (cầu Quay) - Tam Bạc, Thượng Lý hạn chế. Vì vậy, đặc biệt lưu ý về an toàn đối với các tàu chở hàng có kích thước lớn.
Giờ mở, cấm luồng sông Đào Hạ Lý tháng 5/2021
“Thuyền trưởng, người điều khiển phương tiện thủy trước khi điều khiển phương tiện hành trình qua sông Đào Hạ Lý phải chủ động liên hệ với Trạm điều tiết khống chế giao thông sông Đào Hạ Lý để tìm hiểu thực tế luồng, kích thước khoang thông thuyền.
Đặc biệt lưu ý hạn chế đối với phương tiện có mớn nước chở hàng thực tế lớn hơn 2,3m (khi mực nước tại Trạm điều tiết Ngã ba Niệm thấp hơn 1,6m) và phương tiện có chiều cao hơn 3m (tính từ đường nước chở hàng thực tế đến điểm cao nhất của phương tiện), khi mực nước lớn hơn 4m”, Chi cục Đường thủy nội địa khuyến cáo.
Bên cạnh đó, Chi cục này cũng yêu cầu thuyền trưởng, người lái phương tiện thủy chấp hành nghiêm lịch điều tiết và hiệu lệnh, hướng dẫn của lực lượng điều tiết tại hiện trường để đảm bảo ATGT và công trình vượt sông.
Tuyến sông Đào Hạ Lý dài 3km, được điều tiết để phương tiện thủy lưu thông một chiều. Hầu như năm nào cũng xảy ra các trường hợp tàu bị mắc cạn, đâm va hoặc kẹt vào gầm cầu vượt sông.
Gần đây nhất, tháng 10/2020, một tàu hơn 3.000 tấn đâm va vào cầu đường sắt Tam Bạc, gây xô lệch nhịp giàn đường sắt, khiến phải dừng hoạt động chạy tàu để khắc phục, sửa chữa đường sắt.