Cảnh báo thủ đoạn giả danh công an để lừa đảo
Thời gian qua, nhiều người dân đã trở thành nạn nhân của những thủ đoạn giả danh công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng lợi dụng sự bất an của người dân khi nghe thông tin liên quan đến pháp luật, để yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng hoặc cài đặt các phần mềm gián điệp nhằm lấy cắp dữ liệu cá nhân.

Một Fanpage giả mạo các đối tượng lập nên để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. Ảnh: Công an tỉnh Bắc Ninh
Công an tỉnh Bắc Ninh vừa đưa ra cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mạo danh Công an tỉnh Bắc Ninh. Theo đó, lợi dụng sức lan tỏa và ảnh hưởng tích cực từ thành công chuyên án của Công an tỉnh Bắc Ninh trong đấu tranh với ổ nhóm đối tượng hoạt động tại khu vực “Tam Thái Tử”, thành phố Bà Vẹt, tỉnh Svay Riêng, Campuchia giả danh lực lượng công an, sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hơn 13.000 người dân trên địa bàn cả nước với số tiền gần 1.000 tỷ đồng. Các đối tượng đã sử dụng chính những hình ảnh, clip về chuyên án từ các trang báo chính thống để quảng cáo dịch vụ “Thu hồi vốn, lấy lại tiền bị lừa” nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân.
Đánh vào tâm lý muốn nhanh chóng lấy lại tiền sau khi bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội, các đối tượng lừa đảo đã lập fanpage, giả danh các thành viên trong Ban Chuyên án của Công an tỉnh Bắc Ninh, các luật sư, chuyên gia công nghệ thông tin và giả mạo cả fanpage Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an. Để tạo dựng lòng tin đối với người dân, chúng thường xuyên sử dụng trái phép nhiều hình ảnh, clip chính thống của lực lượng công an để đăng tải, chia sẻ thông tin cảnh báo thủ đoạn lừa đảo của tội phạm trên không gian mạng. Đồng thời sử dụng nhiều tài khoản facebook giả, tạo các hình ảnh tin nhắn giả mạo nạn nhân cảm ơn đã giúp lấy lại tiền lừa đảo.
Khi nạn nhân nhắn tin, ngay lập tức các đối tượng sẽ phản hồi, thu thập thông tin và yêu cầu nạn nhân đặt cọc một khoản tiền hoặc thanh toán phí xử lý, phí pháp lý… Nếu nạn nhân vẫn chưa chuyển tiền, đối tượng tiếp tục giả mạo thông tin đang cập nhật, xử lý tình huống cho nạn nhân qua đó thúc giục nạn nhân chuyển tiền để chiếm đoạt tài sản.
Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, Công an tỉnh tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm qua VNeID và tại tất cả các trụ sở Công an xã, phường, thị trấn; Đồn Công an KCN và các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh. Do vậy đề nghị người dân tuyệt đối không tìm đến các hội nhóm hỗ trợ lấy lại tiền lừa đảo qua các hội nhóm trên mạng, trên Facebook, qua các Fanpage giả danh công an.
Tại Hà Nội, ngày 17/3/2025, anh A. (sinh viên của một trường Đại học tại Hà Nội) nhận được điện thoại tự xưng là cán bộ công an gọi điện thông báo thông tin cá nhân của anh A. đang liên quan đến một tài khoản rửa tiền, cần phải đến công an TP Hải Phòng để làm việc rồi yêu cầu anh A. chứng minh tài sản trong ngân hàng. Do không nắm được thủ đoạn giả danh công an để lừa đảo, anh A đã chuyển hơn 1 tỷ đồng cho đối tượng. Sau đó, phát hiện mình bị lừa nên anh đã đến cơ quan Công an trình báo.
Mới đây, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Phạm Văn Thảo (SN 1991, đăng ký HKTT tại Ấp Hai Tốt, xã Tân Yên A, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) để điều tra về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự. Kết quả điều tra ban đầu, xác định, Phạm Văn Thảo đã có hành vi sử dụng giấy chứng minh công an nhân dân giả mang tên Lê Nhật Phong, mặc trang phục công an nhân dân, giả mạo là “Đại tá, Phó Cục trưởng Cục An ninh điều tra Bộ Công an” nhằm lừa dối nhiều người tại địa bàn các tỉnh phía Nam. Ngoài ra, Phạm Văn Thảo còn có 3 tiền án về tội “Trộm cắp tài sản”, trong thời gian được tạm hoãn chấp hành án phạt tù, Thảo đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú và sử dụng căn cước công dân giả mang tên Lê Nhật Phong, Phạm Phi Hùng để đi lại, xuất cảnh qua lại biên giới Việt Nam - Campuchia, nhằm trốn tránh việc Cơ quan Thi hành án hình sự tỉnh Kiên Giang truy nã; mở tài khoản tại ngân hàng, lưu trú và thực hiện hành vi trái pháp luật khác.
Các chuyên gia pháp lý cho biết, cơ quan công an tuyệt đối không thực hiện việc điều tra, xử lý các vụ án qua điện thoại, mạng xã hội hay yêu cầu chuyển tiền vào bất kỳ tài khoản cá nhân nào. Khi cần làm việc, cơ quan công an sẽ gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc phối hợp qua công an địa phương. Do vậy, mỗi người dân cần tỉnh táo, tuyệt đối không chuyển tiền theo yêu cầu của bất cứ ai tự xưng là cán bộ công an qua điện thoại hay mạng xã hội. Nếu gặp những trường hợp tương tự, cần trình báo với cơ quan công an gần nhất hoặc thông qua ứng dụng VNeID để được hỗ trợ kịp thời.
Về chế tài xử lý loại hình tội phạm trên, các chuyên gia pháp lý cho hay, giả danh cơ quan công an để lừa đảo là hành vi phạm pháp nghiêm trọng. Theo pháp luật hiện hành, hành vi này có thể bị xử lý hình sự với các tội danh như: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 Bộ luật Hình sự) với mức phạt tù từ 2 đến 20 năm hoặc tù chung thân tùy vào mức độ nghiêm trọng và số tiền chiếm đoạt...