Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo thông qua hình thức huy động vốn, hợp tác kinh doanh, liên kết đầu tư
Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ninh ghi nhận nhiều vụ việc có dấu hiệu lừa đảo thông qua hình thức huy động vốn, hợp tác kinh doanh, liên kết đầu tư, kết hợp nhiều thủ đoạn, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản cho những người tham gia, ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Đưa ra thông tin quảng cáo sai sự thật về các dự án đầu tư để tạo uy tín doanh nghiệp, huy động vốn của nhiều nhà đầu tư tham gia góp vốn
Các công ty gắn mác tập đoàn, kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực giới thiệu về các dự án đầu tư quy mô lớn, lợi nhuận cao, có yếu tố công nghệ, hệ sinh thái phủ rộng như: kinh doanh bất động sản, du lịch, khách sạn, xây dựng và nội thất, sản phẩm công nghệ, xuất nhập khẩu… mà công ty là chủ đầu tư hay liên doanh, liên kết với các đối tác khác, thành lập nhiều chi nhánh và các văn phòng giao dịch tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tuy nhiên, các thông tin đưa ra đều chung chung, không cụ thể một chương trình, dự án nào, ngoài bảng tập hợp các danh mục hợp tác đầu tư, liên kết kinh doanh và phân chia lợi nhuận giới thiệu tới khách hàng. Thực tế, đây là những dự án kinh doanh ảo, công ty không có hoạt động kinh doanh thực tế.
Các công ty bất động sản huy động vốn khi dự án chưa đủ thủ tục pháp lý; đưa ra thông tin gian dối về loại hình đất, căn hộ tại dự án; giới thiệu các sản phẩm bất động sản thuộc dự án là nhà và đất ở; đăng tải trên webisite hình ảnh giới thiệu dự án, thể hiện các ô đất là “quỹ đất ở đô thị hiếm có còn lại duy nhất tại trung tâm thành phố với hình thức sở hữu vĩnh viễn” để tăng độ tin tưởng. Sau khi chọn được ô đất theo nhu cầu, khách hàng được hướng dẫn ký Văn bản đăng ký nguyện vọng và chuyển tiền góp vốn và nộp số tiền theo thỏa thuận đăng ký. Tuy nhiên, khi khách hàng nhận được văn bản thỏa thuận (thường trao đổi qua điện thoại, đặt cọc sau đó mới gửi văn bản thỏa thuận qua đường bưu điện, không giao nhận trực tiếp) thì khách hàng mới biết việc mua bán đất tại dự án là văn bản thỏa thuận góp vốn chứ không phải là mua bán, chuyển nhượng như đăng ký nguyện vọng ban đầu và thực tế theo quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt, dự án trên kinh doanh “đất thương mại, dịch vụ” (thời hạn sử dụng đất là 50 năm), “không phải đất ở” (sử dụng lâu dài).
Đưa ra các mức lãi suất huy động vốn hấp dẫn, lợi nhuận cao trong thời gian ngắn để thu hút các nhà đầu tư góp vốn
Để thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia góp vốn, các doanh nghiệp, tổ chức thường đưa ra mức lãi suất hấp dẫn, lợi nhuận cao, cam kết bảo toàn vốn, thu hồi lại cả gốc và thêm tiền lãi chỉ trong thời gian ngắn. Điển hình trong một vụ việc liên quan đến công ty hoạt động trong lĩnh vực du lịch, công ty đã giới thiệu 10 gói đầu tư, lợi nhuận ngày, tuần, quý, năm và động viên nhà đầu tư yên tâm, sau 12 tháng là lấy được hết cả gốc và lãi. Khi khách hàng đóng 5 triệu đồng sẽ hưởng 25 nghìn đồng/ngày, 175 nghìn đồng/7 ngày, 2 triệu 250 ngàn đồng/quý, lợi nhuận năm là 9 triệu đồng. Tương tự, nếu đóng 10 tỷ đồng, khách hàng sẽ nhận 50 triệu đồng/1 ngày, 350 triệu đồng/7 ngày, lợi nhuận quý là 4,5 tỷ đồng, lợi nhuận năm thu về tổng 18 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với gửi tiết kiệm và các kênh đầu tư khác.
Đặc biệt, nếu nhà đầu tư ký nhiều hợp đồng và giới thiệu được nhiều người khác tham gia thì sẽ được nhận nhiều chính sách ưu đãi của công ty như: được hưởng 8% trên tổng số tiền tham gia, tiền hoa hồng giới thiệu; khi đông thành viên sẽ được nâng cấp bậc làm quản lý đội nhóm đó. Do thấy mức lợi nhuận cao, nhiều người đã quyết định nộp tiền, ký hợp đồng liên kết và phân chia lợi nhuận với công ty.
Sau khi ký hợp đồng, thời gian đầu, khách hàng được Công ty trả tiền gốc, lãi theo mức lãi suất cam kết (thông qua tài khoản ngân hàng), thực tế là lấy tiền của người sau trả lãi cho người trước. Tuy nhiên, sau đó thì Công ty dừng không trả bất cứ khoản tiền nào nữa.
Tổ chức các buổi hội thảo quy mô lớn để tạo tin tưởng cho các nhà đầu tư tham gia góp vốn
Để tăng sự tin tưởng của khách hàng, doanh nghiệp tổ chức hàng loạt hội thảo, sự kiện để quảng cáo quy mô hoành tráng để kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn. Tại các hội nghị này, các đối tượng bố trí những người giới thiệu là lãnh đạo công ty lên thuyết giảng về các dự án, kế hoạch kinh doanh, mức lợi nhuận hấp dẫn trong khi người tham gia chỉ cần nộp tiền (hiểu là góp vốn), sau đó, mỗi ngày công ty sẽ trả lãi và gốc vào tài khoản cho nhà đầu tư theo định mức; bố trí những người đóng vai “nhà đầu tư thành công” chia sẻ thành quả sau khi đầu tư với các nhà đầu tư khác. Do tin tưởng vào các lời thuyết giảng, lại thấy đông người tham gia nên nhiều nhà đầu tư đã quyết định nộp tiền góp vốn đầu tư dự án ngay tại các hội thảo và lôi kéo thêm cả người thân, bạn bè cùng tham gia.
Sử dụng các hình thức thanh toán để gây khó khăn cho việc phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng
Các công ty thường yêu cầu các nhà đầu tư nộp tiền vào tài khoản cá nhân của các cổ đông/người đại diện của Công ty hoặc nộp bằng tiền mặt và ghi nhận bằng phiếu thu tiền, không thực hiện việc chuyển khoản vào các tài khoản ngân hàng công ty. Việc làm này vừa là cách để các đối tượng các đối tượng dễ dàng chuyển tiền và sử dụng trái mục đích, đồng thời lách, trốn các trách nhiệm, nhất là việc trốn tránh việc quản lý, theo dõi của các cơ quan thuế, các cơ quan nhà nước, việc phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng.
Nguyên nhân dẫn đến các vụ việc lừa đảo thông qua hình thức huy động vốn, hợp tác kinh doanh, liên kết đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thời gian qua chủ yếu là do các đối tượng lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, đánh vào lòng tham, niềm tin cảm tính, tâm lý, hiệu ứng đám đông của những người tham gia với cam kết về lãi suất, lợi nhuận cao, chính sách ưu đãi lớn; sự thiếu hiểu biết, thiếu thông tin của các khách hàng về hình thức huy động vốn, hợp tác kinh doanh, liên kết đầu tư, từ đó không thể lường trước rủi ro khi tham gia góp vốn. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động huy động vốn, hợp tác kinh doanh, liên kết đầu tư vẫn còn lỏng lẻo, nhiều bất cập.
Để hạn chế những rủi ro khi tham gia các hình thức góp vốn, hợp tác kinh doanh, liên kết đầu tư, các nhà đầu tư cần đặc biệt lưu ý những vấn đề sau:
Thứ nhất, các nhà đầu tư cần tỉnh táo, thận trọng, cân nhắc kỹ càng trước khi quyết định góp vốn vào bất cứ doanh nghiệp, tổ chức, dự án nào. Cần tự trang bị kiến thức cơ bản về các hình thức huy động vốn, hợp tác đầu tư, liên kết kinh doanh, tìm hiểu kỹ lưỡng, kiểm tra, đối chiếu thông tin pháp lý về doanh nghiệp, tổ chức huy động vốn, về các dự án đầu tư trên nhiều nguồn như: các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, cơ quan chức năng…; tư vấn ý kiến các chuyên gia tài chính để đánh giá những rủi ro trước khi ra quyết định đầu tư.
Thứ hai, nhà đầu tư cần đặc biệt cảnh giác trước những lời kêu gọi góp vốn, cam kết lãi suất, lợi nhuận “siêu cao” trong thời gian ngắn mà các doanh nghiệp đưa ra. Cần đối chiếu, so sánh với lãi suất ngân hàng hiện hành và lợi nhuận thu được từ các kênh đầu tư khác như: mua vàng, đầu tư chứng khoán… để xem xét mức độ hợp lý, hợp pháp của các mức lãi suất này. Cùng với đó, cần quan tâm tìm hiểu các thông tin về mục đích sử dụng của nguồn tiền đã góp vốn, nguồn tiền chi trả lợi nhuận cho những nhà đầu tư.
Thứ ba, khi phát hiện những vấn đề bất thường trong quá trình tham gia góp vốn, hợp tác đầu tư, liên kết kinh doanh, các nhà đầu tư cần thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng, đồng thời chú ý thu thập, lưu giữ, cung cấp những tài liệu như: các tài liệu giới thiệu về doanh nghiệp, dự án, văn bản thỏa thuận, hợp đồng, phiếu thu, các thông báo, sao kê tài khoản ngân hàng… để phục vụ quá trình xác minh, giải quyết, từ đó đảm bảo quyền lợi của những khách hàng tham gia đầu tư.