Cảnh báo tiền ảo
Với mức độ biến động giá quá lớn và rất dễ lợi dụng biến tướng, tiền ảo xuất hiện ngày càng nhiều trong hoạt động giao dịch, đầu tư tài chính online. Mặc dù không được pháp luật Việt Nam công nhận nhưng giao dịch tiền ảo trên thị trường ngầm vẫn diễn ra vô cùng sôi động. Từ đây tiềm ẩn nguy cơ tội phạm thông qua các hoạt động rửa tiền và thực hiện các hành vi tội phạm khác...
Mối lo từ hoạt động rửa tiền
Trên các diễn đàn cũng như các hội nhóm mạng xã hội, các hội nhóm liên quan đến tiền ảo xuất hiện ngày càng nhiều với số lượng thành viên đông đảo. Tình trạng đăng tải, chào mời mua bán, đầu tư tiền ảo cũng hoạt động sôi nổi. Những lời quảng cáo hứa hẹn thu hồi vốn nhanh chóng, lãi suất cao từ 5-10%/ngày, thu nhập trung bình từ 5-30 triệu đồng/tháng trở thành chiêu trò phổ biến nhằm thu hút đầu tư.
Đáng nói, với lợi thế về công nghệ, các ứng dụng phục vụ cho hoạt động đầu tư tiền ảo cũng mọc lên như nấm sau mưa với đa dạng các hình thức đầu tư biến tướng, thao tác thực hiện đơn giản và dễ dàng. Chính vì vậy nhiều nhà đầu tư bị “dính bẫy”.
Trả lời phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh, tiền ảo không phải là tiền. Đó chỉ là tên gọi để chúng ta dễ hình dung, không thể đánh đồng tiền ảo với tiền thật. Tiền ảo mà chúng ta đang nói tới chỉ là sản phẩm của công nghệ số và được đầu tư, mua đi bán lại, được sử dụng trong một số hoạt động thanh toán. Bởi tiền đúng nghĩa phải là đồng tiền quốc gia, do ngân hàng nhà nước sản xuất, phát hành và bảo lãnh, có giá trị và được sử dụng cho các mục đích lưu trữ, thanh toán, lưu thông…
“Tiền ảo không có các chức năng của một đồng tiền. Do đó nó chỉ được đầu tư và mục đích sử dụng cũng không thể so sánh với một đồng tiền bình thường. Việt Nam chưa hề có bất kỳ một công nhận chính thức nào, trừ một số trường hợp nhân danh nước ngoài để hoạt động mà chúng ta chưa kiểm soát được nên hoạt động này vẫn đang vẫn len lỏi, khó kiểm soát” – ông Phong nhận định.
Cũng khẳng định tiền ảo không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho hay, việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm theo quy định khoản 2 Điều 1 Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt.
Về chế tài xử lý, theo ông Hùng, việc phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp sẽ bị xử phạt hành chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng theo quy định tại điểm d khoản 6 Điều 26 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Ở mức xử lý cao hơn, các đối tượng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng theo Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
“Tiền ảo cũng không được xem là tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành. Vì vậy, việc sở hữu, sử dụng, mua bán, giao dịch tiền ảo như một loại tài sản sẽ mang lại rủi ro rất lớn cho người sở hữu, người tham gia giao dịch tiền ảo và không được pháp luật bảo vệ” - ông Hùng nhấn mạnh.
Kẽ hở
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho biết thêm, quy định pháp luật hiện nay không có quy định cấm đầu tư kinh doanh ngành nghề liên quan đến hoạt động của tiền ảo. Trong danh sách các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Điều 6 và Điều 7 Luật Đầu tư năm 2020 đều không liệt kê hoạt động kinh doanh liên quan đến tiền ảo. Dựa trên nguyên tắc “mọi người có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm” theo Điều 33 Hiến pháp thì các doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh, mua bán, chuyển nhượng, huy động vốn bằng tiền ảo thì không bị coi là cấm.
Chính từ kẽ hở này, thời gian qua, nhiều sàn giao dịch về tiền ảo theo mô hình đa cấp, sàn giao dịch “ma” đã được lập ra. Trong khi đó, các nhà đầu tư vì cái lợi trước mắt, tỷ suất lợi nhuận cao... không tìm hiểu kỹ về các rủi ro vẫn lao vào tiền ảo như con thiêu thân. Đến khi sập sàn, nhà đầu tư trắng tay vì không thể đòi lại tài sản của mình trên những sàn giao dịch này.
Tài sản ảo, tiền ảo xuất hiện ngày càng nhiều trong các hoạt động đầu tư, dân sự,... tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân. Do đó đòi hỏi nhà quản lý cần sớm ban hành các quy định pháp luật mới để quản lý, điều chỉnh các quan hệ phát sinh từ các loại hình này, đáp ứng những đòi hỏi của xã hội hiện đại. “Trong đó, trước hết cần đưa ra một định nghĩa rõ ràng, cụ thể về tiền ảo để xác định phạm vi đối tượng tiền ảo được điều chỉnh theo pháp luật Việt Nam. Từ đó, làm cơ sở cho việc xây dựng các quy định pháp luật khác có liên quan” – ông Hùng nêu quan điểm.
Việc ghi nhận tiền ảo là một loại tài sản sẽ góp phần xác định được tình trạng pháp lý của tiền ảo cũng sẽ là cơ sở vững chắc, tạo nền móng cho quá trình xây dựng các quy định về các vấn đề khác có liên quan cũng nên cần được các nhà làm luật cân nhắc để tạo điều kiện cho việc quản lý loại tiền này.
Bên cạnh đó, vị luật sư cũng đề xuất, nên đưa kinh doanh tiền ảo vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy hoạt động để tránh trình trạng kinh doanh ồ ạt, bừa bãi, lợi dụng để lừa đảo, rửa tiền hoặc thực hiện các hành vi phạm pháp khác. “Bên cạnh đó, các nhà đầu tư khi đầu tư vào loại tiền này, cần tìm hiểu kỹ và thận trọng trước khi đầu tư, tránh rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo” – ông Hùng khuyến cáo.
Cấp bách xây dựng hành lang pháp lý
Trong bối cảnh hiện nay, xuất hiện những tình huống lạm dụng đồng tiền ảo để hoạt động, bao gồm: Lạm dụng để quảng bá kênh đầu tư, lạm dụng để kêu gọi rút vốn đầu tư, thực hiện những hoạt động xây dựng thương hiệu, đánh bóng và đặc biệt là hành vi rửa tiền hoặc chuyển vốn sang những cái hoạt động không minh bạch. Như vậy, có thể thấy rõ, xây dựng một hành lang pháp lý để quản lý tiền ảo là việc cấp bách hiện nay.
Trong đó, chúng ta nên có sự quan tâm, nghiên cứu nhằm điều chỉnh và tiếp cận thiết thực để thực hiện cơ sở pháp lý đồng bộ hơn, hoàn thiện hơn. Đặc biệt, trong phần quản lý cần chú ý định nghĩa rõ tiền ảo là gì. Bên cạnh đó, cần có những quy định rõ ràng về phạm vi đối tượng sử dụng và mức độ, những điều cấm cũng như những chế tài xử phạt. Cuối cùng cần phải giáo dục quần chúng, giáo dục xã hội để hiểu đúng và hành động đúng.
Chủ động phòng ngừa tội phạm
Trong khi chưa hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo, để phòng ngừa có hiệu quả tình hình tội phạm lừa đảo theo phương thức đa cấp nhưng thực chất là núp bóng kinh doanh tiền ảo, cần đẩy mạnh một số giải pháp trước mắt. Theo đó, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tăng cường điều tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới việc huy động tài chính, kinh doanh đa cấp tiền ảo, mua bán, trao đổi và sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán trái pháp luật.
Đặc biệt, cần tăng cường công tác nắm tình hình trên không gian mạng và cộng đồng dân cư, để kịp thời phát hiện các hoạt động huy động vốn trái phép dưới danh nghĩa kinh doanh tiền ảo.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo trái pháp luật. Siết chặt kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan tới tiền ảo; rà soát các tổ chức, cá nhân có giao dịch mua bán, trao đổi tiền ảo. Đồng thời, cần tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch đáng ngờ có liên quan tới tiền ảo.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để phân biệt tiền ảo, tiền điện tử cũng cần được tăng cường. Các cảnh báo về những rủi ro, nguy cơ và hệ lụy của việc tham gia mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tiền ảo bất hợp pháp, sử dụng tiền ảo cho hoạt động tội phạm cũng cần được quan tâm đẩy mạnh.
H. Chiến (ghi)
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/canh-bao-tien-ao-5701629.html