Cảnh báo tình hình khẩn cấp về yêu cầu nhiệm vụ, tư duy, cách tiếp cận mới trong PCCC-CNCH

Sáng 12/9, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 83/2017 của Chính phủ quy định công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH) của lực lượng PCCC.

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương.

Dự tại điểm cầu Vĩnh Phúc có các đồng chí, Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đinh Ngọc Khoa, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Vĩnh Phúc. Ảnh: Thế Hùng

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Vĩnh Phúc. Ảnh: Thế Hùng

Thời gian qua, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn diễn biến phức tạp, khó lường, tần suất ngày càng cao, nhất là các vụ cháy tại các khu dân cư, chung cư cao tầng, khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh và đặc biệt là các cơ sở kinh doanh karaoke.

Trong 5 năm (từ 2017 đến năm 2021) toàn quốc xảy ra hơn 17.000 vụ cháy (trong đó có gần 15.500 vụ cháy nhà dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, phương tiện giao thông và gần 1.600 vụ cháy rừng). Thiệt hại do cháy, nổ gây ra, làm tử vong hơn 400 người, bị thương gần 800 người, tài sản ước tính hơn 7.000 tỷ đồng và hơn 7.500 ha rừng. Riêng, trong 8 tháng đầu năm 2022, toàn quốc xảy ra hơn 1.100 vụ cháy, làm tử vong 57 người, bị thương 52 người, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 530 tỷ đồng và 39 ha rừng…

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận đánh giá những kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, bất cập, khó khăn và làm rõ nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm sau 5 năm thực hiện công tác PCCC, Nghị định 83 quy định công tác cứu hộ, cứu nạn của lực lượng PCCC.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Phòng cháy, chữa cháy là nhiệm vụ rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay bởi, KT-XH nước ta đang trong quá trình phát triển, công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ; cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, nhà và công trình cao tầng ngày càng nhiều; hoạt động lao động, sản xuất, kinh doanh gia tăng; nhu cầu sử dụng năng lượng, hóa chất lớn,… dẫn tới nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn về cháy, nổ, sự cố, tai nạn.

Trong khi đó, nhận thức, hành vi, thói quen về PCCC và CNCH của không ít người dân còn có những lúc, những nơi hạn chế; kỹ năng xử lý, ứng phó khi có sự cố là chưa cao; việc thực thi quy định pháp luật và hoạt động quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH còn bất cập…

Do vậy, để thực hiện có hiệu quả công tác PCCC và CNCH, đồng thời quán triệt thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, với mục tiêu kiềm chế sự gia tăng về số vụ và thiệt hại do cháy, nổ, sự cố tai nạn gây ra, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ: Nâng cao hiệu quả phòng cháy, chữa cháy, sự cố tại khu công nghiệp, khu dân cư, chợ, trung tâm thương mại, quán karaoke… nhằm ngăn chặn, chấm dứt, đẩy lùi cháy, nổ, sự cố gây hậu quả nghiêm trọng.

Nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người dân tự giác chấp hành, tham gia thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC và CNCH, phong trào toàn dân PCCC và CNCH. Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCCC và CNCH, trọng tâm là hoàn thiện dự thảo một số dự án luật có liên quan đến công tác PCCC và CNCH.

Tăng cường quản lý nhà nước về PCCC và CNCH, thực hiện tổng kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở thuộc diện quản lý trên cả nước; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, không chấp hành quy định về phòng, chống cháy, nổ, sự cố. Kiện toàn, củng cố lại các lực lượng tại chỗ làm công tác PCCC và CNCH tại khu dân cư, cơ sở.

Xây dựng và nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác PCCC và CNCH; kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCCC và CNCH. Tập trung hoàn thiện quy hoạch hạ tầng PCCC nhằm tháo gỡ những khó khăn, bất cập về giao thông, nguồn nước, thông tin liên lạc, hệ thống cảnh báo sự cố, tai nạn, phục vụ công tác PCCC và CNCH, đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay…

Phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Vĩnh Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành yêu cầu các đơn vị, địa phương nâng cao nhận thức hơn nữa cho các tầng lớp nhân dân trong công tác PCCC và CNCH. Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng cảnh báo các nguy cơ cháy, nổ và kỹ năng xử trí các tình huống, xây dựng tài liệu tập huấn về PCCC.

Thực hiện nghiêm Nghị định 83 về công tác CNCH của lực lượng PCCC; thường xuyên thanh tra, kiểm tra phòng, chống cháy, nổ đối với các loại hình; quan tâm đầu tư trang thiết bị, phương tiện đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; quy hoạch điểm cấp nước PCCC. Người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm nếu để xảy ra cháy, nổ, sự cố gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng...

Kim Hiền

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/82828/canh-bao-tinh-hinh-khan-cap-ve-yeu-cau-nhiem-vu-tu-duy-cach-tiep-can-moi-trong-pccc-cnch.html