Cảnh báo tình trạng lợi dụng bán hàng online, chiếm đoạt tiền của công ty vận chuyển
Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội vừa ra cáo trạng truy tố bị can Hoàng Thị Đào (sinh năm 1992, trú tại xã Tiên Phong, huyện Ba Vì, Hà Nội) về tội 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản' theo quy định tại Điều 174, khoản 4, điểm a - Bộ luật Hình sự.
Theo cáo trạng, từ năm 2021, Hoàng Thị Đào kinh doanh bán hàng online trên nền tảng facebook đối với những mặt hàng gồm: Khăn mặt, khăn tắm, đũa, thảm, máy sấy tóc... đồng thời sử dụng các công ty vận chuyển để chuyển hàng cho khách, thỏa thuận khi lấy hàng công ty vận chuyển sẽ ứng trước giá trị tiền hàng trừ đi tiền phí vận chuyển.
Khi khách đặt hàng và có thông tin người mua, Đào lập danh sách khách hàng trên file excel rồi gửi cho công ty vận chuyển để lên “mã vận đơn” chuyển lại cho Đào dán vào hàng hóa khách đặt khi đóng gói.
Các công ty vận chuyển tới kho hàng tại nhà riêng của Đào (ở xã Tiên Phong, huyện Ba Vì, Hà Nội) để lấy hàng đi giao cho khách. Khi khách lấy hàng sẽ thanh toán tiền trực tiếp cho đơn vị vận chuyển (gồm tiền hàng và tiền phí vận chuyển); khi hàng bị hoàn lại, công ty vận chuyển sẽ trả lại hàng và Đào phải trả lại số tiền ứng trước mà công ty vận chuyển đã trả cho số đơn hàng này cộng với phí vận chuyển hàng về.
Do kinh doanh thua lỗ, cần tiền trả nợ và lợi dụng sơ hở trong việc quản lý, vận hành của các công ty vận chuyển, Đào nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của các công ty vận chuyển bằng cách lập khống danh sách khách hàng rồi gửi cho các công ty vận chuyển để chiếm đoạt số tiền ứng trước của những đơn hàng khống mà công ty vận chuyển đã trả cho Đào trước đó.
Mặc dù không có khách đặt mua hàng nhưng Đào vẫn lên các đơn hàng khống trên cơ sở lấy 1 file khách hàng gửi nhiều lần cho cùng một công ty vận chuyển, lấy 1 file khách hàng gửi cho nhiều công ty vận chuyển khác nhau hoặc lấy danh sách khách hàng đã đặt mua hàng từ lần trước rồi cho thêm vào danh sách khách mua hàng thật, tạo file rồi gửi cho các công ty vận chuyển.
Công ty vận chuyển sẽ chuyển cho Đào số tiền ứng trước, do đơn hàng không có thật nên số hàng sẽ bị hoàn về và được trả lại, nhưng Đào không trả lại số tiền ứng trước. Số tiền chiếm đoạt của các công ty vận chuyển Đào sử dụng để trả nợ và chỉ tiêu cá nhân hết.
Với thủ đoạn như trên, từ tháng 10-12/2022, Hoàng Thị Đào đã chiếm đoạt tài sản của 4 công ty vận chuyển với tổng số tiền hơn 1,1 tỷ đồng.
Trong số các công ty vận chuyển bị Đào lừa đảo, bị chiếm đoạt nhiều tiền nhất là Công ty trách nhiệm hữu hạn chuyển phát Kinh Bắc (viết tắt là Công ty Kinh Bắc, địa chỉ tại thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Ngày 10/5/2022, Hoàng Thị Đào và Công ty Kinh Bắc ký hợp đồng bưu chính để sử dụng dịch vụ gửi hàng ứng trước tiền giá trị hàng hóa của Công ty Kinh Bắc.
Từ ngày 25/10/2022 đến ngày 3/12/2022, Đào lập danh sách và chuyển hàng cho Công ty Kinh Bắc được 21.278 đơn hàng, trong đó lập khống 2.877 đơn hàng bằng cách sử dụng các đơn hàng đã chuyển cho một công ty vận chuyển trước đó để tiếp tục gửi cho Công ty Kinh Bắc.
Số tiền ứng trước giá trị đơn hàng của 21.278 đơn trên được Công ty Kinh Bắc chuyển cho Đào là gần 2,7 tỷ đồng. Số tiền ứng trước giá trị đơn hàng của 2.877 đơn hàng khống trên là gần 550 triệu đồng.
Khi Công ty Kinh Bắc giao hàng, một số khách mặc dù không đặt hàng nhưng vẫn đồng ý nhận hàng nên Công ty Kinh Bắc giao thành công được 232 đơn, còn lại 2.645 đơn khống bị hoàn lại tương ứng số tiền 525 triệu đồng. Công ty Kinh Bắc đã trả lại số hàng hoàn này nhưng Đào không trả lại số tiền 525 triệu đồng.
Công ty Kinh Bắc kiểm tra lại thì thấy 2.877 đơn hàng trên khách hàng đều phản ánh không đặt đơn, do đó đã làm đơn tố giác Đào đến cơ quan điều tra. Ngoài ra, Đào còn nợ Công ty Kinh Bắc số tiền hơn 1,1 tỷ đồng không liên quan đến các đơn hàng khống nêu trên. Do vậy, Công ty Kinh Bắc yêu cầu Đào phải bồi thườngsố tiền hơn 1,7 tỷ đồng.