Cảnh báo tình trạng mắc rối loạn Tic ở trẻ

Cha mẹ quá bận bịu, giao con cho ông bà giữ hoặc cho con xem tivi, internet, chơi game, chơi ipad... quá nhiều đang là nguyên nhân khiến trẻ mắc rối loạn Tic, tăng động giảm chú ý và mắc một số rối loạn trong hoạt động, ngôn ngữ...

Thời gian gần đây, Trung tâm y tế huyện Cẩm Khê tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân mắc Rối loạn Tic (Tic Disoder) đến khám và điều trị. Các bệnh nhân đều dưới 18 tuổi, thông thường rơi vào 2 độ tuổi 5-6 tuổi và 11-12 tuổi. Bệnh nhân khi đến khám thường có một trong các biểu hiện như nháy mắt, nhún vai, nhăn trán, lắc đầu, giật cơ hàm hay tắc lưỡi, thở dài, ho, lẩm bẩm, hắng giọng, la hét... thậm chí có bệnh nhân mang nhiều biểu hiện nói trên.

Người nhà của bệnh nhân T.T.P (8 tuổi, ở xã Xương Thịnh, huyện Cẩm Khê) cho biết: Từ lúc hơn 6 tuổi, cháu P có biểu hiện như nháy mắt, lắc đầu không kiểm soát. Gia đình đưa cháu đi điều trị bệnh lý về mắt có đỡ nhưng tái mắc nhiều lần. Sau khi đi khám ở Bệnh Nhi Trung ương, cháu được chẩn đoán cháu mắc Hội chứng Tic. Để thuận tiện cho chăm sóc, gia đình đưa cháu về điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê. Sau một thời gian điều trị, được bác sĩ kê thuốc, hướng dẫn cách chăm sóc tại nhà thì bệnh của cháu đã thuyên giảm rõ rệt.

Bác sỹ Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê thăm khám cho người bệnh.

Bác sỹ Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê thăm khám cho người bệnh.

Theo các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê: Có khoảng 20% trẻ ở độ tuổi đi học mắc phải rối loạn này; thường trầm trọng khi trẻ ở độ tuổi 11-12, sau đó giảm dần khi trẻ bước vào giai đoạn dậy thì. Đối với một số trẻ, rối loạn này sẽ biến mất hoàn toàn sau khi lớn, nhưng cũng có trẻ đối mặt với nó đến khi trưởng thành.

Tần suất, cường độ và thời gian giật các cơ ở từng trẻ khác nhau. Có 2 loại Tic chính, đi kèm với những biểu hiện không giống nhau: Tic đơn giản liên quan đến một nhóm cơ hoặc âm thanh đơn giản. Tic âm thanh đơn giản bao gồm: Thở dài, ho, lẩm bẩm, các âm thanh khác như tặc lưỡi, hắng giọng, la hét... Tic vận động đơn giản bao gồm: Nháy mắt, chun mũi, nhún vai, lắc đầu, giật cơ hàm. Tic phức tạp liên quan đến nhiều nhóm cơ. Tic âm thanh phức tạp bao gồm nói các từ hoặc các câu lặp đi lặp lại và không phù hợp với bối cảnh. Tic vận động phức tạp bao gồm hành động tự vỗ vào người, tự cắn, nhảy nhót, giậm chân, xoay tròn. Như trường hợp của bệnh nhân T.T.P mắc cả Tic vận động và Tic âm thanh.

Hiện nay, vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây rối loạn Tic. Tuy nhiên, một số yếu tố về môi trường và sinh học có thể gây ra hội chứng này. Ví dụ, các chất gây dị ứng, hóa chất trong sản phẩm làm sạch; thậm chí do bị ảnh hưởng bởi phim ảnh hoặc các trò chơi điện tử...

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền - Khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê cho biết: Trong thời đại hiện nay, có nhiều trẻ mắc rối loạn Tic. Tuy nhiên, trẻ mắc Tic chỉ được phụ huynh cho đi khám khi phát hiện trẻ mắc Tic ở mắt và đã ảnh hưởng đến việc học tập... Rất khó để xác định rõ trẻ mắc Tic là do nguyên nhân cụ thể nào nhưng tựu chung lại là do cả 2 yếu tố là gen di truyền và môi trường sống. Yếu tố môi trường sống có thể là do rối loạn chất; do căng thẳng và bạo lực gia đình; do ảnh hưởng của việc xem tivi, điện thoại, ipad, hoặc chơi các trò chơi điện tử quá nhiều khiến trẻ bị kích thích, căng thẳng. Nếu chấm dứt tình trạng này thì Tic sẽ giảm đi.

Trẻ bị rối loạn Tic cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời để không ảnh hưởng đến tâm lí và việc học. Việc điều trị cho trẻ mắc rối loạn Tic không quá phức tạp khi y học đã có nhiều phương pháp điều trị có hiệu quả, bao gồm liệu pháp dùng thuốc, tâm lý; “cai” xem tivi, điện thoại, ipad, chơi điện tử.

Tuy nhiên, cũng theo bác sỹ Nguyễn Thị Thu Huyền: Việc tách biệt trẻ ra khỏi môi trường internet cũng chưa hẳn là đúng khi mà sử dụng internet là xu hướng thời đại. Phụ huynh cân nhắc và định hướng cho trẻ sử dụng internet như thế nào. Ví dụ: Không cho trẻ dưới 2 tuổi sử dụng tivi, điện thoại, máy tính, ipad kết nối Internet. Khi trẻ sử dụng, phải có người lớn kế bên. Phụ huynh cùng xem và giải thích, tương tác với trẻ, thay vì để trẻ chỉ tương tác với thiết bị. Ngoài ra, cần để trẻ sử dụng một cách chủ động, không bị động, có thời gian phù hợp, đảm bảo. Cuối cùng, khi phát hiện trẻ có các hội chứng rối loạn thì cần ngừng ngay việc sử dụng thiết bị hoặc giảm thời gian sử dụng đến mức tối thiểu. Đồng thời, nên đưa trẻ đi khám và tư vấn bởi các bác sỹ chuyên khoa vì những dấu hiệu của bệnh Tic dễ gây nhầm lẫn với một số căn bệnh khác. Việc phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh sẽ giúp chẩn đoán đúng và điều trị hiệu quả.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, khi đã nhận diện các yếu tố nguy cơ, các gia đình cần chấm dứt ngay việc “nhờ” điện thoại, ipad, ti vi kết nối internet để dỗ, trông con hộ. Tùy theo điều kiện mà các gia đình cho con tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, hoạt động cộng đồng, trải nghiệm một cách phù hợp.

Vĩnh Hà

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/canh-bao-tinh-trang-mac-roi-loan-tic-o-tre-214487.htm