Cảnh báo tình trạng mất trộm trâu

Sự việc đã trôi qua được gần 1 năm nhưng ông Tẩn Díu Quan, ở thôn Trung Chải, xã Phìn Ngan (Bát Xát) vẫn nhớ như in hình ảnh con trâu hơn 3 năm tuổi, trị giá khoảng 30 triệu đồng của gia đình bị kẻ xấu dắt trộm rồi mổ lấy toàn bộ phần thịt, để trơ lại khung xương và nội tạng giữa cánh rừng. Ông Quan cho biết: Trước đây, các hộ trong thôn nuôi trâu chủ yếu thả ở rừng, có khi hàng tuần mới lùa về, thế nhưng chẳng bao giờ bị mất trộm. Thời gian gần đây, không biết đối tượng trộm cắp từ đâu tới, vào sâu trong rừng bắt trộm trâu mổ lấy thịt.

Chuồng trâu của gia đình ông Tràng rất sơ sài.

Chuồng trâu của gia đình ông Tràng rất sơ sài.

Cùng hoàn cảnh, ông Tẩn Láo Tả ở thôn Trung Chải, xã Phìn Ngan (Bát Xát) cũng bị kẻ xấu dắt trộm 1 con trâu khoảng 2 năm tuổi, trị giá hơn 20 triệu đồng. Sau khi biết mất trộm trâu, gia đình ông Tả đã báo sự việc lên chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, đồng thời huy động các thành viên trong gia đình chia nhau đi tìm. Sau gần 1 ngày lùng sục khắp các cánh rừng, gia đình ông phát hiện con trâu của gia đình đã bị kẻ xấu mổ lấy thịt. Ông Tả than thở: Trâu là loài gia súc hiền lành, ai dắt đi đâu cũng được nên dễ bị kẻ xấu lấy trộm.
May mắn hơn ông Tả, ông Quan, gia đình ông Lương Xuân Tràng, ở tổ 11, phường Bình Minh, thành phố Lào Cai cũng bị mất 1 cặp trâu trị giá gần 50 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận được tin báo, chính quyền địa phương và lực lượng Công an phường Bình Minh, Công an thành phố Lào Cai đã nhanh chóng điều tra và tìm lại được cặp trâu, nghé trả cho gia đình ông Tràng. Ông Tràng cho biết: Sau khi phát hiện cặp trâu, nghé của gia đình không có trong chuồng, gia đình tôi đã chia nhau đi khắp nơi tìm và nghĩ chắc do tuột thừng nên trâu đi quanh đâu đó. Sau khi quan sát qua camera của hàng xóm, tôi mới biết cặp trâu, nghé của mình bị kẻ xấu lấy trộm. Cũng may là lực lượng chức năng tích cực vào cuộc, tìm lại khối tài sản lớn cho gia đình.

Con trâu ngoài việc dùng sức kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp, còn được nông dân nuôi tăng gia, cải thiện thu nhập. Con trâu có giá trị kinh tế rất cao, lên tới vài chục triệu đồng nên luôn là miếng mồi hấp dẫn của những đối tượng trộm cắp. Tuy nhiên, do tập quán chăn thả, người dân từ vùng thấp đến vùng cao thường thả rông vật nuôi hàng tuần, thậm chí cả tháng trời, khiến nguy cơ mất trộm trâu luôn hiện hữu. Ông Tẩn Láo Tả, Bí thư Đảng ủy xã Phìn Ngan (Bát Xát) cho biết: Mặc dù xã thường xuyên tuyên truyền người dân không thả rông gia súc, không những gây ảnh hưởng đến việc canh tác cây trồng và rừng tự nhiên, ô nhiễm môi trường, mà còn tạo điều kiện cho kẻ xấu lấy trộm, nhưng do thói quen, nhiều hộ vẫn thả rông gia súc dẫn đến tình trạng mất trộm.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các hộ bị mất trâu trong thời gian qua chủ yếu do tâm lý chủ quan. Ngoài việc thả rông, một số hộ có làm chuồng nuôi nhốt trâu, nhưng chuồng trại chỉ được làm tạm bợ, tứ bề trống huếch, lại xa khu dân cư… “Sau khi mất trâu, tôi mới thấy gia đình mình thật chủ quan khi không khóa cửa chuồng trâu cẩn thận. Giờ tìm thấy trâu rồi, tôi phải thuê thợ xây chuồng, làm cửa khóa chắc chắn” - ông Tràng cho biết.

Được biết, những đối tượng trộm trâu thường đi theo nhóm, hoạt động rất tinh vi, chúng lợi dụng thời điểm đêm tối, trời mưa để dắt trâu vào sâu trong các khu rừng rồi mổ thịt. Thịt trâu được các đối tượng cho vào bao rồi vác ra bìa rừng, đưa lên xe máy vận chuyển đi tiêu thụ. Ông Tẩn Láo Tả, Bí thư Đảng ủy xã Phìn Ngan cho biết: Để đảm bảo tài sản, người dân cần bỏ thói quen thả rông gia súc, đồng thời xây dựng chuồng nuôi nhốt cẩn thận, vừa tránh bị kẻ xấu lấy trộm, vừa tránh rét cho trâu, bò vào mùa đông.

Sự chủ quan đã khiến gia đình ông Tả, ông Quan ở thôn Trung Chải, xã Phìn Ngan mất đi khối tài sản lớn. Hy vọng từ những bài học này, người dân sẽ ý thức hơn trong việc nuôi nhốt gia súc nói chung, trâu nói riêng, tránh việc “mất bò mới lo làm chuồng”.

TRUNG NGUYÊN

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/phap-luat/canh-bao-tinh-trang-mat-trom-trau-z7n20200503081944147.htm