Cảnh báo tình trạng nguy hiểm vì chủ quan khi bị hóc xương
Bệnh nhân đến viện sau hóc xương ngày thứ 3, nội soi thấy dị vật đã cắm sâu vào thành thực quản tạo thành ổ áp xe, nguy cơ thủng thực quản, chảy máu là rất cao.
Sau khi hóc xương gà, chị L.T.P., 25 tuổi, sống tại huyện Na Hang (Tuyên Quang) không vào viện ngay mà đã tự dùng nhiều mẹo chữa hóc. Thậm chí, để chữa hóc xương, gia đình chị P. đã mời "thầy làm phép" nhưng vẫn thấy đau và vướng.
Tình trạng này ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, bệnh nhân rất lo lắng nên đã đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang để khám bệnh.
BSCKII Ngô Quang Chiến - Trưởng khoa Nội Tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang chia sẻ: “Bệnh nhân đến viện sau hóc xương ngày thứ 3, nội soi thấy dị vật đã cắm sâu vào thành thực quản tạo thành ổ áp xe, nguy cơ thủng thực quản, chảy máu là rất cao”.
Kíp nội soi đã tiến hành gắp dị vật ra ngoài, kiểm tra lại ổ áp xe, rất may là không bị chảy máu, không thủng thực quản… Dị vật được xác định là mẩu xương gà dài 2cm.
Sau đó, các bác sĩ đã đưa bệnh nhân vào khoa Nội tiêu hóa của bệnh viện để điều trị ổ áp xe trong thực quản.
Sau 3 ngày điều trị tích cực, cùng với sự quan tâm chăm sóc tận tình của các y bác sĩ khoa Nội tiêu hóa, ổ áp xe và sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, dự kiến sẽ được xuất viện trong 1-2 ngày tới.
Đường ăn có rất nhiều vi khuẩn nên nhiễm trùng rất nhanh. Nhiễm trùng ở vùng cổ, vùng ngực rất dễ lan sang các cơ quan lân cận. Nhiễm trùng để muộn có thể dẫn tới viêm tấy vùng cổ sâu, viêm tấy trung thấp, thủng thực quản, thủng dạ dày.
Nguy hiểm hơn, khi bị chèn ép, ổ mủ có thể vỡ ra tràn vào đường thở gây ngạt thở, đôi khi xương động vật hoặc dị vật sắc nhọn cũng có thể gây thủng mạch máu lớn như thủng động mạch chủ hoặc động mạch cảnh gây chảy máu ồ ạt dẫn tới tử vong.
Từ trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo, người dân khi bị hóc xương cần đến cơ sở y tế khám ngay, để được bác sĩ xử trí đúng cách và kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra.
Để phòng ngừa hóc dị vật đường ăn, bác sĩ khuyến cáo:
- Cần thận trọng khi ăn các món ăn có xương nhỏ. Đặc biệt với trẻ em, người già nên tách xương khỏi món ăn.
- Những người có răng giả cần đề phòng nguy cơ răng bị rơi ra, gây hóc.
- Khi sử dụng rượu bia, nên tránh các món ăn có xương dễ gây hóc.
- Không nên cười đùa trong khi ăn uống.
- Để các vật nhỏ như viên pin, viên bi, mảnh đồ chơi ra khỏi tầm với của trẻ em.