Cảnh báo tình trạng ồ ạt phát triển cây sầu riêng ở Tây Nguyên
Nhiều năm qua, giá trái sầu riêng luôn giữ ổn định ở mức cao, nay lại rộng đường xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc khiến nông dân các tỉnh Tây Nguyên ồ ạt chuyển sang trồng loại cây ăn trái này. Diện tích cây sầu riêng phát triển nóng trong thời gian gần đây có nguy cơ dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu.
Giữa năm 2022, sầu riêng của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Nhiều gia đình ở “thủ phủ” sầu riêng của tỉnh Lâm Đồng là huyện Đạ Huoai lập tức tính chuyện mở rộng diện tích. Anh Võ Tùng đã liên hệ với một doanh nghiệp chuyên cung cấp giống cây sầu riêng, phân bón, thuốc BVTV có uy tín trên địa bàn để xuống giống cùng lúc 21ha. Giá cây giống tăng vọt, có thời điểm lên tới 230.000 đồng/cây. Hiện giá cây sầu riêng giống tại huyện Đạ Huoai dao động từ 140.000 – 185.000 đồng/cây tùy loại và chiều cao. Chi phí đầu tư cho 1ha sầu riêng, vào khoảng 200 triệu đồng.
Anh Tùng kỳ vọng, sau 3,5 năm, trang trại sầu riêng của anh sẽ được thu hoạch. Để trái sầu riêng có được chất lượng tốt nhất, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, anh Tùng không dùng phân hóa học và các loại chất có ảnh hưởng chất lượng quả. Trang trại sầu riêng của anh Tùng còn được phía công ty cung cấp giống, phân bón tới kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc mỗi tháng hai lần.
Rất nhiều gia đình tại các địa phương của huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Di Linh, Bảo Lâm, TP Bảo Lộc… của tỉnh Lâm Đồng cũng đang đẩy mạnh mở rộng diện tích cây sầu riêng. Lợi thế của loại cây ăn trái này là có thể trồng xen lẫn với cà phê. Trong thời gian chờ sầu riêng lớn, hằng năm gia chủ vẫn có thể thu hoạch cà phê. Khi sầu riêng bắt đầu cho trái, chủ vườn mới phá bỏ dần cà phê để tập trung chăm sóc cây sầu riêng. Do nhu cầu về cây sầu riêng giống tăng vọt, khan hiếm nguồn cung, không ít gia đình đã chọn mua giống trôi nổi ở các vườn ươm tự phát, không đảm bảo về nguồn gốc, chất lượng cây giống.
Sau khi xuống giống, cây sầu riêng phát triển không đồng đều, thường mắc nhiều sâu bệnh, chết yểu không rõ nguyên nhân. Sản lượng và chất lượng quả sau này lại càng chưa thể kiểm chứng. Nếu mua phải cây giống chất lượng kém, nhà vườn sẽ bị thiệt hại, trong khi muốn biết vườn sầu riêng có năng suất, chất lượng hay không lại phải chờ tới vài năm sau.
Hện nay diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là 17.163ha, tăng hơn 3.500ha so với năm 2021. Tình trạng phát triển nóng, mở rộng trồng mới sầu riêng ở vùng không có lợi thế, tự phát chặt phá cây trồng khác để trồng mới sầu riêng... đang có nguy cơ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, phá vỡ sự ổn định của thị trường trong thời gian tới, khuyến cáo sẽ dẫn đến hậu quả khó lường.
Thống kê sợ bộ, hiện nay diện tích sầu riêng ở khu vực Tây Nguyên tăng khá nhanh, lên đến hơn 40.000ha và chưa có dấu hiệu dừng lại, dù đã vượt quy hoạch đề ra. Nguy cơ cung vượt cầu rất dễ xảy ra. Cục Trồng trọt Bộ NN&PTNT đã đề nghị các tỉnh, thành phía Nam triển khai phương án phát triển bền vững cây sầu riêng, tuyệt đối không mở rộng diện tích ồ ạt gây mất kiểm soát. Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị UBND các huyện, thành phố trong tỉnh khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp, không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng. Đồng thời, Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng đề nghị các địa phương tăng cường công tác quản lý chất lượng cây giống sầu riêng, đảm bảo cung cấp cây giống đạt tiêu chuẩn chất lượng cho người dân.