Cảnh báo tình trạng ô nhiễm môi trường nước

Công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh thời gian qua được các cấp, ngành, địa phương quan tâm. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân nên tình hình ô nhiễm môi trường, nhất là nguồn nước còn diễn biến phức tạp.

Quan trắc phát hiện nhiều thông số ô nhiễm

Thời gian qua, người dân sống cạnh sông Cầu, đặc biệt là đoạn qua địa bàn các xã Vân Hà, thị xã Việt Yên; thị trấn Nham Biền, huyện Yên Dũng nhiều lần phản ánh tình trạng nước sông bị ô nhiễm chuyển màu, có mùi hôi, làm cá bị chết. Đây cũng là tình trạng chung diễn ra ở nhiều sông, hồ, ao của tỉnh. Năm 2024, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thực hiện 4 đợt quan trắc ở 80 vị trí nước mặt trên địa bàn tỉnh, kết quả cho thấy có 73/80 vị trí bị ô nhiễm bởi các chất hữu cơ và kim loại nặng (như Nitrit, Amoni, Fe, Mn, Cd, Hg, Cu, Pb, Zn).

 Cán bộ Chi cục BVMT kiểm tra việc xử lý nước thải tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Quang Châu (thị xã Việt Yên).

Cán bộ Chi cục BVMT kiểm tra việc xử lý nước thải tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Quang Châu (thị xã Việt Yên).

So với năm trước, mức độ ô nhiễm nguồn nước có dấu hiệu phức tạp hơn, hàm lượng ô nhiễm hữu cơ và kim loại tăng (năm 2023, mức độ ô nhiễm dao động từ 1,01 - 24,1 lần; năm 2024 dao động từ 1,01-101,9 lần). Đáng chú ý, quan trắc nguồn nước mặt của sông Thương, sông Cầu và sông Lục Nam tại 38 vị trí đều bị ô nhiễm bởi các thông số hữu cơ, kim loại nặng với mức ô nhiễm cao hơn năm 2023 nhiều lần. Tương tự, chất lượng nước mặt ao, hồ, kênh, mương trên địa bàn tỉnh cũng bị ô nhiễm, nhất là ở các khu vực tiếp nhận nước thải sinh hoạt khu đô thị, khu dân cư tập trung.

Năm 2024, Sở TN&MT thực hiện 4 đợt quan trắc ở 80 vị trí nước mặt trên địa bàn tỉnh, kết quả có 73/80 vị trí bị ô nhiễm bởi các chất hữu cơ và kim loại nặng (như Nitrit, Amoni, Fe, Mn, Cd, Hg, Cu, Pb, Zn). So với năm trước, mức độ ô nhiễm nguồn nước có dấu hiệu phức tạp hơn, hàm lượng ô nhiễm hữu cơ và kim loại tăng cao hơn, mức độ ô nhiễm biến động qua các năm (năm 2023 dao động từ 1,01 - 24,1 lần; năm 2024 dao động từ 1,01-101,9 lần).

Đối với nước dưới đất, quan trắc 39 vị trí phát hiện 32 vị trí bị ô nhiễm. Đáng lo lắng, ô nhiễm môi trường đất diễn biến theo chiều hướng xấu hơn. Cụ thể, năm 2023, trên địa bàn tỉnh không phát hiện ô nhiễm bởi thông số tổng Coliform, nhưng năm 2024 phát hiện 31/39 vị trí bị ô nhiễm bởi thông số này, với mức ô nhiễm dao động từ 1,5 -180 lần.

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường (BVMT - Sở TN&MT), nguyên nhân ô nhiễm nguồn nước, đất trên địa bàn tỉnh là do các nguồn thải từ phía thượng nguồn các con sông đổ về; do chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp; chất thải từ các khu dân cư, bãi chôn lấp rác thải chưa được xử lý tốt thời gian dài. Bên cạnh đó, nhiều ao, hồ không được lưu thông nước thường xuyên, không cải tạo, xử lý gây tích đọng chất thải lâu ngày, ngấm vào các mạch nước ngầm và đất.

Ngoài ra, còn do việc khai thác nước ngầm để phục vụ sinh hoạt nói riêng và sản xuất nói chung không có quy hoạch dẫn đến các nguy cơ gây sụt lún, giảm mực nước ngầm. Đặc biệt, năm 2024, trên địa bàn còn bị ảnh hưởng của bão số 3 gây xáo trộn, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước mặt…

Tăng cường kiểm soát nguồn xả

Với quan điểm BVMT là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH bền vững, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, trong đó có môi trường nước như: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác BVMT; rà soát, hoàn thiện các quy định về BVMT phù hợp với điều kiện thực tiễn; tăng cường công tác phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường; tập trung giải quyết các vấn đề môi trường. Cùng đó tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 17-CT/TU và Kết luận 99-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung huy động toàn dân tham gia thu gom, xử lý triệt để rác thải ra môi trường...

 Ô nhiễm nguồn nước làm cá bị chết trên sông Cầu, đoạn qua thị trấn Nham Biền (Yên Dũng) tháng 4/2024.

Ô nhiễm nguồn nước làm cá bị chết trên sông Cầu, đoạn qua thị trấn Nham Biền (Yên Dũng) tháng 4/2024.

Công tác giám sát, kiểm soát, xử lý các vi phạm pháp luật về môi trường được thực hiện thường xuyên, kiên quyết. Theo chỉ đạo của tỉnh, năm qua, các sở, ngành, đơn vị chức năng trên địa bàn đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT tại các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư và các doanh nghiệp. Qua đó phát hiện xử phạt vi phạm hành chính 145 chủ dự án, doanh nghiệp với tổng số tiền gần 16,85 tỷ đồng (tăng 58 vụ, tăng gần 12,5 tỷ đồng so với năm trước). Trong đó, cấp tỉnh xử lý 89 vụ với tổng số tiền gần 13,1 tỷ đồng, cấp huyện 56 vụ với tổng số tiền hơn 3,75 tỷ đồng.

Các hành vi vi phạm bị xử lý chủ yếu là: Hoạt động khi chưa có giấy phép môi trường, xả thải có chứa thông số nguy hại vào môi trường vượt mức cho phép; không thực hiện lưu giữ, xử lý chất thải theo quy định... Cá biệt trong năm, Sở TN&MT đã tham mưu tỉnh xử lý nghiêm đối với 1 doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Song Khê- Nội Hoàng (TP Bắc Giang) với tổng số tiền hơn 3,6 tỷ đồng. Doanh nghiệp bị phạt nặng do có hành vi xả nước thải có chứa thông số nguy hại vào môi trường vượt mức cho phép.

Ông Vũ Văn Tưởng, Phó Giám đốc Sở TN&MT thông tin: “Để bảo vệ, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường nước, thời gian tới, bên cạnh tập trung thực hiện tốt các giải pháp BVMT theo nhiệm vụ được giao, Sở tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp chấp hành nghiêm quy định về xả chất thải, nước thải trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh; tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn thải ra môi trường”.

Theo đó, việc kiểm soát nguồn thải được Sở TN&MT thực hiện qua các hoạt động cụ thể như: Làm tốt việc đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường đối với các dự án đầu tư vào địa bàn; chủ động rà soát, kiểm tra, đánh giá các khu vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường cao để chủ động giải pháp phòng ngừa, xử lý. Giám sát, yêu cầu các cơ sở có nguồn thải lớn hoàn thành việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động theo quy định.

Phối hợp tập trung giải quyết các vấn đề môi trường như quan tâm bố trí vị trí, đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp còn thiếu hệ thống này. Đề nghị UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch, có lộ trình bố trí nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị, nước thải trong các khu dân cư… Đồng thời tiếp tục đề xuất tỉnh kiến nghị với Bộ TN&MT giải quyết dứt điểm các vấn đề môi trường liên vùng, liên tỉnh giữa Bắc Giang và các địa phương xung quanh như Bắc Ninh, Hải Dương…

Bài, ảnh: Tuấn Dương

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/canh-bao-tinh-trang-o-nhiem-moi-truong-nuoc-postid410098.bbg