Cảnh báo tình trạng tiêu chảy do kháng sinh ở trẻ và cách xử lý
Tiêu chảy do kháng sinh ở trẻ không mới nhưng lại là vấn đề có thể khiến nhiều phụ huynh lo lắng trong quá trình nuôi dưỡng trẻ. Cùng tìm hiểu những vấn đề liên quan đến tình trạng tiêu chảy do kháng sinh ở trẻ cũng như cách xử lý phù hợp.
Vì sao trẻ em thường dễ gặp tình trạng tiêu chảy do kháng sinh?
Kháng sinh thường được sử dụng để điều trị các bệnh lí nhiễm trùng do vi khuẩn như nhiễm trùng hô hấp như viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi, nhiễm trùng da…, đặc biệt là ở đối tượng trẻ em. Tuy nhiên, việc lạm dụng kháng sinh quá nhiều hoặc trường hợp trẻ phải sử dụng kháng sinh trong thời gian dài có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn như rối loạn hệ vi sinh đường ruột biểu hiện qua rối loạn tiêu hóa như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy.
Theo TS.BS. Phạm Hùng Vân, hệ vi sinh đường ruột là một cộng đồng sinh vật sống đa dạng với nhiều chủng vi khuẩn có lợi và có hại tồn tại song song. Lợi khuẩn phát triển mạnh và đầy đủ sẽ kiềm chế hại khuẩn phát triển gây bệnh (tỷ lệ cân bằng 85% lợi khuẩn – 15% hại khuẩn). Tuy nhiên trong quá trình kháng sinh được nạp vào cơ thể làm nhiệm vụ tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh, cũng đồng thời vô tình giết luôn vi khuẩn có lợi, gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Đặc biệt, một số chủng hại khuẩn còn kháng kháng sinh tốt hơn lợi khuẩn nên việc sử dụng kháng sinh trong một thời dài tạo điều kiện cho hại khuẩn phát triển mạnh mẽ trong đường tiêu hóa. Chúng chiếm thức ăn và vị trí của lợi khuẩn đồng thời tiết ra độc tố gây tổn thương niêm mạc ruột, kích hoạt quá trình viêm nhiễm, phù nề, xuất tiết, và tiêu chảy ở trẻ.
Phụ huynh cần phải làm gì khi trẻ gặp tình trạng tiêu chảy do kháng sinh?
Theo TS.BS. Phạm Hùng Vân, trước tiên, cần xác định mức độ tiêu chảy do kháng sinh ở trẻ để có các giải pháp điều trị phù hợp. Đối với tiêu chảy nhẹ, các triệu chứng sẽ hết trong vài ngày tới 2 tuần sau khi kết thúc phác đồ kháng sinh.
Tuy nhiên nếu trẻ đã chuyển sang tình trạng tiêu chảy nặng, cần dừng ngay loại kháng sinh có liên quan đến tiêu chảy. Ngoài ra, cũng cần bù đủ nước, điện giải, thăng bằng kiềm toan (ORS) và kẽm. Cho trẻ ăn thực phẩm mềm, thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa như gạo, khoai tây, sữa chua và chuối cũng như chia nhỏ bữa ăn để trẻ dễ tiêu hóa hơn. Tránh cho trẻ dùng đồ uống có gas, nước ép cam quýt… Bổ sung men vi sinh/probiotic như Bacillus clausii giúp ức chế các vi khuẩn gây bệnh và tăng cường hoạt động cho hệ vi khuẩn bình thường tại ruột cũng là một biện pháp hữu hiệu hỗ trợ điều trị tiêu chảy ở trẻ nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Một điều quan trọng mà các bậc phụ huynh cần phải đặc biệt lưu ý đó là: chỉ dùng kháng sinh khi thật cần thiết và có chỉ định của bác sĩ. Kháng sinh có thể điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn nhưng sẽ không giúp ích trong việc điều trị nhiễm vi rút chẳng hạn như cảm lạnh và cúm.
- Dùng kháng sinh chính xác theo đơn, không tăng liều, dùng gộp cả liều bỏ lỡ hoặc dùng thuốc lâu hơn đơn bác sĩ kê.
- Người chăm sóc trẻ phải luôn vệ sinh tay cẩn thận trước khi chạm vào trẻ.
- Báo cho bác sĩ điều trị nếu trẻ đã từng bị tiêu chảy liên quan đến kháng sinh trước đây để cân nhắc chọn một loại kháng sinh khác phù hợp bởi tiêu chảy liên quan đến kháng sinh thì sẽ có nguy cơ bị tái phát.
- Ngoài ra, cho trẻ uống kèm men vi sinh khi đang điều trị bằng kháng sinh để phòng ngừa tình trạng tiêu chảy tốt hơn, theo tư vấn của chuyên gia.
Cách dùng men vi sinh để phòng ngừa tiêu chảy cho trẻ đang sử dụng kháng sinh
Men vi sinh là một biện pháp hỗ trợ hiệu quả quá trình điều trị tiêu chảy, tiêu chảy do kháng sinh. Ngoài ra, các mẹ cũng cần biết rằng không chỉ trẻ khi gặp tình trạng tiêu chảy mới bắt đầu sử dụng men vi sinh mà có thể bắt đầu cho trẻ dùng đồng thời trong quá trình uống kháng sinh để phòng ngừa tiêu chảy do kháng sinh.
Cách dùng: Cho trẻ bổ sung men vi sinh cách 2 giờ sau khi sử dụng kháng sinh. Khi kết thúc quá trình sử dụng kháng sinh, tiếp tục dùng men vi sinh 1-2 tuần để đảm bảo hệ vi sinh đường ruột được cân bằng.
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại men vi sinh khác nhau. Các phụ huynh có thể dựa trên 5 tiêu chí dưới đây để chọn loại men vi sinh tốt đáp ứng tiêu chuẩn của WHO:
- Được xác định các chủng đặc hiệu và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng ví dụ như chứa một số chủng loại vi khuẩn tốt cho sức khỏe Lactobacillus, Bifidobacterium,… Tuy nhiên các chủng lợi khuẩn khác nhau với những ưu nhược điểm chức năng khác nhau, các mẹ cần lưu ý lựa chọn men vi sinh từ các nhà sản xuất uy tín, mang lại hiệu quả cao trong việc phòng ngừa và điều trị tiêu chảy do kháng sinh ở trẻ nhưng vẫn an toàn và dịu nhẹ.
- Có tính bền vững, ổn định và khả năng sống đến ruột già như dạng bào tử lợi khuẩn, có khả năng đề kháng kháng sinh trong trường hợp điều trị tiêu chảy do kháng sinh. Bacillus clausii là một trong số ít những lợi khuẩn có khả năng tạo bào tử. Nhờ dạng bào tử, lợi khuẩn này tồn tại bền vững trong những điều kiện khắc nghiệt như nhiệt độ cao, acid dạ dày.
- Đảm bảo đủ liều lượng cho đến cuối hạn dùng của sản phẩm
- Có các bằng chứng khoa học chứng minh hiệu quả của men vi sinh trên lâm sàng giúp giảm tỷ lệ tiêu chảy do dùng kháng sinh. Bacillus clausiilà một chủng lợi khuẩn đã được chứng minh là mang lại hiệu quả trong điều trị tiêu chảy khi dùng kèm với ORS và kẽm giúp giảm số lần đi tiêu trong vòng 24 giờ sử dụng, cải thiện độ đặc của phân, rút ngắn thời gian bị tiêu chảy, thời gian nằm viện, giúp giảm chi phí điều trị và chi phí xã hội.
- Đạt tiêu chuẩn sản xuất và an toàn cho người sử dụng.