Cảnh báo tình trạng trẻ em bị xâm hại, bạo lực

Tuyên truyền về phòng chống xâm hại trẻ em. Ảnh: KIM CHI

Thời gian qua, tình hình trẻ em bị xâm hại, bạo lực tiếp tục diễn biến phức tạp. Đây là thực trạng đau lòng, đòi hỏi sự vào cuộc khẩn trương, mạnh mẽ và phối hợp đồng bộ của toàn thể xã hội và chính gia đình của những nạn nhân.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra nhiều vụ trẻ em bị ngược đãi, xâm hại và xâm hại tình dục (XHTD), gây bức xúc trong dư luận xã hội, gây tổn hại đến sức khỏe, tâm lý của trẻ...

Những trường hợp đau lòng

Điển hình là vụ việc bé gái Đ, 15 tuổi thiểu năng trí tuệ ở xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh bị hiếp dâm và đang mang thai 4 tháng. Ông Nguyễn Nhứt (ông ngoại Đ), chia sẻ: “Con H (mẹ Đ) bị thiểu năng trí tuệ từ nhỏ. Lớn lên nó bị trai làng dụ dỗ và lần lượt sinh ra hai cháu D và Đ. Gia đình chẳng biết cha hai đứa là ai. Con Đ cũng bị thiểu năng trí tuệ như mẹ nó. Mặc dù đang mang thai nhưng nó vẫn hồn nhiên, không hề biết gì. Tôi nhìn cháu mà nước mắt cứ chảy thành dòng”. Ông Trần Văn Ân, Chủ tịch UBND xã Đức Bình Tây, cho biết: “Sau khi nắm được thông tin, chúng tôi đã kiến nghị Công an huyện Sông Hinh điều tra xác minh sự việc. Nhưng vì bé Đ bị thiểu năng trí tuệ, còn ông bà ngoại thì tuổi đã già nên công tác xác định thủ phạm gặp nhiều khó khăn”.

Mới đây ở xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân cũng đã xảy ra một vụ bé gái 13 tuổi nghi bị XHTD. Sau khi nhận tin báo của gia đình nạn nhân, Công an huyện Đồng Xuân đã tiến hành điều tra theo tin báo và trưng cầu giám định pháp y theo quy định pháp luật. Bước đầu cơ quan chức năng đã xác định được nghi phạm vụ XHTD và đang tiến hành lấy lời khai để làm rõ.

Hay trường hợp một bé trai mới 2 tuổi ở huyện Phú Hòa, bị chính người nuôi dưỡng đánh đập, ngược đãi, đang được các ngành chức năng đưa về Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội để chăm sóc, nuôi dưỡng.

Bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Phú Yên, cho biết: Bước đầu tiếp nhận các thông tin cũng như tiếp cận các trường hợp trẻ bị xâm hại gần đây, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương, cán bộ, nhân viên công tác xã hội để theo dõi. Với trường hợp bé Đ (huyện Sông Hinh) chúng tôi sẽ liên tục theo dõi và chờ đến ngày cháu sinh nở để có hướng can thiệp tốt hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã có nhiều biện pháp tích cực để bảo vệ, can thiệp, hỗ trợ, phòng ngừa nhằm hạn chế thấp nhất những nguy cơ xâm hại có thể xảy ra với trẻ em.

Tăng cường các giải pháp ngăn ngừa

Theo thống kê năm 2019, toàn tỉnh phát hiện 5 trường hợp trẻ em bị XHTD, tăng 3 trường hợp so với năm 2018. Các đối tượng xâm hại đã bị xử lý theo quy định của pháp luật. Trẻ trong các vụ việc xâm hại đều được đánh giá, xác định mức độ tổn thương, các vấn đề cần can thiệp hỗ trợ và lập kế hoạch can thiệp, hỗ trợ. Bên cạnh việc tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp, tỉnh cũng tập trung trang bị kiến thức, bổ sung kỹ năng về phòng chống xâm hại trẻ em cho các đối tượng liên quan thông qua nhiều hình thức.

“XHTD trẻ em không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, vô đạo đức mà còn gây ra nỗi đau về mặt thể chất và tinh thần cho nạn nhân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của xã hội. Do đó, những kẻ XHTD trẻ em nhất thiết phải bị trừng trị nghiêm khắc”, bà Huỳnh Phạm Ái Thy nói.

Theo Sở LĐ-TB-XH, toàn tỉnh có hơn 230.000 trẻ em, chiếm hơn 20% dân số. Trong đó, trên 5.800 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trên 18.200 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt... Trước những diễn biến phức tạp của nạn xâm hại trẻ em, tỉnh đã có nhiều biện pháp tích cực để bảo vệ, can thiệp, hỗ trợ, phòng ngừa nhằm hạn chế thấp nhất những nguy cơ xâm hại có thể xảy ra với trẻ.

ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, cho biết: Chăm sóc và bảo vệ trẻ em là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành LĐ-TB-XH. Chính sách về trẻ em luôn được lồng ghép với các chính sách bảo đảm an sinh xã hội. Thời gian qua, Sở LĐ-TB-XH đã phối hợp với các ngành chức năng, hội đoàn thể triển khai nhiều hoạt động chăm sóc, bảo vệ, nhằm giúp trẻ em có cuộc sống an toàn, lành mạnh như: thực hiện quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; kịp thời phối hợp với các ngành, địa phương có biện pháp can thiệp, trợ giúp khi phát hiện trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Song để đạt được hiệu quả cao nhất, ngoài sự nỗ lực của các cấp chính quyền, của gia đình, thì việc phòng ngừa, chống xâm hại trẻ em rất cần sự chung tay của cả cộng đồng. Nhằm tăng cường hơn nữa công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh cũng đã có công văn đề nghị các cấp, các ngành tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác trẻ em; quán triệt và thực hiện tốt Luật Trẻ em và các quy định pháp luật về công tác trẻ em; tập trung xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; phòng chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em và phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em.

Để hoạt động chăm sóc, bảo vệ, nhằm giúp trẻ em có cuộc sống an toàn, lành mạnh đạt được hiệu quả cao nhất, ngoài sự nỗ lực của các cấp chính quyền, của gia đình, thì việc phòng ngừa, chống xâm hại trẻ em rất cần sự chung tay của cả cộng đồng.

Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/240129/canh-bao-tinh-trang-tre-em-bi-xam-hai-bao-luc.html