Cảnh báo tình trạng trẻ em đuối nước mùa nắng nóng
Bước vào mùa nắng nóng cũng là thời điểm trẻ em thích các hoạt động bơi lội biển hoặc ở những nơi có ao hồ, sông suối... Do đó, nguy cơ trẻ gặp tai nạn đuối nước rất dễ xảy ra.
Chỉ trong một thời gian ngắn, toàn tỉnh đã xảy ra 3 trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước.
Nỗi đau, nỗi lo
Gần đây nhất là trường hợp trẻ em bị đuối nước dẫn đến tử vong xảy ra vào ngày 7/4. Hôm ấy, em H cùng nhóm bạn từ Tuy An rủ nhau đến vực Phun (xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa) vui chơi và tắm. Đến gần trưa, phát hiện H bị đuối nước, nhóm bạn đi cùng đưa lên bờ sơ cứu nhưng đã muộn.
Trước đó, hồi cuối tháng 3, em K ở xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) cùng một số bạn đến khu vực bãi biển đầu đường Trần Phú (phường 7, TP Tuy Hòa) để tắm và bị sóng cuốn. Lực lượng cứu hộ và người dân cứu được 3 em, riêng K tử vong.
Trường hợp còn lại xảy ra trên địa bàn huyện Sông Hinh.
Theo bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐTB&XH), những vụ trẻ em đuối nước vẫn cứ liên tiếp xảy ra cho dù đã có rất nhiều cảnh báo từ chính quyền, ngành chức năng và các cơ quan thông tin truyền thông.
Nguyên nhân một phần là do trẻ luôn hiếu động, thích khám phá nhưng lại chưa biết cách tự bảo vệ mình khi gặp phải tình huống nguy hiểm dưới nước; trong khi đó, một số bậc cha mẹ chưa quan tâm đầy đủ nên không bảo vệ được con em mình.
Cần sự vào cuộc của cả cộng đồng
Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, mỗi năm Việt Nam có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Tỉ lệ trẻ em Việt Nam tử vong do đuối nước cao nhất Đông Nam Á và cao gấp 10 lần so với các nước đang phát triển. Trong số đó, 53% trường hợp chết đuối xảy ra khi trẻ em chơi gần ao, suối, sông, hồ, kênh, mương… mà không có sự giám sát, bảo vệ của người lớn.
Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: Phú Yên có hệ thống ao, hồ, kênh, mương khá dày đặc. Tình trạng trẻ em bị tai nạn đuối nước thường xảy ra, nhất là vào mùa hè nắng nóng. Một là do trẻ sơ ý, hai là môi trường sống xung quanh chưa thật sự an toàn và sự lơ là của người lớn... dẫn đến những tai nạn đuối nước thương tâm.
Trước thực trạng trên, các sở, ban ngành trong tỉnh đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tăng cường kỹ năng phòng chống đuối nước, thương tích cho trẻ như: Truyền thông về phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các lớp dạy bơi và truyền thông về kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ em độ tuổi 9-15...
Để không còn những vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra, Sở LĐTB&XH tiếp tục triển khai nhiều văn bản, kế hoạch của UBND tỉnh về tăng cường phòng chống đuối nước ở trẻ em; tổ chức các lớp truyền thông về Luật Trẻ em, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích đuối nước cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em….
Cùng với đó, các địa phương cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát các vị trí mặt nước ao hồ, sông suối, công trình công cộng, công trình xây dựng trên địa bàn để phát hiện kịp thời nguy cơ trẻ đuối nước, rơi, ngã và các nguy cơ mất an toàn khác; thực hiện ngay các biện pháp khắc phục, phòng ngừa, cảnh giới, nhắc nhở, bảo đảm môi trường sống an toàn cho mọi trẻ em.
Các địa phương, đơn vị liên quan cũng cần đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân về phòng chống đuối nước trẻ em; tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng chống đuối nước trẻ em đến từng trường học, lớp học, thôn, buôn, xóm, khu phố; giáo dục, vận động gia đình thường xuyên quan tâm, trông giữ, giám sát, nhắc nhở trẻ em về nguy cơ tai nạn thương tích, đuối nước.
Đồng thời tiếp tục triển khai, mở rộng việc dạy bơi cho trẻ em; vận động các gia đình chủ động đưa con đi học kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất để dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước tại địa phương.