Cảnh báo tình trạng vi phạm hợp đồng thu mua sầu riêng
Khi giá sầu riêng cao, một số nông dân đã ký hợp đồng thu mua ngay từ đầu năm nhưng lại tuồn sản lượng của mình ra ngoài mà không cung cấp theo hợp đồng đã ký.
Trong ngày 11 và 12-7, tại kỳ họp khóa X, HĐND tỉnh Bình Phước nhiệm kỳ 2021 - 2026, nhiều đại biểu đã chất vấn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phạm Thụy Luân liên quan đến việc tìm đầu ra cho cây sầu riêng.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân Hòa, Bí thư Huyện ủy Phú Riềng, so sánh trước đây, điều được xem là là cây xóa đói giảm nghèo thì bây giờ cây sầu riêng lại là cây làm giàu. Vì thế, cả 2 loại cây trồng này đều được người dân rất quan tâm.
Thế nhưng, theo đại biểu Hòa, gần đây đã có những "giọt nước mắt" của người trồng sầu riêng liên quan đến việc các đơn vị đến địa bàn thu mua nhưng sau khi đặt cọc xong thì lại không mua. "Ngành nông nghiệp cần có giải pháp chủ động, tham mưu kịp thời cho lãnh đạo tỉnh liên quan đến chiến lược phát triển cây sầu riêng" - đại biểu Hòa kiến nghị.
Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Minh Quang, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bình Phước, đặt câu hỏi về định hướng của tỉnh trong việc phát triển cây sầu riêng thời gian tới là gì và giải pháp nào để sầu riêng Bình Phước có thể cạnh tranh được trên thị trường xuất khẩu.
Theo đại biểu Quang, hiện nay phần lớn sầu riêng Việt Nam xuất khẩu qua Trung Quốc và phải cạnh tranh với các nước như Thái Lan và Malaysia.
Trả lời kiến nghị của các đại biểu, ông Phạm Thụy Luân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, cho biết năm nay, giá sầu riêng cao hơn năm trước khoảng 10.000 - 20.000 đồng/kg. Thu nhập đối với 1 ha sầu riêng khoảng 800 - 900 triệu đồng. Hiện nay, trên địa bàn đã có một số HTX đang thực hiện chế biến sầu riêng sấy khô, đông lạnh... Các sản phẩm sầu riêng Bình Phước đã xuất hiện tại các siêu thị lớn ở các thành phố như Hà Nội, TP HCM.
Tuy nhiên, khi giá sầu riêng cao, một số nông dân đã ký hợp đồng thu mua ngay từ đầu năm nhưng lại tuồn sản lượng của mình ra ngoài mà không cung cấp theo hợp đồng đã ký.
Trong quá trình kiểm tra giám sát, ngành nông nghiệp phát hiện một số hộ gia đình không tham gia các chuỗi liên kết cắt sầu riêng chưa đến tuổi (sầu riêng non) bán ra ngoài khi giá cao.
Dù phát hiện nhưng ngành nông nghiệp không thể xử lý vì đó là tài sản của người dân, đơn vị chỉ có thể cảnh báo và khuyến cáo đối với người dân. Tuy nhiên, việc này sẽ gây ảnh hưởng đến uy tín của cây sầu riêng và sản phẩm sầu riêng của tỉnh.
Ông Luân cũng khuyến cáo người dân không nên chạy theo phong trào, ồ ạt trồng sầu riêng vì đây là loại cây cần nguồn vốn cao, thời gian trồng và cho thu hoạch dài, cũng như đòi hỏi chuyên môn cao trong tất cả các khâu từ trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản. Sầu riêng rất nhạy cảm với thời tiết, sâu bệnh, việc điều trị khi bị nhiễm bệnh rất khó và chi phí rất cao.
Hiện diện tích trồng sầu riêng của tỉnh còn phân tán, chất lượng chưa đồng đều. Số lượng diện tích được cấp mã vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap còn thấp so với tổng diện tích.