Cảnh báo trào lưu ngậm hoa 'sống ảo' và cái kết phải đi cấp cứu của nữ blogger: Cẩn thận loài hoa nguy hiểm, chỉ cần chạm cũng trúng độc
Với vẻ đẹp chuẩn ''nàng thơ'', cây trúc đào khiến nhiều blogger mê đắm sử dụng để chụp ảnh nhưng ít ai biết đây lại là loại cây độc như lá ngón.
Suýt bỏ mạng vì chụp ảnh với hoa
''Tự sướng'' với đôi môi ngậm hoa đang trở thành trào lưu được các KOL tích cực lăng xê trên mạng xã hội Trung Quốc. Cơn sốt này bắt nguồn từ các bài đăng chia sẻ mẹo chụp ảnh trên mạng, về cách tạo dáng với hoa ví dụ như đặt bên cạnh má, dùng che miệng, cắm lên tai hay thậm chí ngậm trong miệng.
Xu hướng này tưởng chừng là hành động vô cùng đơn giản nhưng thực chất lại tiềm ẩn không ít nguy hiểm nếu như bạn chọn phải loại hoa có chứa độc, chẳng hạn như hoa trúc đào.
Hôm qua (16/6), South China Morning Post, hãng China News đều đăng tải câu chuyện nữ sinh đại học ngậm bông hoa độc trong miệng, sau đó phải đi cấp cứu trong tình trạng tính mạng bị đe dọa. Nữ sinh nói trên ở TP Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam. Thấy cây hoa ven đường quá đẹp, cô gái liền chụp ảnh selfie, tạo dáng nàng thơ với kiểu ngậm hoa vào miệng. Sau đó, về đến nhà, cô cảm thấy chóng mặt, hoa mắt nhưng không để tâm, chỉ nghĩ cơ thể mệt mỏi thông thường. Sau một đêm, tình trạng càng nặng hơn, cô nôn mửa, tiêu chảy không dừng.
Nhận thấy có dấu hiệu ngộ độc, gia đình vội đưa nữ sinh đi cấp cứu. Nhờ đến bệnh viện kịp thời nên cô đã qua cơn nguy hiểm và đang hồi phục dần, dù tình trạng ngộ độc khá nặng.
Bác sĩ xác định nữ sinh bị ngộ độc nhựa cây trúc đào do hái hoa và ngậm vào miệng. Các chuyên gia y tế cảnh báo lá, hoa, cành và thân cây trúc đào rất độc, có thể gây bệnh nặng hoặc tử vong.
Ngay sau vụ việc xảy ra, trên Xiaohongshu - nền tảng thương mại điện tử và truyền thông xã hội của Trung Quốc cũng tràn ngập bài viết của những người phụ nữ từng bị ngộ độc sau khi ngậm hoa trúc đào vào miệng để chụp ảnh.
Một người viết: "Tôi bắt đầu cảm thấy có phản ứng lạ và chóng mặt trong lúc đang chụp ảnh. Tôi cứ nghĩ do cơ thể yếu. May mắn tôi mau chóng nhả bông hoa ra vì mùi vị của nó. Chuyện này đã cứu mạng tôi".
Loài hoa mang vẻ đẹp chết người
Cây trúc đào được mô tả như một “người bảo vệ môi trường” hay “máy hút bụi xanh” vì khả năng chắn gió và cát tốt cũng như hấp thụ khói ôtô. Do đó, trúc đào được trồng rộng rãi trên nhiều đường phố và công viên tại Trung Quốc. Ở Việt Nam, loài cây này còn được trồng trong nhà vì quá đẹp.
Theo bài viết của dược sĩ Lê Kim Phụng (ĐH Y Dược TPHCM) đăng tải trên Người Lao Động cho thấy, trúc đào là một trong những loài thực vật chứa nhiều hợp chất có độc, có thể gây tử vong ở người, đặc biệt là trẻ em.
Độc tính có trong trúc đào rất cao và đã có nhiều thông báo cho thấy trong một số trường hợp chỉ cần một lượng nhỏ cũng đã đủ gây tử vong.
Đáng kể nhất trong số các chất độc có trong cây trúc đào là oleandrin và neriin, đều là các glycoside tim mạch. Hai chất này có trong toàn bộ các bộ phận của loài cây này nhưng chủ yếu tập trung trong nhựa cây. Vỏ cây chứa rosagenin, có các tác động tương tự như strychnin. Toàn cây đều có nhựa màu trắng sữa là chất rất độc và đều gây ra các phản ứng có hại cho sức khỏe.
Các nghiên cứu đã cho thấy chỉ ăn phải từ 10 đến 20 lá trúc đào thì người lớn cũng có thể bị nguy hiểm tính mạng và chỉ 1 lá cũng có thể gây tử vong ở trẻ em. Nhiều người lính ở vùng đảo Corse (Pháp) bị chết do ăn thịt nướng với que xiên lấy từ cành cây trúc đào, nhiều người khác bị ngộ độc do uống nước có nút chai làm từ cây trúc đào hoặc do uống nước suối chảy qua khu vực có nhiều cây trúc đào mọc.
Triệu chứng ngộ độc do trúc đào
Nếu ngộ độ do trúc đào có thể có các triệu chứng như sau:
-Trên hệ tiêu hóa: Buồn nôn và nôn mửa, tiết nhiều nước bọt, các tổn thương vùng bụng, tiêu chảy có thể lẫn máu.
- Trên tim mạch: Loạn nhịp tim, đầu tiên nhịp nhanh sau đó chậm dưới mức bình thường rồi loạn nhịp. Các chất độc từ trúc đào khi nhiễm vào cơ thể còn ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương làm da xanh tái và lạnh, nạn nhân đờ đẫn, run rẩy chân tay và các cơ, tai biến mạch máu, hôn mê và có thể dẫn tới tử vong. Nhựa trúc đào dính vào da còn gây viêm tấy và bỏng rát, sưng đỏ; dính vào mắt sẽ gây loét giác mạc, nếu bị nặng có thể dẫn đến mù mắt.
Vì những lý do trên, chúng ta cần đặc biệt thận trọng khi tiếp xúc với loài cây này, nếu chụp ảnh chỉ nên đứng cạnh, tuyệt đối không ngắt hoa rồi bỏ vào miệng hay để nhựa chạm vào da.